Tín nhiệm và trách nhiệm

(ĐTTCO) - Cuối tuần qua, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 14 đã hoàn tất việc lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Kết quả được công khai trước nhân dân và cử tri cả nước đã có sức thu hút rất lớn, bởi lấy phiếu tín nhiệm đã phản ánh đúng thực tế, thể hiện trách nhiệm của đại biểu Quốc hội với cử tri cả nước, là những con số biết nói, là thước đo sự tín nhiệm của dân với từng công bộc. Đây là lần thứ 3 Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm và cũng là lần lấy phiếu đánh giá tín nhiệm duy nhất trong nhiệm kỳ khóa 14.
Lấy phiếu tín nhiệm là việc hệ trọng nhưng cũng rất nhạy cảm. Lá phiếu đánh giá mức độ tín nhiệm không chỉ là trách nhiệm của đại biểu đối với người được lấy phiếu, còn chứa đựng sức nặng của niềm tin cử tri đã trao gửi. Vì vậy, ngoài đòi hỏi trách nhiệm rất lớn của các đại biểu Quốc hội, đây cũng là dịp để người được lấy phiếu tự soi lại chính mình. 
Kết quả tốt trong phần tín nhiệm cao, tín nhiệm là nguồn động viên, giúp 48 thành viên được lấy phiếu có thêm động lực, từ đó có đánh giá một cách đầy đủ về mình, phát huy mặt mạnh, khắc phục hạn chế.
Ai cũng hiểu nhiều công việc không dễ gì một cá nhân có thể giải quyết được. Có những vấn đề tích tụ lâu năm, từ nhiều nhiệm kỳ nhưng bất ngờ “phát lộ”, gây bức xúc dư luận. Thế nhưng, càng ở vị trí cao, trọng trách càng lớn, chí tiến thủ càng phải mãnh liệt hơn. Bên cạnh đó, những “tư lệnh” ngành không thể không nghe những gì người dân không hài lòng về quản lý giáo dục hiện nay, tại sao vẫn loay hoay với đổi mới thi cử. Hay không thể ngó lơ với những bức xúc của người dân về các trạm thu phí BOT rất vô lý; chất lượng đường cao tốc hàng chục ngàn tỷ đồng vừa làm xong đã bong tróc.
Tín nhiệm và trách nhiệm ảnh 1 Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XIV sẽ lấy phiếu tín nhiệm với 48 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.

Rồi những vấn đề tồn tại trong đầu tư công, trong quy hoạch tổng thể quốc gia; không thể thu hút FDI bằng mọi giá mà không có chọn lọc; các công trình đội vốn quá lớn, chỉ định thầu… Nhìn thẳng, tự soi rất cần sự dũng cảm và cả tư duy đổi mới từ chính từng “tư lệnh” bộ, ngành

Thực tế, trách nhiệm và tín nhiệm là 2 vấn đề có liên quan mật thiết tới nhau, nhưng không phải lúc nào cũng song hành với nhau. Trong nhiều trường hợp, việc xác định trách nhiệm cá nhân đối với các sai phạm, khuyết điểm không được rõ ràng. Đơn cử, khi nói đến lãng phí, phần lớn nói trách nhiệm là của “chúng ta”, ít nói đến “trách nhiệm của tôi”. Để ngành và địa phương mình xảy ra tiêu cực, nhưng người lãnh đạo, đứng đầu thường “chia sẻ” trách nhiệm cho tập thể.
Vì thế, tín nhiệm thấp, tín nhiệm cao hay không từ chính tư duy, cách làm của người đứng đầu từng ngành, từng lĩnh vực. Làm hay cử tri khen, làm dở người dân chê, cũng là hợp lẽ. Cái người dân, cử tri cần là hiệu quả từng việc, không phải là phát ngôn hay, diễn khéo, diễn giỏi. Cơ chế thị trường và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa gắn liền với trách nhiệm cá nhân. Không có trách nhiệm cá nhân không thể có cơ chế thị trường đích thực, và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Cử tri mong muốn trách nhiệm cá nhân của mọi chức danh cán bộ ở Trung ương và địa phương đều phải tách bạch, rõ ràng, bất cứ tiêu cực nào xảy ra cũng xác định ngay trách nhiệm cá nhân thuộc về ai. 
Từ việc xác định rõ trách nhiệm rồi mới đến việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm. Việc này cũng sẽ buộc những người giữ chức vụ phải có trách nhiệm hơn, không còn tâm lý đã được bầu là yên tâm tại vị cả nhiệm kỳ 5 năm, thậm chí hết nhiệm kỳ này sẽ tiếp tục nhiệm kỳ khác, nếu còn đủ tuổi.

Các tin khác