TPHCM có thể đột phá nếu được thử nghiệm cải cách thể chế

Tên của bạn (*)

(ĐTTCO) - Trong khuôn khổ thực hiện Đề án "Cơ chế chính sách đột phá để TPHCM phát triển nhanh, toàn diện, vững chắc, thực hiện tốt vai trò trung tâm đối với vùng và cả nước theo Nghị quyết 16-NQ/TƯ của Bộ Chính trị", ngày 9-3, UBND TP đã tổ chức hội thảo "Các vấn đề phát triển TPHCM- Cơ chế, chính sách đột phá".

Phát biểu tại Hội thảo, PGS. TS Trần Đình Thiên, Viện Trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng Nghị quyết 16-NQ/TƯ của Bộ Chính trị năm 2012 đã định hướng, mở không gian và tạo điều kiện để TPHCM có cơ hội bứt phá phát triển. Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong thời gian qua, tư tưởng nói trên của Nghị quyết chưa được thực hiện đầy đủ, thậm chí còn xuất hiện những trói buộc, hạn chế mới, cản trở sự phát triển của TP.

Hội thảo có sự tham dự của đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm, các đồng chí trong Ban thường vụ Thành ủy, Thường trực HĐND TP, Ủy viên UBND TP, các sở, ban, ngành, doanh nghiệp tiêu biểu.

Theo PGS. TS Trần Đình Thiên, TPHCM là đô thị lớn, một siêu đô thị, được xác định là đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, hiện nay sự phát triển của TP đang đối mặt với nhiều điểm tắc nghẽn lớn và những khó khăn rất đặc thù - ách tắc giao thông, ngập nước, quá tải dân số đô thị và chất lượng nguồn nhân lực, ngân sách eo hẹp, năng lực bộ máy chính quyền chưa đạt yêu cầu. Trong khi đó, nhiều lợi thế phát triển to lớn của TP- về vốn, về nhân lực, về vị thế địa - chiến lược, về quy mô, về văn hoá... chưa được phát huy, thậm chí còn lãng phí. Vì những trở ngại đó, TPHCM đã không thể giải quyết các vấn đề phát triển đô thị của mình.

Các chuyên gia cùng Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng tham gia Hội thảo. Ảnh: V.Dũng
Các chuyên gia cùng Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng tham gia Hội thảo. Ảnh: V.Dũng

Cũng vì lý do đó, TP đã không thể hoàn thành trọn vẹn sứ mệnh "đầu tàu phát triển", tức là chưa làm tròn trách nhiệm của mình đối với công cuộc phát triển của cả nước"- PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Trong khi đó, tinh thần của Nghị quyết 16-NQ/TƯ của Bộ Chính trị năm 2012 đã từng chấp nhận và tạo điều kiện cho TP phát triển bứt phá. Trong đó đặc biệt cho phép TP được tìm kiếm, đề xuất và thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách vượt trội, chưa có quy định hay những quy định hiện hành của Nhà nước không còn phù hợp. Bảo đảm cơ chế khuyến khích tài chính - ngân sách mạnh mẽ, ưu tiên các nguồn tài chính, tạo điều kiện để TP phát triển nhanh, toàn diện, vững chắc, thực hiện tốt vai trò trung tâm đối với vùng và cả nước. Tiếp tục phân cấp nhiều hơn cho TP trong mộ số lĩnh vực như: quản lý tài chính công, tăng hơn tính tự chủ cho TP về ngân sách, về quy hoạch, kế hoạch và đầu tư, tổ chức, nhân sự, thẩm quyền xử phạt hành chính... phù hợp với điều kiện của TP.

Trên tinh thần khoa học, cởi mở, khách quan và cầu thị, vì lợi ích phát triển của TPHCM, của vùng Nam Bộ và của cả nước, hội thảo là cuộc đối thoại thẳng thắn, chia sẻ thông tin và tri thức một cách có trách nhiệm giữa các chuyên gia, nhà khoa học với các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Qua đó đã có nhiều đề xuất giải pháp đột phá phát triển TPHCM trong giai đoạn tới dựa trên cơ sở xác định tầm nhìn, chiến lược và cơ chế, chính sách phát triển được các địa biểu gửi đến lãnh đạo TPHCM.

