Xử lý tận gốc để khôi phục lòng tin

Đây không phải là lần đầu một vụ tham nhũng, tiêu cực trong ngành giao thông được phát hiện, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới lòng tin của các nhà tài trợ ODA đối với Việt Nam. Năm 2006, vụ bê bối liên quan đến tham nhũng tại PMU 18 - một trong những ban quản lý dự án lớn trong ngành giao thông đã khiến Bộ trưởng Bộ GT-VT lúc đó phải từ chức, một vị thứ trưởng bị bắt giam cùng hàng loạt quan chức khác.

Những động thái nhanh nhạy và quyết liệt của Chính phủ và ngành giao thông trong việc làm rõ nghi án nhà thầu Nhật Bản hối lộ 16 tỷ đồng cho quan chức đường sắt Việt Nam đang được nhiều người khen ngợi. Tuy nhiên, đằng sau đó cũng là những nghi ngại và băn khoăn về danh dự quốc gia, về những tiêu cực tham nhũng trong ngành xây dựng, giao thông có thể cản bước phát triển của đất nước.

Đây không phải là lần đầu một vụ tham nhũng, tiêu cực trong ngành giao thông được phát hiện, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới lòng tin của các nhà tài trợ ODA đối với Việt Nam. Năm 2006, vụ bê bối liên quan đến tham nhũng tại PMU 18 - một trong những ban quản lý dự án lớn trong ngành giao thông đã khiến Bộ trưởng Bộ GT-VT lúc đó phải từ chức, một vị thứ trưởng bị bắt giam cùng hàng loạt quan chức khác.

 Do PMU 18 được giao quản lý khoảng 2 tỷ USD vốn ODA, vụ tiêu cực tại đây đã làm suy giảm nặng nề lòng tin của các nhà tài trợ, khiến họ cẩn trọng hơn khi cấp vốn viện trợ phát triển chính thức cho Việt Nam trong một thời gian dài sau đó.

Nhưng chưa hết, tháng 8-2008, các cựu quan chức của Công ty tư vấn PCI (Nhật Bản) đã bị nhà chức trách Nhật Bản bắt giam vì bị tình nghi đã hối lộ cho người đứng đầu Ban quản lý dự án đại lộ Đông - Tây và môi trường nước TPHCM, là ông Huỳnh Ngọc Sỹ. Từ nguồn tin của báo chí Nhật Bản, cơ quan chức năng 2 nước đã hợp tác làm rõ, và ông Huỳnh Ngọc Sỹ đã bị tòa án xử phạt tù chung thân do đã nhận 262.000USD tiền hối lộ của nhà thầu tư vấn PCI. Vụ việc tuy được xử lý nghiêm, nhưng đã khiến sự ủng hộ của công chúng Nhật Bản đối với Việt Nam giảm sút nghiêm trọng. Tại Hội nghị CG cuối 2008, Nhật Bản đã công bố dừng các dự án ODA dành cho Việt Nam trong nửa năm tài khóa sau đó. Sự cố này đã gây ảnh hưởng nặng nề tới nhiều dự án thực hiện bằng nguồn vốn ODA tại Việt Nam.

Nay với nghi án hối lộ quan chức ngành đường sắt, nếu những tiết lộ của báo chí Nhật Bản là đúng, niềm tin của các nhà tài trợ cho Việt Nam chắc chắn lại thêm một lần sứt mẻ. Thậm chí, người thiếu lạc quan còn cho rằng, kịch bản dừng cấp ODA từ Nhật có thể sẽ lặp lại. Nhưng cũng có ý kiến kỳ vọng rằng, với động thái tích cực và quyết liệt của cơ quan chức năng Việt Nam để làm rõ nghi án hối lộ lần này, các nhà tài trợ sẽ an tâm hơn về quyết tâm chống tham nhũng trong quản lý, sử dụng vốn ODA ở Việt Nam.

Tuy nhiên, dù theo kịch bản nào, với thực tế cứ vài năm lại xảy ra một đại án ODA liên quan đến tham nhũng, hối lộ, có thể thấy rằng tình trạng này đã trở thành một căn bệnh “kinh niên”. Bởi vậy, không chỉ sớm làm rõ và xử lý nghiêm những kẻ có hành vi tiêu cực trong nghi án hối lộ quan chức đường sắt, việc tìm ra những “kẽ hở” trong quản lý, sử dụng vốn ODA và có cách bịt các “kẽ hở” đó mới là giải pháp gốc để khôi phục lòng tin.

Theo nhận định của một số chuyên gia, việc quản lý và sử dụng vốn ODA hiện bộc lộ nhiều vấn đề như hệ thống khung pháp lý giữa Việt Nam và các nước tài trợ vẫn chưa “hài hòa”. Bên cạnh việc chưa có nhiều kinh nghiệm từ thể chế chính sách đến cán bộ điều hành, ở Việt Nam ODA vẫn còn là chuyện của “cấp trên” - một lãnh địa khép kín.

Thậm chí, một số địa phương và bộ, ngành hiểu ODA là “chùm khế ngọt” và giống như nhiều quốc gia trên thế giới, chúng ta vẫn bị khống chế theo những điều kiện có lợi cho nước tài trợ ODA. Khung pháp lý về ODA đã được điều chỉnh từ Nghị định 131 năm 2006 bằng Nghị định 38 ban hành năm 2013 nhưng các văn bản hướng dẫn vẫn chưa đồng bộ kịp thời, đặc biệt là quy định về trách nhiệm chủ đầu tư và trách nhiệm vai trò kiểm soát giám sát của cấp chủ quản.

Về tính công khai minh bạch, dự án ODA chỉ được nhắc trong phần lập kế hoạch, còn phần thực hiện thì thiếu phản biện và giám sát xã hội. Đây là những khiếm khuyết về thể chế cần sớm được khắc phục trong thời gian tới. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị Chính phủ nên thành lập một tổ chức chuyên trách theo dõi về nợ công và quản lý ODA.

Một số dự án ODA quy mô lớn, tính chất công nghệ phức tạp hay quá mới, chúng ta nên thuê tư vấn nước ngoài quản lý dự án (không phải là tư vấn nước tài trợ ODA). Với các dự án hạ tầng được tài trợ bằng nguồn vốn ODA, không nên tiếp tục chuyện “vừa thiết kế vừa thi công” để tránh tình trạng đội giá không cách gì kiểm soát trong bối cảnh trình độ và phẩm chất của đội ngũ cán bộ kỹ thuật Việt Nam còn hạn chế như hiện nay.

Các tin khác