TPHCM: Năng động phát triển

Từ thực tiễn tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất, thành phố đã góp phần tích cực vào việc hình thành đường lối đổi mới của Đảng. Trong quá trình phát triển, từ những mô hình và những cách làm có hiệu quả, thành phố đã có những đóng góp vào việc xây dựng cơ chế, chính sách kinh tế và những chế định trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực đầu tư, tài chính.

Với sức bật của một thành phố năng động, sáng tạo, với vai trò là một đầu tàu kinh tế, thành phố Hồ Chí Minh đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, nhất là từ khi thực hiện công cuộc đổi mới, phát triển đất nước.

Từ thực tiễn tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất, thành phố đã góp phần tích cực vào việc hình thành đường lối đổi mới của Đảng. Trong quá trình phát triển, từ những mô hình và những cách làm có hiệu quả, thành phố đã có những đóng góp vào việc xây dựng cơ chế, chính sách kinh tế và những chế định trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực đầu tư, tài chính.

Để giải quyết bài toán phát triển đô thị, thành phố đã đề xuất chủ trương đổi đất lấy hạ tầng, đã xây dựng thành công khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, biến một vùng đầm lầy, chua mặn thành khu đô thị hiện đại ở phía Nam thành phố, cùng với tuyến đường giao thông nối liền với trung tâm thành phố, dài hơn 18km.

Nhiều tuyến đường huyết mạch của thành phố được mở rộng bằng nguồn vốn tín dụng của doanh nghiệp thông qua hình thức chuyển nhượng quyền khai thác. Các công ty cổ phần đại chúng được hình thành để thực hiện các dự án đầu tư vào dịch vụ hạ tầng kỹ thuật thành phố. Để tăng cường việc huy động vốn và triển khai thực hiện các chính sách đầu tư, thành phố đã thành lập Quỹ Đầu tư phát triển đô thị và sau này trở thành Công ty Đầu tư tài chính thành phố.

Cùng với phát triển hạ tầng kỹ thuật, thành phố đã khuyến khích thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư hạ tầng kỹ thuật xã hội thông qua chính sách hỗ trợ về đất đai, tín dụng… Nhiều trường học, bệnh viện, cơ sở văn hóa, thể dục, thể thao… được hỗ trợ một phần lãi suất khi vay vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại để đầu tư trang thiết bị, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới, nhằm cung cấp dịch vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng nhiều hơn, với chất lượng cao hơn cho người dân.

Trung tâm Giao dịch chứng khoán của thành phố ra đời sớm và sau đó trở thành Sở Giao dịch chứng khoán đầu tiên của cả nước. Thành phố cũng là nơi thí điểm thành lập ngân hàng cổ phần đầu tiên với mô hình Ngân hàng cổ phần Sài Gòn Công thương, đến nay đã trở thành loại hình doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

Các chương trình bình ổn thị trường, chương trình kết nối doanh nghiệp - ngân hàng… của thành phố đã góp phần tích cực vào việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kiểm soát lạm phát.

Thành phố đã dành quỹ đất và vốn đầu tư vào công nghệ phần mềm với mô hình Công viên Phần mềm Quang Trung, đã xây dựng Khu Công nghiệp công nghệ cao, Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm sinh học… thu hút được vốn đầu tư trong và ngoài nước, tạo ra mô hình liên kết nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực.

Trong sự phát triển đi lên của thành phố, khu vực kinh tế dân doanh được cho là năng động nhất, đóng góp lớn nhất vào sự phát triển của thành phố, hiện chiếm 58% cơ cấu GDP, giải quyết việc làm gần 70% lao động trên địa bàn.

Thành phố đã duy trì tốc độ tăng trưởng cao, bình quân 2 con số trong hơn 20 năm, đã đóng góp 20% vào GDP cả nước và 30% ngân sách quốc gia. Cùng với tăng trưởng kinh tế, thành phố luôn quan tâm thực hiện công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển văn hóa. Hiện nay, tổng sản phẩm nội địa tính theo đầu người đạt trên 4.500USD. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập 12 triệu đồng/người/năm giảm còn 0,8% vào cuối năm 2013.

Với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân thành phố, với truyền thống năng động, sáng tạo, diện mạo thành phố đã có nhiều những đổi thay, dáng dấp của một thành phố hiện đại đang hình thành. Giờ đây thành phố đã có thêm những khu đô thị mới, đã có thêm nhiều cầu và hầm qua sông Sài Gòn. Và đang có nhiều hứa hẹn về một khu đô thị mới, hiện đại ở phía Đông thành phố.

Giờ đây, thành phố khang trang hơn và đời sống người dân có khá hơn. Tuy nhiên, thành phố cũng đang đứng trước những khó khăn, bất cập trong quá trình phát triển, đang đứng trước những đòi hỏi vừa phải tăng tốc phát triển, vừa phải coi trọng phát triển theo chiều sâu và bền vững, không ngừng nâng cao chất lượng sống cho người dân… Trước yêu cầu lớn lao đó, sự năng động, sáng tạo không thể thay thế sự đổi mới về chính sách, thể chế kinh tế chung của cả nước.

 Hy vọng rằng, trên cơ sở tổng kết 30 năm đổi mới, Trung ương sẽ tạo nên bước đột phá mới về chính sách và thể chế, trong đó có tạo điều kiện để thành phố xây dựng chính quyền đô thị, thúc đẩy phát huy tiềm năng, thế mạnh của thành phố để thành phố vươn lên làm tròn sứ mệnh đi trước và về đích trước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Các tin khác