Trái đắng đầu tư “xứ người”

(ĐTTCO) - Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp (DN) và cổ phần hóa DN nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011-2016, được trình bày tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 14, cùng với việc đầu tư dàn trải dẫn đến thua lỗ hơn 1,6 triệu tỷ đồng, nhiều người đã không khỏi bị bất ngờ về việc đầu tư ra nước ngoài của các DNNN hơn 7 tỷ USD nhưng toàn thua lỗ. 

Trái đắng đầu tư “xứ người”
Theo báo cáo, tính đến 31-12-2016 đã có 18 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước có dự án đầu tư ra nước ngoài, thực hiện đầu tư 110 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 12,6 tỷ USD và đã chuyển vốn trên 7 tỷ USD, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực viễn thông, thăm dò và khai thác dầu khí, trồng cây cao su, khai thác khoáng sản…
Kết quả: 25,5% dự án báo lỗ, 29% dự án lỗ lũy kế. Lợi nhuận được chia cho bên Việt Nam năm 2016 là 145 triệu USD, tương đương trung bình 2% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện. Đã vậy, trái đắng này còn thể hiện ở nhiều dự án đang tiềm ẩn rủi ro về pháp lý tại nước sở tại (như bị rút ngắn thời gian triển khai dự án, tranh chấp đất đai) và rủi ro thị trường (như giá đầu ra giảm mạnh) ảnh hưởng lớn đến hiệu quả dự án.
Có dự án bị ngừng cấp bảo lãnh chính phủ dẫn tới việc phải dừng dự án, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả dự án. Kết quả giám sát cũng cho thấy một số dự án đầu tư ra nước ngoài không hiệu quả, trong khi năng lực quản lý và khả năng tài chính còn hạn chế, thiếu kiểm soát chặt chẽ, làm phân tán nguồn lực, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn của DN.
Mục đích đầu tư là lợi nhuận. Nhưng với 25,5% số dự án 100% vốn nhà nước đầu tư ra nước ngoài báo lỗ; 29% số dự án lỗ lũy kế; 46,4% số dự án không có báo cáo về doanh thu, lợi nhuận..., rõ ràng chúng ta đang phải trả một cái giá quá đắt với việc “đem chuông đi đánh xứ người”. Thực tế, đầu tư ra nước ngoài của DN Việt đã có lịch sử 30 năm khi hoạt động đầu tư đầu tiên diễn ra năm 1989, với dự án hơn nửa triệu USD vốn đăng ký vào Nhật Bản. Nhưng không lẽ 30 năm sau vẫn chưa đủ để lỗ vẫn hoàn lỗ?
Chúng ta đang thiếu từng đồng vốn, đang trải thảm đón từng đồng USD đầu tư với những ưu đãi có niên độ 5-10 năm. Chính vì thế, hàng tỷ USD đầu tư ra nước ngoài thua lỗ, mất vốn rất cần được nhìn nhận, xem xét thận trọng. Thận trọng không phải ở việc không đầu tư ra nước ngoài, mà thận trọng ở cách quản lý dòng vốn, tính đếm hiệu quả và thực hiện cơ chế trách nhiệm. Bởi lẽ, 7 tỷ USD, tức bằng 2 năm nông dân cả nước còng lưng xuất khẩu rau quả.
Xin được nêu vài con số: Tập đoàn Dầu khí có tổng số vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài 6,67 tỷ USD, đứng số 1 về giá trị đầu tư và cũng chiếm luôn vị trí quán quân thua lỗ với số lỗ lũy kế 3,74 tỷ USD. Tập đoàn TKV với 111 tỷ đồng đầu tư vào Stung Treng ở Campuchia - nguy cơ mất toàn bộ vốn; 184 tỷ đồng thăm dò mỏ bauxite ở Campuchia; 77,6 tỷ đồng khi hợp tác vào Công ty Southern Mining Co.Ltd, cũng gần như mất toàn bộ vốn. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam chỉ một mỏ muối kali 500 triệu USD, sau khi khởi công năm 2015 đã dừng và hiện ở trong danh sách những đại dự án ngàn tỷ đồng thua lỗ kéo dài. Một cái giá quá đắt! 
Trong khi đó, Bộ Tài chính vừa thừa lệnh Thủ tướng Chính phủ ký tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường, trong đó có đề xuất tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Số thu từ dòng thuế này sẽ trên 55.000 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 14.368 tỷ đồng/năm. Ngoài xăng dầu, một số mặt hàng khác như than đá, dung dịch HCFC, túi nilon, cũng được Bộ Tài chính đề xuất tăng thêm từ 1.000 đồng đến 10.000 đồng tùy loại. Tổng số thu Bộ Tài chính ước tính sau khi tăng thuế đối với mặt hàng này sẽ vào khoảng 2.385 tỷ đồng/năm, tăng 795 tỷ đồng/năm.
Gần đây nhất, Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng Luật Thuế tài sản. Theo đó, Bộ này dự kiến đánh thuế đối với nhà, đất ở, tàu bay, du thuyền, ô tô có giá trị 1,5 tỷ đồng trở lên. Với thuế nhà ở, Bộ Tài chính đề nghị đánh thuế 0,4% với nhà có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên. Cùng với việc đánh thuế nhà, dự thảo Luật Thuế tài sản đề xuất tiếp tục đánh thuế tài sản với đất ở, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp... với mức cao hơn 2-10 lần so với hiện hành.
Nghịch lý ở chỗ các loại thuế trên còn lâu mới mang về cho ngân sách nhà nước tiền triệu tỷ đồng. Trong khi đó, chỉ vài dự án của DNNN thua lỗ số tiền 1,6 triệu tỷ đồng phải trả nợ, và 7 tỷ USD (tương đương 140.000 tỷ đồng) đầu tư ra nước ngoài chưa biết đến bao giờ thu lại được. Vấn đề đặt ra là cần làm rõ dự án thuộc ngành, lĩnh vực nào lỗ, hòa vốn, lãi; các quốc gia, DN đã đầu tư; hạn chế vướng mắc và nguyên nhân dẫn đến lỗ là gì. Việc rà soát, đánh giá thực chất hơn, đưa ra các giải pháp xử lý vấn nạn này là yêu cầu cấp bách.

Các tin khác