Nhận định thể chế TP chưa phù hợp với yêu cầu phát triển đô thị bền vững, TS Vũ Tuấn Anh cho rằng nên đặt yêu cầu thay đổi các chức năng quản trị đô thị, đặc biệt là các yêu cầu quản trị siêu đô thị theo hướng bền vững làm trục chính của Đề án cải cách thể chế quản trị siêu đô thị TPHCM.

Từ việc đổi mới các chức năng và cách thức quản trị, sẽ dẫn đến những thay đổi cần thiết về chính sách và tổ chức.

Đề án cải cách thể chế quản trị siêu đô thị phải dựa trên những tiêu chí định tính và các chỉ tiêu mục tiêu định lượng phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, được đúc kết từ kinh nghiệm phát triển các đô thị trên toàn thế giới.

Những tiêu chí đó có thể bao hàm tiêu chuẩn của đô thị có những đô thị điều kiện sống tốt, vì con người (TP sống tốt - Liveable city), đô thị được quản trị theo phương thức hiện đại và hợp lý (TP thông minh- Smart city), đô thị có môi trường xanh, sạch, tiết kiệm năng lượng và tài nguyên, phát thải ít (TP xanh - Green city)...

Phân tích thêm về những điểm mạnh, yếu, cơ hội và thách thức của TPHCM trong 20-30 năm tới, TS Vũ Tuấn Anh cho rằng TPHCM có nhiều tiềm năng và lợi thế vượt lên để nhanh chóng đạt được mục tiêu đề ra. Trong đó cần ưu tiên lựa chọn khâu đột phá. Cụ thể là rà soát và điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế theo hướng đột phá để thay đổi mô hình tăng trưởng của các lĩnh vực ưu tiên và đảm bảo tính bền vững cho toàn bộ nền kinh tế. Thứ hai là rà soát và điều chỉnh quy hoạch phân bố không gian của TP nằm trong mối liên kết với Vùng TP, Vùng kinh tế trọng điểm Nam Bộ và cuối cùng là xây dựng cho được Đề án cải cách thể chế quản trị siêu đô thị TPHCM.

Theo TS Vũ Thành Tự Anh, khó khăn lớn nhất là những ràng buộc khắt khe về thể chế từ Trung ương, đặc biệt là các thể chế có tính bứt phá. Theo TS Tự Anh, TPHCM chỉ có thể đột phá nếu như Trung ương cho phép thử nghiệm cải cách thể chế và TP thiết lập được cơ chế hợp tác và liên kết vùng hiệu quả. Nếu không cải cách toàn diện được thì nên tận dụng triệt để dư địa chính sách, đồng hành với doanh nghiệp, thử nghiệm chọn lọc một số cải cách đột phá và yêu cầu Trung ương công bằng về thu, chi ngân sách hơn.

Trong bài tham luận của mình, TS Trần Du Lịch cho rằng: "điều quan trọng trước mắt là nên kiến nghị Chính phủ xây dựng một nghị định phân cấp, phân quyền và ủy quyền cho TPHCM theo tinh thần của Luật tổ chức chính quyền địa phương bao gồm các lĩnh vực quản lý nhà nước chủ yếu trên địa bàn. Trong đó ưu tiên về thể chế tài chính công; quản lý đô thị và tổ chức bộ máy hành chính địa phương theo tinh thần Nghị quyết 20 và 16 của Bộ Chính trị về TPHCM.

Để thực hiện việc này nên đề nghị Chính phủ lập Tổ công tác xây dựng Nghị định trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua trước khi ban hành (Năm 2001 TP đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 93 về TP theo hình thức này). Dù là Nghị định nhưng mang tính chất như một "đạo luật cho TP"- TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Các tin khác