Xây dựng lễ hội văn minh

(ĐTTCO)  -Từ hôm nay, cả nước bước vào mùa lễ hội 2017 với bao trăn trở: Năm nay, liệu có tiếp tục hay không hiện tượng cướp lộc, cướp phết, đánh nhau giành lễ, nhếch nhác, xô bồ, chen lấn xô đẩy, rải tiền thật… hay những “tục lệ” chém lợn, đâm trâu mà người dân lên án nhiều năm qua?

(ĐTTCO)  -Từ hôm nay, cả nước bước vào mùa lễ hội 2017 với bao trăn trở: Năm nay, liệu có tiếp tục hay không hiện tượng cướp lộc, cướp phết, đánh nhau giành lễ, nhếch nhác, xô bồ, chen lấn xô đẩy, rải tiền thật… hay những “tục lệ” chém lợn, đâm trâu mà người dân lên án nhiều năm qua?

 

Cần khẳng định, đi lễ hội vào những ngày đầu năm mới là một nét đẹp trong đời sống tâm linh của người dân Việt Nam. Người ta đến chùa, đền, đến dự lễ hội để hướng về những điều thiêng liêng, tốt đẹp, cầu một năm mới bình an, như ý.

Nhiều người còn xem đó là một đức tin giúp họ vượt qua những chông gai, trắc trở trong cuộc sống. Và hơn tất cả, đến với các lễ hội tâm linh là để thanh tịnh tâm hồn sau một năm bộn bề lo toan. Khi đi lễ hội trở thành một nét đẹp, mang lại giá trị văn hóa đậm chất Việt Nam thì những hình ảnh không hay đã xóa nhòa bản chất văn hóa tâm linh, làm giảm giá trị văn hóa đích thực của người Việt. 

Và có ở lễ hội, mới thấy hết nét “văn hóa lễ hội” có một không hai của người Việt. Mỗi nơi mỗi khác, mỗi người mỗi kiểu, nhưng những hình ảnh mà chúng ta thấy nhiều năm qua trên các phương tiện truyền thông đại chúng lại dường như chung một kịch bản.

Đó là sự bát nháo, xô bồ, chợ búa của một bộ phận người đi lễ hội; sự dễ dãi, buông lỏng trong khâu tổ chức, quản lý sự vụ tại chốn tâm linh khiến văn hóa lễ hội mất đi hình ảnh cao đẹp vốn có. Người người chen lấn, xô đẩy cùng mâm lễ trên tay, ai cũng muốn được “người trên” biết mặt, biết tên nên cứ thế chen lấn đội lễ lên trước. Rồi xích mích nhỏ dẫn đến gây gổ lớn, thậm chí đến cả lật đổ mâm lễ, hành hung bát nháo. Hòa vào dòng người hành lễ, người ta thi nhau khấn vái, dâng tấu sớ, cố gắng tiếng khấn vái của mình phải to hơn tiếng người bên cạnh để được chứng giám! Tiền thật, vàng mã quăng bừa bãi ở các gốc cây, giắt lên tay Phật, đeo vào cương ngựa gỗ…

Nhang đèn không rõ nguồn gốc đốt càng nhiều càng tốt, dù có khói mù mịt, độc hại đến đâu cũng mặc. Khách đi lễ hội, người buôn bán ở đây mặc sức chèo kéo nhộn nhạo. Rồi hàng loạt các dịch vụ ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu khách như giữ xe, viết sớ tấu, xóc quẻ, bán mâm lễ, khấn hộ… Dịch vụ nào cũng tha hồ “chặt chém” khách đi lễ.

Rõ ràng, đến với lễ hội là phải tâm lành, ý thiện. Không phải cứ chen lấn, xô đẩy, dâng cúng hoành tráng để “vua biết mặt, chúa biết tên” là thực hiện được ước nguyện. Và không thể xin được sự bình an, hạnh phúc nếu chúng ta không biết rõ giá trị cuộc sống, hay hành xử không theo hiến pháp, pháp luật, đúng đạo lý làm người. 

Trước mùa lễ hội năm nay, nhiều nhà quản lý - nghiên cứu văn hóa đã đưa ra các phương án để điều chỉnh những biến tướng trong lễ hội. Đó là biện pháp lâu dài như giảm tổ chức lễ hội không phải truyền thống, xây dựng văn hóa ứng xử trong lễ hội, đối thoại với cộng đồng để giảm hủ tục… Đó còn là những biện pháp tức thời như quy định rõ việc dâng mâm cúng, dâng nhang; điều chỉnh giờ mở cửa, giờ phát ấn, phát lộc; bố trí người phù hợp ở điểm nóng để giải quyết sự cố. Và quan trọng nhất vẫn là xây dựng một lễ hội văn minh, hay “văn minh lễ hội” như có người từng đề cập.

Để lễ hội thực sự văn minh, ngoài trách nhiệm quản lý, tuyên truyền của cơ quan chức năng, chính quyền và ban tổ chức lễ hội địa phương, điều quan trọng là phải nâng cao được nhận thức của những người dự lễ hội. Đơn giản như bỏ rác đúng chỗ, tuân thủ quy định trong việc dâng đồ lễ, khấn vái; tuyệt đối không đốt vàng mã, thậm chí hạn chế tối đa nhang đèn tại các lễ hội, vừa giảm lãng phí tiền của, giảm gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng sức khỏe người dự lễ.

Cần giảm bớt phần lễ trong khâu tổ chức mà tập trung vào phần hội với các không gian văn hóa bổ ích, lành mạnh, phù hợp quy mô, tính chất lễ hội. Thay vì cứ xì xụp khấn vái với đủ loại dịch vụ chặt chém đi kèm, người dự lễ có thể tham gia trực tiếp các “hội” mang tính chất địa phương để hiểu hơn về lễ hội mà mình đang tham dự.

Đặc biệt, phải tuyệt đối nói không với những địa phương tự nâng cấp lễ hội để chạy đua “bằng chị, bằng em” với địa phương khác. Lễ hội không phải là hội làng để làm đẹp địa phương tổ chức, mà có giá trị văn hóa riêng, chứa đựng trong đó tinh thần nhân văn, uống nước nhớ nguồn, hướng tới khát vọng tốt đẹp, quốc thái dân an, cầu mong những điều tốt lành để mỗi người trong cộng đồng có cuộc sống bình an, hạnh phúc.

Trong giai đoạn hiện nay, khi chúng ta bội thực với đủ các lễ hội, với những điều phản cảm, bát nháo đi kèm đã gây ấn tượng xấu trong xã hội suốt một thời gian dài, thì việc xây dựng những lễ hội văn minh trong đời sống cộng đồng bằng những hành động thiết thực và ngay tức thì, là những việc cần làm ngay.

Các tin khác