Trị tận gốc bệnh phóng tay, hoành tráng

Trăn trở của người đứng đầu ngành kế hoạch đầu tư đã cho thấy rõ những điểm yếu trong cách lập kế hoạch đầu tư phát triển thời gian qua và khẳng định phải thay đổi phương thức đầu tư công theo tầm nhìn trung hạn. Không phải ngẫu nhiên tái cơ cấu đầu tư công được chọn là 1 trong 3 trụ cột của tái cơ cấu kinh tế.
 

Tại Hội nghị hướng dẫn lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 tổ chức đầu tuần này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) Bùi Quang Vinh cho biết ông cảm thấy choáng váng khi tiếp cận kế hoạch sơ bộ của các bộ, ngành, địa phương trình lên Chính phủ. Theo Bộ trưởng Vinh, có bộ trình kế hoạch gấp 20-30 lần khả năng cân đối cho bộ đó; các địa phương cũng gấp ít nhất 10 lần.

Trăn trở của người đứng đầu ngành kế hoạch đầu tư đã cho thấy rõ những điểm yếu trong cách lập kế hoạch đầu tư phát triển thời gian qua và khẳng định phải thay đổi phương thức đầu tư công theo tầm nhìn trung hạn. Không phải ngẫu nhiên tái cơ cấu đầu tư công được chọn là 1 trong 3 trụ cột của tái cơ cấu kinh tế.

Từ nhiều năm nay, việc chấp hành không nghiêm các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn kế hoạch ở một số bộ, ngành, địa phương đã dẫn đến phải thường xuyên bổ sung, sửa đổi phương án phân bổ vốn, ảnh hưởng đến tiến độ giao kế hoạch đầu tư phát triển. Nhà nước đang phải chạy theo thực tiễn, bởi hầu như tất cả dự án đều chậm tiến độ, phải điều chỉnh làm tăng quy mô vốn đầu tư lớn hơn nhiều so với kế hoạch dự kiến.

Do thiếu khuôn khổ thể chế, chế tài đủ mạnh để kiểm tra, giám sát, xử lý các vấn đề phát sinh trong đầu tư công, đồng thời phải thường xuyên giải quyết những “co giãn thất thường”, nên phát sinh những hậu quả không nhỏ. Tính phong trào, chạy đua đầu tư tiếp tục diễn ra ở khắp mọi nơi (bến cảng, sân bay…) tạo ra áp lực vốn rất lớn. Những bất cập kéo dài lâu nay như tình trạng dàn trải, chậm tiến độ, nợ đọng xây dựng cơ bản… không được xử lý triệt để, nay lại biến thể tinh vi hơn.

Xét ở góc độ riêng của từng địa phương, bộ, ngành, việc lập kế hoạch với vốn đầu tư lớn xuất phát từ nhu cầu phát triển. Nhưng trong bối cảnh nguồn lực chung còn yếu, nếu cứ làm theo cách cũ sẽ không biết đến bao giờ khắc phục được những căn bệnh cố hữu của đầu tư công. Bởi vậy, các bộ, ngành và địa phương cần thay đổi tư duy và cách làm, không thể tiếp tục theo cách cũ.

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, sắp tới Thủ tướng sẽ ra văn bản về thứ tự ưu tiên bố trí vốn để đối ứng cho các dự án công - tư (PPP), ưu tiên thứ 2 là vốn đối ứng cho dự án ODA. Từ năm 2016, các bộ, ngành địa phương muốn thực hiện các dự án ODA phải làm kế hoạch trước, nêu rõ hiện nay đang có bao nhiêu dự án triển khai, tổng giá trị vốn, trong đó bao nhiêu là vốn nước ngoài, bao nhiêu vốn đối ứng, khả năng cân đối ra sao… mới được duyệt.

Đi cùng tầm nhìn trung hạn, việc Quốc hội thông qua Luật Đầu tư công (có hiệu lực từ 1-1-2015) là nhằm loại bỏ tình trạng dựa dẫm vào vốn ngân sách và thay đổi quan điểm trong huy động vốn đầu tư. Tuy nhiên, điều này là một bước chuyển đổi rất khó và cần quyết tâm rất lớn. Việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 phải được thực hiện theo các căn cứ và nguyên tắc nhằm thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công và thu hút các nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác trong và ngoài nước, cũng như của từng ngành, lĩnh vực, địa phương.

Cụ thể, theo Bộ KH-ĐT, trong tổng số vốn kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020, đối với từng nguồn vốn, các bộ, ngành, địa phương chỉ phân bổ 85% tổng số vốn, còn lại 15% để dự phòng xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn trong từng năm cụ thể.

Để thực hiện được những quy định mới, vấn đề quan trọng là chế tài phải nghiêm và đòi hỏi trách nhiệm rất lớn của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trước yêu cầu phát triển của đất nước. Theo lãnh đạo Bộ KH-ĐT, để có vốn cho giai đoạn 2016-2020, có thể Chính phủ sẽ phải tính đến phương án xem xét lại Luật Nợ công. Luật quy định trần nợ công của Việt Nam không quá 65% GDP, nhưng theo tính toán của Bộ Tài chính đến năm 2015 nợ công đã chiếm 64% GDP, đến 2016 sẽ đạt ngưỡng trần 64,9% GDP.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cảnh báo lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương có thể bị khởi tố nếu duyệt chi ứng vốn ngân sách tràn lan cũng như giấu giếm nợ. Thông điệp này đã khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong quá trình tái cơ cấu đầu tư công nhằm mang lại sự phát triển bền vững cho đất nước.

Các tin khác