Tiếp tục cải thiện hệ sinh thái khởi nghiệp

(ĐTTCO) - Tại Hội thảo “Chỉ số khởi nghiệp Việt Nam năm 2015/2016 và các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp” diễn ra ngày 22/9 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam cần tiếp tục cải thiện hệ sinh thái khởi nghiệp, có cơ chế khuyến khích phát triển các mô hình tư nhân về khởi nghiệp.

(ĐTTCO) - Tại Hội thảo “Chỉ số khởi nghiệp Việt Nam năm 2015/2016 và các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp” diễn ra ngày 22/9 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam cần tiếp tục cải thiện hệ sinh thái khởi nghiệp, có cơ chế khuyến khích phát triển các mô hình tư nhân về khởi nghiệp.

 

Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, khởi nghiệp tại Việt Nam hiện nay đang trở thành một phong trào phát triển mạnh mẽ và thu hút sự chú ý của không chỉ cộng đồng doanh nghiệp (DN), các nhà đầu tư... Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam đang có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ trong việc hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) với mục tiêu đến năm 2020, sẽ có 1 triệu DN hoạt động hiệu quả, trong đó DN tư nhân bảo đảm đóng góp khoảng 49% GDP.

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, khởi nghiệp tại Việt Nam đang gặp phải nhiều trở lực. Thực tế ở những quốc gia mà các DN khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ, những người khởi nghiệp đa phần đều có kinh nghiệm làm việc tại các công ty lớn. Môi trường ở các công ty này giúp họ hiểu quy trình vận hành một DN khởi nghiệp như thế nào. Trái lại, ở Việt Nam, cơ hội va chạm với thực tế kinh doanh, tiếp cận thị trường, triển khai kinh doanh và phát triển sản phẩm không nhiều.

Chính vì vậy, có một điều không lạ là các DN khởi nghiệp và DN mới của Việt Nam thường có những suy nghĩ và định hướng phát triển kinh doanh có phần phi thực tế, thậm chí đôi khi là “ảo tưởng”, không theo thực tế thị trường, do đó, tỉ lệ các DN khởi nghiệp làm ăn không hiệu quả, thậm chí phải ngừng hoạt động là rất cao.

Ông Richard Bale, Tổng Lãnh sự quán Canada tại TPHCM, cho biết, tinh thần khởi nghiệp tại Việt Nam trong thời gian qua rất cao nhưng trên thực tế, cộng đồng khởi nghiệp thiếu nhiều thứ. Đơn cử như vấn đề vốn, nếu như tại Singapore, vốn cho khởi nghiệp chủ yếu từ Chính phủ thì tại Việt Nam chưa làm được điều này và DN khởi nghiệp sẽ phải tìm những nguồn tín dụng không phải đến từ Chính phủ.

Riêng TPHCM là trung tâm khởi nghiệp của cả nước, khởi nghiệp dựa trên những nền tảng thực và hoàn toàn có thể phát triển bền vững, tuy nhiên mới chỉ là giai đoạn đầu, vẫn chưa có nhiều nguồn tiền, nguồn quỹ đầu tư cho khởi nghiệp.

Tại Hội thảo, TS. Lương Minh Quân, Viện phó Viện Phát triển DN (VCCI) cho biết, theo báo cáo chỉ số khởi nghiệp Việt Nam năm 2015/2016, nhận thức về cơ hội kinh doanh ở Việt Nam ngày càng tăng. Năm 2013, chỉ có 36,8% người trưởng thành ở Việt Nam nhận thức có cơ hội để khởi sự kinh doanh thì tới năm 2014, tỉ lệ này là 39,4%. Riêng năm 2015, con số này tăng mạnh lên 56,8%, xếp thứ 9/60 quốc gia được khảo sát. Tuy nhiên, các hoạt động kinh doanh ở Việt Nam đa phần không mang tính đổi mới. Chỉ số đổi mới sáng tạo trong các hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam năm 2015 chỉ đạt tỉ lệ 16,5%, xếp thứ 50/60 quốc gia khảo sát.

TS. Quân cũng cho biết, trong số 12 chỉ số về điều kiện kinh doanh, 3 chỉ số mà Việt Nam có thứ hạng cao nhất là: Năng động của thị trường nội địa (11/62), văn hóa và chuẩn mực xã hội (14/62), chính sách của Chính phủ (15/60). 4 chỉ số Việt Nam có thứ hạng thấp nhất là: Giáo dục kinh doanh sau phổ thông (47/62), giáo dục kinh doanh bậc phổ thông (47/62), chương trình hỗ trợ của Chính phủ (50/62), tài chính cho kinh doanh (50/62).

Từ thực tiễn nêu trên, các chuyên gia cho rằng, để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh thông qua việc ổn định kinh tế vĩ mô, gỡ bỏ các rào cản, xây dựng lại lòng tin cho người kinh doanh, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp; tiếp tục cải thiện hệ sinh thái khởi nghiệp để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp và phát triển kinh doanh tại Việt Nam như xây dựng các chương trình giảng dạy ở bậc phổ thông theo hướng đào tạo kỹ năng sáng tạo, độc lập và khả năng làm việc nhóm.

Nhà nước cũng cần có cơ chế khuyến khích phát triển các mô hình tư nhân về khởi nghiệp, khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh phát triển thành DN; hoàn thiện mạng lưới các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh thông qua phát triển các nhà cung cấp dịch vụ tư nhân, các hiệp hội DN.

Các tin khác