TPHCM: 6 chương trình đột phá

Là 1 trong 6 chương trình đột phá về kinh tế-văn hóa-xã hội gắn với tái cấu trúc kinh tế của TPHCM, chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế được Thành ủy TPHCM đánh giá đã góp phần tích cực, quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP theo đúng định hướng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ IX đề ra.

Là 1 trong 6 chương trình đột phá về kinh tế-văn hóa-xã hội gắn với tái cấu trúc kinh tế của TPHCM, chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế được Thành ủy TPHCM đánh giá đã góp phần tích cực, quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP theo đúng định hướng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ IX đề ra.

Nâng cao sức cạnh tranh

Đánh giá của UBND TP cho thấy nội bộ các ngành kinh tế TPHCM đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng khu vực dịch vụ-công nghiệp và xây dựng-nông nghiệp trong GDP bình quân giai đoạn 2008-2010 là 56,3% - 42,6% - 1,1%, giai đoạn 2011-2013 tăng lên 58,3% - 40% - 1% gắn với từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc kinh tế TP.

Cũng từ việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, TP đã tăng dần tỷ trọng 4 ngành công nghiệp trọng yếu (chế biến lương thực-thực phẩm, hóa chất-cao su, cơ khí và điện tử-công nghệ thông tin) và giá trị tăng thêm của các ngành dịch vụ, phát triển nông nghiệp đô thị.

Trong giá trị sản xuất công nghiệp, TP đã tăng tỷ trọng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, hàm lượng khoa học-kỹ thuật cao; từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế phát triển theo chiều rộng dựa vào tăng vốn đầu tư, khai thác, tài nguyên và nguồn lao động chất lượng thấp sang phát triển theo chiều sâu; lấy chất lượng tăng trưởng là động lực chủ yếu để phát triển các ngành, lĩnh vực trên cơ sở áp dụng những thành tựu mới về khoa học, công nghệ, ít gây ô nhiễm môi trường; sử dụng nhân lực chất lượng cao và kỹ năng quản lý hiện đại; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái.

6 chương trình đột phá, đặc biệt là chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài để phát triển TP, vừa phù hợp với chủ trương chung của Trung ương về thực hiện các nội dung đột phá chiến lược và tái cấu trúc, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng nâng cao sức cạnh tranh.

Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải

Hiện nay, TPHCM đang chú trọng phát triển loại hình kinh doanh bán lẻ hiện đại, thông qua các chương trình hợp tác thương mại với các tỉnh, thành đã góp phần mở rộng hệ thống phân phối gắn với thu mua sản phẩm.

Hiện các hệ thống phân phối lớn của TP đã đầu tư hơn 90 siêu thị tổng hợp, chuyên ngành tại các tỉnh, thành Đông Nam bộ và Tây Nam bộ. Với định hướng phát huy vai trò các trung tâm công nghiệp điện tử và công nghệ thông tin tập trung, TP đã hình thành các khu Công viên phần mềm Quang Trung, Khu công nghệ cao, Trung tâm công nghệ phần mềm Sài Gòn... nhằm thu hút đầu tư của các tập đoàn kinh tế nước ngoài, các dự án sử dụng công nghệ bán dẫn, vi mạch, bo mạch điện tử, công nghệ mới...

Bổ sung, hoàn thiện các loại quy hoạch

Mặc dù chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế đã đạt được những kết quả quan trọng, tuy nhiên, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP, nhìn nhận kinh tế tăng trưởng nhưng chưa đạt chỉ tiêu đề ra và thiếu vững chắc.

Theo ông Lê Hoàng Quân, chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa cao, yếu tố năng suất tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng kinh tế còn hạn chế, nhất là yếu tố khoa học-công nghệ và quản lý. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu nội bộ các ngành kinh tế còn chậm, chưa có chính sách, giải pháp đột phá để hỗ trợ, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chậm đầu tư công nghiệp hỗ trợ. Tiềm năng, lợi thế của TP chưa được huy động và khai thác đầy đủ; tiến độ thực hiện tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước còn chậm.

Tại các cuộc thảo luận tổ trong Hội nghị Thành ủy TPHCM lần thứ 17 vừa diễn ra, một số ý kiến của thành ủy viên cũng nhận định, sự chuyển đổi mô hình tăng trưởng chưa đạt được hiệu quả về chiều sâu, chưa đem lại lợi thế phát triển bền vững. Trong đó, chủ trương phát triển công nghiệp hỗ trợ đến nay vẫn chưa định hình do thiếu vai trò "nhạc trưởng," đó là các cơ chế, chính sách để phát triển các sản phẩm công nghệ hỗ trợ trong nước hay phân phối ra nước ngoài.

Một số chuyên gia kinh tế cũng cho rằng cần xem xét lại tính đột phá của chương trình, vì qua 3 năm thực hiện, vẫn còn một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp sau nhiều năm không thoát khỏi tình trạng làm gia công cho nước ngoài...

Trước những vấn đề đặt ra, ông Lê Hoàng Quân cho biết nhiệm vụ trọng tâm trong 2 năm 2014-2015 của TP là tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện các loại quy hoạch gắn với phân bổ lực lượng sản xuất, phân công lao động xã hội; hoàn thiện, triển khai thực hiện Đề án Tái cấu trúc kinh tế TP gắn với thực hiện Chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế.

Riêng về vấn đề phát triển công nghiệp hỗ trợ, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải cũng đã chỉ đạo, TP cần tập trung nghiên cứu chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó chủ thể chính là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhiều ý kiến đề nghị lãnh đạo TP cần tập trung các yếu tố tác động trực tiếp nhanh đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế như sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp công nghệ cao, phát triển hạ tầng... và sự đầu tư cần tránh dàn trải. Và để chuyển dịch cơ cấu kinh tế hiệu quả, TP cần triển khai đồng bộ cả 6 chương trình đột phá nhằm bổ trợ nhau trong quá trình phát triển của TP.

6 chương trình đột phá

1. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

2. Cải cách hành chính gắn với mục tiêu xây dựng chính quyền đô thị.

3. Hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế.

4. Giảm ùn tắc giao thông.

5. Giảm ngập nước.

6. Giảm ô nhiễm môi trường.

Các tin khác