Xác định rõ mục tiêu 2014

Đáng lo ngại hơn, một số điểm nghẽn của nền kinh tế vẫn còn: kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc, tổng cầu chưa cải thiện, hàng tồn kho giảm chủ yếu do doanh nghiệp cắt giảm công suất, hoạt động cầm chừng. Nợ xấu - cục máu đông của nền kinh tế - mới bắt đầu được khởi động xử lý vào cuối năm 2013.

Với nhiều khó khăn thách thức, nhiều khả năng tăng trưởng GDP nước ta năm 2014 chỉ đạt 5,4%, thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội giao.

Đáng lo ngại hơn, một số điểm nghẽn của nền kinh tế vẫn còn: kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc, tổng cầu chưa cải thiện, hàng tồn kho giảm chủ yếu do doanh nghiệp cắt giảm công suất, hoạt động cầm chừng. Nợ xấu - cục máu đông của nền kinh tế - mới bắt đầu được khởi động xử lý vào cuối năm 2013.

Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội cuối tuần trước, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu lưu ý kinh tế nước ta vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, tiếp tục đối diện áp lực lớn trong ngắn hạn, chưa thể trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh trong 1-2 năm tới. Lạm phát và nhập khẩu giảm, nhập siêu không đáng kể nhưng không phải là tín hiệu phục hồi vững chắc.

Theo tính toán, tốc độ tăng trưởng bình quân 3 năm 2011-2013 dự kiến chỉ đạt 5,6%/năm, thấp nhất trong 13 năm trở lại đây, thấp xa so với chỉ tiêu theo kế hoạch (6,5-7%).

Những gì đã diễn ra với nền kinh tế Việt Nam trong 3 năm qua và dự báo tình hình sắp tới, chọn mục tiêu nào cho năm 2014 đang là vấn đề đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách?

Với những hạn chế, khó khăn của 3 năm 2011-2013 như đã nêu ở trên, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2014 sẽ không cao hơn nhiều; trong các động lực tạo ra tăng trưởng là các khu vực kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân, nông nghiệp và FDI, chỉ khu vực FDI có khả năng tăng trưởng cao.

Việc huy động và hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho phát triển còn hạn chế do cân đối ngân sách nhà nước sẽ khó khăn hơn, trong khi đầu tư từ các nguồn vốn khác dự báo không tăng nhiều. Lạm phát năm 2014 cũng sẽ đối mặt với nhiều áp lực hơn nếu có biến động mạnh trong điều hành chính sách vĩ mô, nhất là khi điều chỉnh tăng đầu tư công, tăng dư nợ tín dụng, tiền lương, giá điện, than và dịch vụ công.

Tạo việc làm mới, bảo đảm không tăng thất nghiệp cũng là vấn đề nổi lên, liên quan chặt chẽ tới bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội và an ninh, an toàn xã hội.

Báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ dự kiến đặt một số chỉ tiêu cho năm 2014 như sau: tăng trưởng 5,8%, lạm phát khoảng 7%, bội chi 5,3% GDP, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm 30% GDP... Mục tiêu tổng quát cho năm tới vẫn là tiếp tục củng cố, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phục hồi nhịp độ tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế. Nhiều ý kiến cho rằng định hướng chính sách tiếp tục ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát là đúng đắn, các chỉ tiêu Chính phủ đề ra là phù hợp, nhưng việc tăng trưởng chậm lại, doanh nghiệp khó khăn như vừa qua là “cái giá phải trả” trong ngắn hạn để có một nền tảng vĩ mô ổn định, làm tiền đề cho tăng trưởng bền vững trong trung và dài hạn.

Ổn định vĩ mô phải kiên trì, nhất quán và phục hồi tăng trưởng, không thể vội vã, nếu không sẽ đánh mất toàn bộ thành quả đạt được trong 3 năm qua.

Thời gian gần đây cũng có một số ý kiến nhận định nguyên nhân tình trạng trì trệ của nền kinh tế do quá thiên về ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát trong 3 năm qua và thắt chặt quá mức các nguồn lực cho tăng trưởng. Tăng trưởng chậm lại, doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, thu ngân sách khó khăn là kết quả tất yếu, vì tổng cầu bị thu hẹp một cách đột ngột và cơ học.

Tình trạng này nếu tiếp tục duy trì sẽ dẫn đến bất ổn vĩ mô trong trung hạn. Vì vậy, cần có sự thay đổi định hướng chính sách. Thí dụ, khi đầu tư tư nhân sụt giảm mạnh phải tăng tỷ trọng đầu tư từ nguồn vốn nhà nước sớm phục hồi tổng cầu bằng việc gia tăng đầu tư để nền kinh tế tăng trưởng cao trở lại, khi đầu tư tư nhân phục hồi sẽ giảm đầu tư công. Trong mục tiêu tổng quát năm 2014 cần nhấn mạnh định hướng phục hồi nhịp độ tăng trưởng kinh tế.

Các luồng ý kiến trên đều có những cơ sở và lý lẽ của riêng mình. Để lựa chọn được hướng đi chính sách phù hợp cho năm 2014, chắc chắn cần sự thảo luận kỹ càng hơn. Và điều quan trọng là khi đã tìm được tiếng nói chung, cần phải có sự đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện.

Những năm gần đây, định hướng “kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô” thường xuyên được nhắc tới, nhưng kết quả trên thực tế vẫn không như mong muốn.

Và phải thẳng thắn nhìn nhận rằng vẫn còn không ít chính sách được điều hành “lạc nhịp” với chủ trương chung. Đó là bài học cần được xem xét khi xác định mục tiêu chính sách cho năm 2014.

Các tin khác