Xin đừng lấy mất niềm tin giáo dục

(ĐTTCO)-Trong nhiều thập kỷ qua, giáo dục Việt Nam trải qua nhiều bước thăng trầm của đổi mới. Nhìn trên bình diện tổng thể, giáo dục đã đóng góp không nhỏ vào việc cung cấp cho đất nước đội ngũ nhân lực góp phần vào tăng trưởng kinh tế mạnh hơn một thập kỷ qua. 
Xin đừng lấy mất niềm tin giáo dục
Rất nhiều công trình đô thị, giao thông, hạ tầng cơ sở do chính đội ngũ nhân lực này đảm trách. Những thành tích giáo dục như xóa mù chữ, phổ cập giáo dục và tăng quy mô giáo dục phổ thông, giáo dục đại học với chất lượng giáo dục phổ thông được thế giới đánh giá tích cực… 

Nhưng bên cạnh những thành tựu giáo dục do toàn xã hội chung sức đóng góp, còn không ít những vụ việc để lại sự không hài lòng và khoảng trống của niềm tin với giáo dục nước nhà.
Hàng năm, lượng học sinh du học nước ngoài tiếp tục gia tăng, số cử nhân thất nghiệp vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm, bạo lực học đường vẫn tiếp diễn. Những kỳ thi chuyển cấp cực kỳ căng thẳng gây bức xúc hàng vạn gia đình ở những đô thị lớn mà minh chứng rõ nhất là kỳ tuyển sinh vào lớp 10 như “sàn chứng khoán” vừa qua ở Hà Nội.
Đặc biệt, vụ việc nghiêm trọng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT ở Hà Giang và có thể ở một vài địa phương khác nữa, đã tác động tiêu cực đến niềm tin của người dân vào sự công bằng, minh bạch, tin cậy của việc tổ chức thi cử ở Việt Nam.
Điều đau lòng hơn nữa, trong 114 em được sửa nâng điểm ở Hà Giang, khá nhiều em là con em của cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của địa phương. Nếu vụ gian lận này không được phanh phui, biết đâu số con em quan chức này, vô tình hay hữu ý, lấy đi cơ hội học hành của những em khác.

Xã hội đòi hỏi sự công bằng mà người dân được hưởng, nhưng đã bị từ chối bởi một và có thể một nhóm cán bộ đồng lõa làm sai lệch kết quả thi vừa qua. Đã có lúc, người dân tin tưởng mạnh vào một Chính phủ kiến tạo thống nhất từ trung ương đến địa phương, tin tưởng vào ngành giáo dục mà Bộ trưởng là người đứng đầu với những cam kết mạnh mẽ trước xã hội.
Tuy nhiên, ai cũng biết đổi mới giáo dục là công việc rất khó khăn đòi hỏi các cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp phải vào cuộc. Chỉ ngành giáo dục thì sẽ chẳng bao giờ làm nổi. Đổi mới mà thiếu sự đồng tâm nhất trí, huy động được sức mạnh hệ thống thì cũng chỉ mang tính chắp vá, khó đảm bảo được thay đổi căn bản, toàn diện. 

Một quy trình dù thiết kế chặt chẽ đến đâu cũng chỉ có thể ngăn chặn được những người lương thiện, trung thực. Một khi đã có con người tham gia vào quy trình ấy thì rất khó có thể đảm bảo quy trình không có kẽ hở để kẻ xấu lợi dụng. Nhất là ở một kỳ thi ghép hai mục tiêu vào một kỳ thi thì sức ép và sự thôi thúc gian lận là không hề nhỏ.
Trong điều kiện phân cấp mạnh cho địa phương, sự gian lận thi cử rất khó tránh khỏi do nhận thức pháp luật của cán bộ lãnh đạo địa phương, những nhân viên thực thi công vụ, do tư tưởng cục bộ địa phương, do sự chi phối của nhiều thứ sức mạnh ngầm khác…
Nhớ lại cách đây hơn 10 năm, cả nước rầm rộ với phong trào “2 không” đã thu được kết quả bước đầu đáng khích lệ. Nhưng rất tiếc, phong trào lại không được duy trì và không được sự ủng hộ nhiệt thành của các địa phương do bệnh thành tích giáo dục còn quá nặng nề gắn với vị thế chính trị của cán bộ lãnh đạo ngành, địa phương. 

Có thể nói, hơn 1 tuần qua là một tuần “nóng” của toàn xã hội đối với ngành giáo dục. Cứ mỗi lần có thêm thông tin nghi vấn về kết quả thi, lại thêm một lần xã hội thấy buồn, thấy niềm tin của mình bị giảm sút. Hơn bất cứ lĩnh vực nào, giáo dục là lĩnh vực về con người, vì thế bất cứ một biểu hiện nào tiêu cực của ngành giáo dục, nhất là gian lận, dối trá đều khiến xã hội bị tổn thương. Xưa nay giáo dục chưa bao giờ dạy cho con người ta lươn lẹo gian dối. Giáo dục luôn dạy con người sự trung thực, công bằng, bình đẳng, bác ái, sáng tạo, trở thành người có ích phụng sự cho đất nước, mang lại hạnh phúc cho bản thân và cho người khác.
Những giá trị ấy của giáo dục đã bị bỏ qua trong một môi trường xã hội vẫn còn những bất công, tham nhũng, một bộ phận cán bộ đảng viên suy đồi, mang nặng chủ nghĩa cá nhân. Trong môi trường đó, giáo dục luôn chịu những tác động xấu và vụ việc nâng điểm thi ở Hà Giang chỉ là một điển hình.

Dư luận lại đang đặt câu hỏi lớn với ngành giáo dục liệu câu chuyện tiêu cực chỉ có ở Hà Giang hay vài địa phương? Ai dám khẳng định là hoàn toàn không có tiêu cực trong các địa phương còn lại với quy trình tổ chức giám sát và chấm bài như 3 năm qua.
Và liệu năm 2018 có phải là “Đồi Ngô” lần cuối hay không? Vấn đề đang nằm ở chỗ, Bộ GD-ĐT ứng xử như thế nào với kết quả thi trắc nghiệm năm 2017, 2018 và những chính sách thi cử sắp tới có gì thay đổi để hạn chế thấp nhất tiêu cực có thể xảy ra. Đã có quá nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết của các chuyên gia, đã có Nghị quyết 29-NQ/TƯ, vấn đề là chúng ta có lắng nghe, tiếp thu và quán triệt ở các cấp, các ngành như thế nào và có cần tham mưu với Đảng và Nhà nước để điều chỉnh chính sách hay không? 

Đơn cử, việc công khai phổ điểm thi các môn của địa phương và tiến hành phân tích thống kê sẽ giúp cho các nhà làm chính sách nhìn thấy con đường đi rõ hơn, sớm biết được những khuyết tật của hệ thống để khắc phục. Làm được việc này cũng chính là trách nhiệm giải trình của ngành giáo dục trước những bức xúc xã hội và trước những đồng tiền ngân sách bị tiêu đi...
Và điều quan trọng hơn, để các bộ, ngành và chính quyền địa phương thấu hiểu, cùng chung tay với ngành đổi mới mạnh mẽ, hiệu quả để bù lại khoảng trống niềm tin đối với giáo dục.

Các tin khác