Tín hiệu mừng trong ngắn hạn

Theo Tổng cục Thống kê, điều đáng mừng là GDP đang tăng dần theo từng quý. Cụ thể, quý I GDP tăng 5,09%; quý II tăng 5,42%; quý III tăng tới 6,19%. Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định việc GDP 9 tháng năm 2014 tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2012 và 2013 (chỉ tăng tương ứng 5,1% và 5,14%) cho thấy dấu hiệu tích cực của nền kinh tế.

Cuối tuần qua, trong khi tại Diễn đàn kinh tế mùa Thu diễn ra ở Ninh Bình, các chuyên gia kinh tế nhận định nền kinh tế vẫn đang “vật vã để đi lên”, “gập ghềnh phục hồi”…, thì ở Hà Nội Tổng cục Thống kê công bố tin vui: GDP 9 tháng năm 2014 đạt 5,62%, cao hơn mọi dự báo trước đó. Ngay trước đó một ngày, trong hội nghị giao ban sản xuất - kinh doanh 9 tháng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ dám đưa ra con số ước tăng trưởng GDP khá khiêm tốn là 5,54%.

Theo Tổng cục Thống kê, điều đáng mừng là GDP đang tăng dần theo từng quý. Cụ thể, quý I GDP tăng 5,09%; quý II tăng 5,42%; quý III tăng tới 6,19%. Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định việc GDP 9 tháng năm 2014 tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2012 và 2013 (chỉ tăng tương ứng 5,1% và 5,14%) cho thấy dấu hiệu tích cực của nền kinh tế.

Trong mức tăng 5,62% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3%, cao hơn mức 2,39% của cùng kỳ năm 2013, đóng góp 0,54 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,42%, cao hơn mức 5,2% của 9 tháng năm 2013, đóng góp 2,46 điểm phần trăm. Còn khu vực dịch vụ tăng 5,99%, thấp hơn con số 6,25% của cùng kỳ năm ngoái, đóng góp 2,62 điểm phần trăm.

Việc GDP 9 tháng tăng cao vượt dự báo là tín hiệu mừng, nhưng chưa đủ để lạc quan. Tại Diễn đàn kinh tế mùa Thu, đa số diễn giả đều nhận định mục tiêu tăng trưởng 5,8% trong năm 2014 vẫn là thách thức lớn. Nền kinh tế dù đã có dấu hiệu thoát đáy, nhưng sự phục hồi chưa rõ ràng kể cả từ phía cung lẫn phía cầu.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng thừa nhận: Kinh tế phục hồi với tốc độ còn chậm, chưa vững chắc; tốc độ tăng tiêu dùng còn thấp, khu vực sản xuất chưa có khởi sắc rõ rệt; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động vẫn còn ở mức cao.

Đặc biệt, lãi suất cho vay đã giảm nhưng khả năng tiếp cận vốn tín dụng đối với các doanh nghiệp để kinh doanh còn hạn chế. Tốc độ tăng trưởng tín dụng còn thấp, 8 tháng chỉ đạt 6,21%, tăng không đáng kể so với cùng kỳ 2013. Điều này phản ánh khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế thấp do tổng cầu yếu.

Để vượt qua khó khăn của năm 2014, thời gian qua nhiều ý kiến đề xuất cần tập trung vào các giải pháp kích thích tổng cầu. Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, nếu không có các chính sách hỗ trợ tổng cầu trong những tháng tới GDP cả năm có thể chỉ tăng 5,6-5,7%. Tuy nhiên, hỗ trợ tổng cầu như thế nào cho hiệu quả, mức độ ra sao vẫn là bài toán không dễ giải.

Thực tế ngay từ đầu năm, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo về tháo gỡ khó khăn, kích thích tổng cầu bằng cả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, nhưng đến nay “cầu yếu” vẫn là cụm từ xuất hiện nhiều trong các báo cáo cập nhật kinh tế. Hơn nữa, cần xác định rằng để nền kinh tế phát triển bền vững, chỉ nên duy trì sức cầu ở mức hợp lý, nếu tác động quá mạnh có thể gây ra rủi ro về mặt vĩ mô.

Một số chuyên gia cho rằng, dù hiện trạng nền kinh tế còn yếu đang cần phục hồi, nhưng vấn đề căn cơ vẫn phải tập trung củng cố tổng cung chứ không thể chỉ lo cho tổng cầu. Tăng trưởng GDP năm 2014 đạt 5,8% hay 5,6-5,7% không quá quan trọng, điều đáng lưu ý hơn là đến nay chương trình tái cơ cấu nền kinh tế sau 3 năm tiến hành vẫn đang còn ngổn ngang. Nhiều giải pháp đã được đưa ra, nhiều văn bản mới đã được ban hành, nhiều đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt... nhưng kết quả vẫn chưa rõ ràng, nhiều điểm nghẽn vẫn còn đó.

Cũng chính vì thế, trong bối cảnh Diễn đàn kinh tế mùa Thu tập trung bàn thảo về tháo gỡ các điểm nghẽn tái cơ cấu, thông tin GDP 9 tháng tăng cao chưa hẳn là một tin mừng được quan tâm. Đây có thể là một chỉ báo về việc điều hành ngắn hạn đang đúng hướng, nhưng chưa gỡ được những lo lắng về cải cách chính sách và thể chế trong trung và dài hạn. Để trở lại mức tăng trưởng đúng tiềm năng, con đường duy nhất mà chúng ta cần đi là cần tập trung làm quyết liệt hơn nữa việc tái cơ cấu kinh tế, đi liền với đó là cải cách mạnh mẽ thể chế.

Các tin khác