Xem lại chủ trương "trải chiếu hoa"

Có ý kiến cho rằng, chiến lược thu hút FDI không phải nhắm đến số lượng dự án hay tổng vốn cam kết để rồi ưu đãi dễ dãi, mà quan trọng là công ăn việc làm theo hướng nâng cao trình độ, công nghệ tiến tiến rồi tiến dần lên phân công sản xuất toàn cầu của nước sở tại. Từ đó nước nhận đầu tư không phải quá lo sự phụ thuộc bất kỳ nền kinh tế nào, mà là cơ sở để tạo ra sự thịnh vượng cho người dân và đất nước.

Việc Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa (Hà Tĩnh) xin thành lập một đặc khu kinh tế để được hưởng thêm ưu đãi (ĐTTC số ra ngày 17-7-2014 đã có bài phân tích chủ đề này) đã bị Chính phủ bác bỏ, cho thấy đây là điều sáng suốt vì ưu đãi không thể dễ dãi, bởi công ty này hiện đã được hưởng ưu đãi ở mức cao nhất. Thực ra trước đó, Tổ chức phát triển công nghiệp của Liên hiệp quốc (UNIDO) đã khuyến cáo các chính sách ưu đãi để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam đã tạo ra sự biến dạng hệ thống thuế và gây tốn kém cho ngân sách.

Có ý kiến cho rằng, chiến lược thu hút FDI không phải nhắm đến số lượng dự án hay tổng vốn cam kết để rồi ưu đãi dễ dãi, mà quan trọng là công ăn việc làm theo hướng nâng cao trình độ, công nghệ tiến tiến rồi tiến dần lên phân công sản xuất toàn cầu của nước sở tại. Từ đó nước nhận đầu tư không phải quá lo sự phụ thuộc bất kỳ nền kinh tế nào, mà là cơ sở để tạo ra sự thịnh vượng cho người dân và đất nước.

Cũng có ý kiến cho rằng một đất nước đang trên đường công nghiệp hóa hiện đại hóa, nếu không ưu đãi mạnh tay cho doanh nghiệp FDI họ sẽ bỏ đi. Hay nói theo một nghĩa khác là ưu đãi vượt khung để thu hút nhà đầu tư nhằm quảng bá hình ảnh đất nước.

Tại nước ta, nếu như thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp năm 1997 là 32% thì năm 2003 xuống 28%, năm 2009 là 25%, từ đầu năm 2014 chỉ còn 22% và dự kiến từ đầu năm 2016 chỉ còn 20%. Như vậy là chúng ta đã quá ưu đãi. Trong khi đó các doanh nghiệp FDI còn được hưởng thêm ưu đãi khác của chính quyền địa phương nơi họ đầu tư, như hỗ trợ giải phóng mặt bằng, đào tạo lao động…

Thậm chí trong báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2013 kết luận: “Nhiều doanh nghiệp tư nhân trong nước tin chắc rằng có một bộ phận quan chức tỉnh ưu tiên đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài hơn là phát triển doanh nghiệp dân doanh trong nước tại tỉnh”.

Còn trong một báo cáo do UNICO phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố gần đây: “Khảo sát 1.426 doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực sản xuất thì có đến 97% doanh nghiệp ỡ Vĩnh Phúc, 79% ở doanh nghiệp Hà Nội, 72% doanh nghiệp ở Đồng Nai và 65% doanh nghiệp ở Bắc Ninh trả lời rằng họ có nhận được ưu đãi tài chính từ chính quyền địa phương. Trong khi đó hiện nay chỉ có khoảng 5-6% doanh nghiệp FDI mang công nghệ tiên tiến vào Việt Nam. Và đặc biệt là doanh nghiệp FDI sử dụng quá nhiều lao động chủ yếu trong các lĩnh vực sản xuất trả lương thấp và lao động kỹ năng thấp”. Có lẽ vì vậy UNICO khuyến cáo chính sách ưu đãi FDI của Việt Nam đã tạo ra sự biến dạng hệ thống thuế.

Thật ra ưu đãi không chỉ “trải chiếu hoa” mời gọi đầu tư, mà phải có tầm nhìn và thẩm định từng dự án đầu tư. Thí dụ Samsung hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam với tổng vốn đầu tư 5,7 tỷ USD tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và gần đây là khu công nghệ cao TPHCM. Nhưng để thuyết phục được họ đầu tư vào Việt Nam không dễ dàng. Ngay chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phải nhiều lần chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành để giải quyết từng khúc mắc của họ.

Thành quả là chỉ trong năm 2013, nhà máy của Samsung ở Bắc Ninh đã đạt giá trị xuất khẩu gần 24 tỷ USD, bằng 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Samsung cũng đã cam kết đưa Việt Nam trở thành cơ sở sản xuất hàng đầu thế giới của hãng. Chính vì vậy Chính phủ đã chấp thuận cho Samsung Display đầu tư sản xuất màn hình điện thoại di động tại Bắc Ninh và được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 10% trong thời hạn 30 năm kể từ ngày có doanh thu từ hoạt động được hưởng ưu đãi thuế; miễn giảm 4 năm và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo nếu dự án đáp ứng các tiêu chí công nghệ cao theo đúng cam kết đầu tư ban đầu.

Đến nay doanh nghiệp FDI có vai trò rất lớn đối với nền kinh tế nước ta, hiện đóng góp gần 20% GDP, khoảng 40% sản lượng công nghiệp, 56% kim ngạch xuất khẩu (không kể dầu thô) và tạo ra việc làm cho hàng triệu lao động; những năm gần đây doanh nghiệp FDI đã trở thành lực lượng thúc đẩy xuất khẩu và phát triển của nhiều ngành công nghiệp.

Do vậy, đã đến lúc phải nhìn nhận ưu đãi hiện nay không còn là chuyện miễn giảm thuế, miễn giảm tiền thuê đất, hỗ trợ giải phóng mặt bằng… cho nhà đầu tư nước ngoài thực hiện dự án. Vấn đề cần quan tâm cho FDI và cả nhà đầu tư trong nước là tinh giản các thủ tục hành chính quá nhiêu khê, giảm thiểu các chi phí không tên, tạo chính sách thông thoáng hơn để triệt tiêu nhũng nhiễu, tham nhũng, lợi ích cục bộ.

Thay vì tăng ưu đãi đầu tư chúng ta nên chú trọng cải thiện kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có quy chuẩn để các địa phương không còn cạnh tranh thu hút đầu tư bằng mọi giá, ưu đãi tràn lan làm biến dạng chính sách.

Các tin khác