Xử lý trách nhiệm cá nhân

Những quy định này được kỳ vọng sẽ góp phần tăng cường kiểm soát cục nợ của các DNNN - vốn được đánh giá là khá nguy hiểm, đang gây băn khoăn và lo lắng cho các nhà quản lý. Về vấn đề này, mới đây mục Thời luận báo ĐTTC đã có bài đề cập trên số báo ra ngày 2-12-2013.

Tại Nghị định 206 về quản lý nợ của doanh nghiệp (DN) do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ vừa được Chính phủ ban hành, một loạt cơ chế quản lý mới được đề ra đối với khối DNNN.

Những quy định này được kỳ vọng sẽ góp phần tăng cường kiểm soát cục nợ của các DNNN - vốn được đánh giá là khá nguy hiểm, đang gây băn khoăn và lo lắng cho các nhà quản lý. Về vấn đề này, mới đây mục Thời luận báo ĐTTC đã có bài đề cập trên số báo ra ngày 2-12-2013.

Theo quy định của Nghị định 206, đối với việc xử lý các khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi, các DN xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân là hội đồng thành viên, chủ tịch, tổng giám đốc. Đồng thời yêu cầu tập thể, cá nhân lãnh đạo phải dùng tài sản cá nhân để bồi thường theo quy định của pháp luật. Sau khi nghị định có hiệu lực, các DN phải xây dựng được quy chế quản lý nợ.

Trường hợp chưa có quy chế, xem như ban điều hành, các lãnh đạo DN không hoàn thành nhiệm vụ và không được trích thưởng, trừ 20% lương hàng tháng. Trường hợp để cơ quan thẩm quyền nhắc nhở hơn 1 lần mà DN vẫn chưa xây dựng được quy chế, các chủ tịch, tổng giám đốc và thành viên hội đồng thành viên sẽ bị miễn nhiệm như trường hợp báo cáo không trung thực tình hình tài chính của DN.

Đây rõ ràng là những chế tài khá mạnh, được đưa ra nhằm khắc phục trình trạng quản lý tài chính lỏng lẻo hiện nay ở không ít DNNN. Đáng chú ý các chế tài này hướng mạnh tới trách nhiệm cá nhân của lãnh đạo DNNN - điều đã được khuyến nghị khá lâu, khi vấn đề cải cách khu vực DNNN được đề cập.

Trên thực tế, dù được hưởng nhiều cơ chế ưu ái, nhưng hầu hết DNNN có hiệu quả sử dụng vốn thấp, thất thoát vốn nhà nước ngày càng trầm trọng. Tuy nhiên, do cơ chế giao quyền đại diện sở hữu vốn nhà nước tại DN thiếu rõ ràng, minh bạch nên khi xảy ra chuyện, rất khó quy trách nhiệm cho một cá nhân nào đó. Chỉ tới khi cơ quan chức năng xác định được sai phạm rõ ràng, lãnh đạo DN bị truy tố hình sự, trách nhiệm cá nhân mới bị xem xét.

Nhìn lại những vụ việc xảy ra gần đây tại Vinashin, Vinalines… sẽ thấy rõ điều đó. Đây là những tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước, được xác định là trụ cột trong phát triển công nghiệp đóng tàu và ngành hàng hải nước nhà.

Tuy nhiên, cơ chế quản lý tài chính lỏng lẻo đã tạo điều kiện cho những Phạm Thanh Bình, Dương Chí Dũng… lợi dụng, làm những “quả đấm thép” này thực sự tan chảy, đổ vỡ. Sai phạm quá lớn khiến các vị này phải ra tòa với các tội danh như cố ý làm trái quy định quản lý kinh tế, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, tham ô… Những sai phạm của các cá nhân này sẽ bị pháp luật xử lý thích đáng, nhưng hàng ngàn tỷ đồng của Nhà nước đã mất đi, hàng vạn lao động mất việc làm liệu có ai đền bù?

Hơn nữa, không phải lãnh đạo DN nào làm ăn kém hiệu quả, điều hành kém khiến có nhiều khoản nợ không còn khả năng thu hồi… cũng phải ra tòa, cũng bị pháp luật xử lý. Bởi vậy, đề ra một cơ chế rõ ràng về trách nhiệm cá nhân với chế tài mạnh mẽ như tại Nghị định 206 là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh tiến trình tái cơ cấu DNNN đang được đẩy mạnh.

Báo cáo tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2012 của các DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và DN có cổ phần, vốn góp của Nhà nước mà Chính phủ gửi đến kỳ họp Quốc hội vừa qua, cho thấy 127 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ - công ty con có tổng số nợ phải trả 1.348.752 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2011, chiếm 56% tổng nguồn vốn.

Khối DNNN có tổng số nợ phải thu năm 2012 là 275.975 tỷ đồng, trong đó nợ phải thu khó đòi 13.490 tỷ đồng, tăng 24,5% so với năm trước và chiếm 4,89% tổng số nợ phải thu. Căn cứ số liệu báo cáo này, khi Nghị định 206 có hiệu lực (từ ngày 1-2-2014), nếu tình hình không được cải thiện, nhiều lãnh đạo DNNN sẽ phải đối diện với việc mất chức, hoặc phải dùng tài sản cá nhân để bồi thường.

Vấn đề đặt ra là liệu những cơ chế, quy định Nghị định 206 đề ra có được thực hiện một cách nghiêm chỉnh và quyết liệt? Tất nhiên, đây là vấn đề không dễ dàng, bởi động tới DNNN, động tới lãnh đạo DNNN là động tới các nhóm lợi ích - lực cản không nhỏ trong tiến trình cải cách.

Dư luận sẽ quan sát và giám sát kỹ các hành động thực thi nghị định này, chờ đợi các động thái quyết liệt và có hiệu quả của cơ quan quản lý, để từ kỳ vọng tới thực tế không phải là một khoảng cách quá xa.

Các tin khác