Tiền lương và biên chế

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình, tính đến ngày 30-6 tại một số địa phương trong cả nước vẫn tồn tại tình trạng sử dụng vượt chỉ tiêu biên chế công chức được giao. Vậy nhưng, việc vượt rào này sẽ được xử lý ra sao lại không được Bộ Nội vụ đề cập trong báo cáo.
 

Trong lúc vấn đề tăng lương rơi vào thế bế tắc vì ngân sách khó khăn, câu chuyện về biên chế được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình đưa ra trong báo cáo gửi tới Quốc hội, đã mang đến nhiều điều suy ngẫm.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình, tính đến ngày 30-6 tại một số địa phương trong cả nước vẫn tồn tại tình trạng sử dụng vượt chỉ tiêu biên chế công chức được giao. Vậy nhưng, việc vượt rào này sẽ được xử lý ra sao lại không được Bộ Nội vụ đề cập trong báo cáo.

Cũng theo báo cáo, tổng biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước và cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài (không bao gồm biên chế công chức của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, biên chế công chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập và biên chế công chức cấp xã), của năm 2015 hơn 281.700 biên chế. Tại kỳ họp thứ 6 hồi cuối năm 2013, vấn đề biên chế công chức nhà nước cũng đã được Bộ Nội vụ đưa ra.

Theo đó, biên chế công chức năm 2007 trên 238.600 người và năm 2012 gần 274.700 người, tăng khoảng 15% (viên chức năm 2007 là 1.490.500 người, năm 2012 là 1.872.000 người, tăng trên 25%). Số cán bộ, công chức năm 2013 và 2014 không tăng. Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình, từ nay đến năm 2016 về cơ bản không tăng thêm biên chế công chức, số lượng viên chức (trừ trường hợp được thành lập mới) các cơ quan đơn vị được các cấp thẩm quyền cho phép hoặc phát sinh nhiệm vụ mới.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào số liệu năm 2012 và dự kiến năm 2015, rõ ràng số lượng biên chế vẫn tăng khoảng 7.000 người. Một số liệu khác về việc biên chế tăng trong giai đoạn tinh giản là số lượng cán bộ, công chức nghỉ chế độ chính sách trong 3 năm từ 2010 đến 2012 là 28.100 người. Trong khi đó, số tuyển mới 69.800 người, tăng 41.700 người.

Mới đây, thảo luận tại hội trường về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), trong khi nhiều đại biểu đồng thuận với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giao quyền thanh tra cho tổ chức bảo hiểm xã hội, không ít đại biểu có quan điểm ngược lại.

Theo nhiều đại biểu, việc giao quyền này có thể làm tăng biên chế của cơ quan bảo hiểm xã hội, không phù hợp với cải cách hành chính hiện nay, đồng thời gây chồng chéo. Mặt khác, với con số hơn 20.500 người thuộc bảo hiểm xã hội, việc để nợ đọng tiền bảo hiểm không hoàn toàn nằm ở quyền hạn. Bởi cơ quan này có thể phối hợp với thanh tra ngành lao động để tiến hành thanh tra, xử phạt những vi phạm.

Những ý kiến phản biện này không phải không có lý khi câu chuyện hiệu quả của bộ máy công chức, viên chức chưa được xác định rõ ràng, nên việc thêm một nhiệm vụ mới, số người tăng thêm trong bộ máy là có thể nhìn thấy.

Đó là lý do tại sao chi thường xuyên những năm gần đây liên tục tăng. Cụ thể, trước năm 2011 chi thường xuyên (chi lương, công tác hành chính, đi công tác nước ngoài...) chỉ chiếm 50-55% tổng chi, trong khi hiện nay con số này đã lên tới 65-70%. Trong chi lương, một khuyến nghị đã từng được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khuyến cáo: mức chi 9,25% GDP cho lương ở khu vực công của Việt Nam đang cao hơn rất nhiều so với mức 7% GDP của các nước đang phát triển.

Theo đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch (TPHCM), nếu cứ duy trì bộ máy chính quyền địa phương 3 cấp với tất cả ban bệ hệ thống như hiện nay, không dân nào đóng thuế nuôi nổi bộ máy. Còn theo nhiều đại biểu, đội ngũ hưởng lương lớn nhưng người làm việc chuyên môn ít, bộ máy tổ chức cồng kềnh nhưng rất khó giảm. Bằng chứng là Bộ Nội vụ từng triển khai việc tự đánh giá công việc của cán bộ, công chức, nhưng làm xong không có đơn vị nào xin giảm biên chế mà đều xin tăng.

Rõ ràng, trong bối cảnh ngân sách đang rất khó khăn hiện nay, việc chưa thể cân đối để tăng lương cũng là dịp để có những đánh giá một cách xác đáng hơn về chất lượng đội ngũ công chức, viên chức hiện nay. Bởi lẽ nếu cứ duy trì bộ máy cồng kềnh nhưng hoạt động hiệu quả chưa cao, ngân sách sẽ khó chịu đựng được và cũng khó có thể cải cách tiền lương trong khu vực này.

Đã đến lúc việc chi lương, tăng lương không chỉ là chuyện riêng của ngân sách mà còn là câu chuyện của cải cách bộ máy, giảm biên chế. Trong đó, điều quan trọng cần phân định rõ khu vực công chức nhà nước, bộ máy công quyền. Với khu vực công, đơn vị sự nghiệp cần nhanh chóng chuyển sang hình thức tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự cân đối tiền lương và hoạt động kinh doanh.

Có như vậy, việc cải cách tiền lương sẽ tập trung vào nhóm cán bộ công quyền, lực lượng vũ trang... còn các đơn vị sự nghiệp, hành chính phải theo tinh thần tự chủ, tự cải cách để nâng lương.

Các tin khác