Tỏa sáng doanh nhân nữ

Đúng dịp kỷ niệm 104 năm ngày Quốc tế phụ nữ 8-3, cộng đồng doanh nhân nữ Việt Nam đón nhận tin vui: Năm nay có thêm 2 nữ doanh nhân Việt lọt vào danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á (ASIA Power Businesswomen) do tạp chí danh tiếng Forbes bình chọn.

Đúng dịp kỷ niệm 104 năm ngày Quốc tế phụ nữ 8-3, cộng đồng doanh nhân nữ Việt Nam đón nhận tin vui: Năm nay có thêm 2 nữ doanh nhân Việt lọt vào danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á (ASIA Power Businesswomen) do tạp chí danh tiếng Forbes bình chọn.

Đó là bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch kiêm CEO CTCP Cơ điện lạnh (REE) và bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Ngân hàng Đông Nam Á (SeAbank). Trước đó, bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch kiêm CEO CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã lọt vào danh sách này năm 2012. Còn theo nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế thế giới (Hoa Kỳ), Việt Nam nằm trong danh sách những quốc gia có tốc độ tăng trưởng vượt trội về số lượng doanh nghiệp do doanh nhân nữ làm chủ.

Những ghi nhận trên cho thấy sự nỗ lực của cộng đồng doanh nhân nữ Việt Nam thời gian qua rất đáng khâm phục. Ước tính tại Việt Nam, cứ 4 doanh nhân có 1 người là nữ.

Đóng góp lớn cho nền kinh tế nhưng đội ngũ doanh nhân nữ lại đang chịu nhiều thiệt thòi. Những biến động nền kinh tế thế giới và trong nước thời gian qua tác động không nhỏ đến các nữ doanh nhân, cả trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tổ chức cuộc sống gia đình cũng như sự sẻ chia với cộng sự. Nữ doanh nhân phải gồng mình chống chọi với cơn biến động khó khăn của nền kinh tế, đồng thời phải gắng sức làm tròn vai trò người vợ trong gia đình.

Theo thống kê, hiện cả nước có trên 100.000 doanh nghiệp do doanh nhân nữ đứng đầu, phần lớn có quy mô vừa và nhỏ, hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực dệt may, chế biến hàng nông sản, thủy sản, da giày… Ngoài những khó khăn chung như thiếu vốn, thiếu thông tin thị trường, thiếu luật điều chỉnh, chế độ chính sách chưa rõ ràng, bản thân doanh nhân nữ còn phải chịu nhiều thiệt thòi, như thiếu cơ hội được đào tạo về quản lý doanh nghiệp và tài chính, thiếu cơ hội tham gia các hoạt động xã hội vì luôn phải cân bằng giữa công việc và trách nhiệm gia đình.

Để tạo điều kiện cho đội ngũ doanh nhân nữ tiếp tục tỏa sáng, rất cần sự hỗ trợ cả về cơ chế chính sách và sự sẻ chia của xã hội. Trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, nước ta phấn đấu tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt 30% vào năm 2015 và 35% trở lên vào năm 2020.

Để mục tiêu này thành hiện thực, nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ nên tận dụng việc đổi mới thể chế kinh doanh sắp tới để cải thiện những vấn đề mà doanh nhân nữ đang gặp phải. Bên cạnh đó, cần cơ chế giúp phụ nữ nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng, quản trị doanh nghiệp, hạn chế rủi ro tài chính. Đây là yếu tố cơ bản đưa lại cơ hội công bằng cho phụ nữ về môi trường đầu tư, kinh doanh.

Mặt khác, nên thiết kế các chương trình đào tạo dành riêng cho phụ nữ, củng cố các hiệp hội đại diện cho doanh nhân nữ, nâng cao trách nhiệm trong việc chuyển tải những thông tin của doanh nghiệp, doanh nhân nữ đến các nhà lập chính sách.

Nữ doanh nhân cũng phải được tạo điều kiện tốt hơn nữa trong việc tham gia chính sách cải cách kinh tế, hoạch định chiến lược về phát triển doanh nghiệp nữ một cách bền vững trong thời kỳ đổi mới và hội nhập. Đối với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt nữ doanh nhân phải có sự tương hỗ, hợp tác, đoàn kết cùng nhau xây dựng và phát triển, tạo nên nét đẹp trong văn hóa nữ doanh nhân Việt.

Trong thư chúc mừng nữ doanh nhân nhân dịp Quốc tế phụ nữ 8-3, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh: “Trong điều kiện sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, đòi hỏi nữ doanh nhân thể hiện tốt hơn bản lĩnh của con cháu Bà Trưng, Bà Triệu để tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa”.

Còn Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, tại lễ tôn vinh “Nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2013 - Cúp Bông hồng Vàng” tổ chức hôm 1-3, đã phát biểu: “Với bản chất thông minh, sáng tạo, cần cù, chịu khó, kiên nhẫn và tấm lòng nhân ái, tôi đặt niềm tin vào đội ngũ doanh nhân nữ Việt Nam sẽ có đủ bản lĩnh để giành được những thành công lớn trong nhiều lĩnh vực”.

Đây là sự khích lệ rất lớn, thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với cộng đồng doanh nhân nữ. Thế nhưng, như lời bộc bạch chân tình của bà Trần Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng doanh nhân nữ Việt Nam: “Sự thành công của người phụ nữ dường như luôn phải đánh đổi”. Bởi vậy, doanh nhân nữ sẽ tự tin tiến bước trên con đường kinh doanh mà mình đã chọn khi nhận được sự động viên, chia sẻ và tạo điều kiện nhiều hơn nữa của gia đình và xã hội.

Các tin khác