Tiếp thêm sức cho nhà nông

ĐBSCL được mệnh danh là vựa nông sản của cả nước với khoảng 2,6 triệu ha đất trồng lúa, nuôi thủy sản và cây ăn trái. Đây là 3 ngành hàng chủ lực trụ đỡ cho an sinh xã hội trong bối cảnh kinh tế khó khăn cũng như cung ứng nguồn nguyên liệu dồi dào cho xuất khẩu.

Nông dân đứng trước nhiều khó khăn khi đầu ra hàng loạt nông sản bấp bênh. Bản thân họ phải chịu áp lực chi tiêu cho sản xuất, sinh hoạt gia đình. Mảnh đất sản xuất gần như là tài sản duy nhất để thế chấp vay vốn. Tuy nhiên, họ vẫn còn nhiều thiệt thòi khi tài sản duy nhất này chưa được định giá đúng.

ĐBSCL được mệnh danh là vựa nông sản của cả nước với khoảng 2,6 triệu ha đất trồng lúa, nuôi thủy sản và cây ăn trái. Đây là 3 ngành hàng chủ lực trụ đỡ cho an sinh xã hội trong bối cảnh kinh tế khó khăn cũng như cung ứng nguồn nguyên liệu dồi dào cho xuất khẩu.

Thế nhưng, cùng với đầu ra luôn gặp khó khăn, nông dân luôn rơi vào cảnh bấm bụng vay nóng do tiếp cận vay ngân hàng rất khó khăn về thủ tục. Như nông dân ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long vay 1 triệu đồng, hàng tháng phải trả lãi 60.000 đồng, tương đương 6%/tháng. Thậm chí có trường hợp vay 30-40 triệu đồng chịu lãi suất 10%/tháng.

Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nông dân vay vốn để sản xuất, nhưng thực tế số nông dân đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn còn quá ít ỏi. Điều này dẫn tới thực trạng một bộ phận không nhỏ nông dân vay nóng bên ngoài với lãi suất cao khiến đầu tư sản xuất manh mún, cầm chừng, hiệu quả kém. Trong khi đó, nông dân trồng lúa luôn đối diện nhiều rủi ro, giá bán lúa có khi thấp hơn giá thành sản xuất; mặn xâm nhập, khô hạn, hay mới xuống giống lúa bị mưa là mất trắng.

Chưa hết, nông dân còn phải mua phân, thuốc trừ sâu theo dạng công nợ, chịu lãi suất khoảng 3%/tháng. Hiện nay Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hạ lãi suất cho vay đối với nhiều lĩnh vực trong sản xuất. Tuy nhiên, nhiều người vẫn băn khoăn, lo ngại lãi suất hạ có đồng nghĩa với khó tiếp cận nguồn vốn vay?

Không thể phủ nhận vai trò tích cực của các tổ chức tín dụng ở ĐBSCL đã cố gắng đáp ứng nhu cầu vay vốn sản xuất của nông dân. Nhiều nông dân đã sử dụng vốn vay hiệu quả, từng bước làm giàu chính đáng.

Nhưng số nông dân diện này vẫn ít hơn số nông dân phải thường xuyên chịu cảnh bấp bênh của đầu ra nông sản, đối diện nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh gây ra. Vì thế, cần có chính sách hợp lý để dồn nhiều nguồn lực về nguồn vốn cho ĐBSCL đang là yêu cầu cấp bách từ thực tiễn cuộc sống. Bởi thực tế hiện nay, nguồn vốn huy động cũng như nguồn đầu tư vào khu vực ĐBSCL vẫn thấp hơn so với cả nước.

Theo NHNN, số dư huy động của các tổ chức tín dụng ở ĐBSCL đến ngày 31-1-2014 khoảng 237.867 tỷ đồng, giảm 2,84% so với năm 2013, chiếm 6,38% của cả nước và chỉ đáp ứng được gần 77% nhu cầu vốn vay trong khu vực. Trong khi đó, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của khu vực đến 31-1-2014 là 126.685 tỷ đồng, giảm 1,8% so với năm 2013, chiếm tỷ trọng 18,83% tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của cả nước.

Dù số dư nợ thấp so với mặt bằng cả nước, nhưng nợ xấu nông nghiệp khu vực này được xem là khá thấp, khi chỉ chiếm tỷ lệ 1,75% (tương đương 2.254 tỷ đồng). Các ngân hàng cũng đã xem xét gia hạn đối với các nông dân nuôi tôm, cá tra bị thua lỗ, gặp nhiều khó khăn.

Theo NHNN, đến cuối tháng 1-2014, đã thực hiện gia hạn nợ tại 5 ngân hàng thương mại với 4.990 tỷ đồng cho nông dân nuôi tôm và cá tra. Đây là nỗ lực đáng ghi nhận để chia sẻ khó khăn với nông dân. Vì vậy, NHNN đang tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối nguồn vốn để phục vụ nhu cầu. Theo đó, NHNN điều hành chính sách tiền tệ theo hướng khuyến khích các tổ chức tín dụng tích cực đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Các doanh nghiệp có tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực này cao (từ 40% trở lên), được NHNN giảm dự trữ bắt buộc và ưu tiên trong tái cấp vốn.

Vấn đề đặt ra hiện nay là hạn mức cho vay đối với sản xuất lúa vẫn còn thấp, chỉ đủ phục vụ cho sản xuất một vụ lúa. Một trong những nguyên nhân do trình còn độ hạn chế nông dân chưa thể quản trị hiệu quả đồng vốn nên ngân hàng hạn chế cho vay.

Chính điều này khiến nông dân phải vay nóng, chịu lãi suất cao. Vì thế, cần xem xét tăng hạn mức cho vay đối với nông dân trồng lúa (và cả cho nông dân nuôi tôm, cá tra đang gặp khó khăn) theo hướng nâng lên 70-80 triệu đồng/ha, thay vì chỉ 50 triệu đồng/ha như hiện nay, giúp họ có thể linh động chi tiêu cho sản xuất.

Tăng hạn mức cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân vay vốn, có thể nói là 2 yếu tố quan trọng để tiếp sức cho nhà nông, nhằm hạn chế tình trạng nông dân vay nóng rất nhiều rủi ro hiện nay.

Các tin khác