Thương mại Việt - Mỹ lên tầm cao mới

(ĐTTCO)-24 năm, kể từ ngày Việt Nam - Mỹ thực hiện bình thường hóa quan hệ (11-7-1995), thương mại hai chiều đã không ngừng tăng trưởng. Hiệp định Thương mại song phương (BTA) có hiệu lực từ tháng 12-2001 giữa hai nước đã tạo điều kiện cho thương mại hai chiều thực sự bùng nổ.
Thương mại Việt - Mỹ lên tầm cao mới

Chỉ hai năm sau khi thực hiện BTA, Mỹ đã nhanh chóng trở thành thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam. Tính đến năm 2011, tức là 10 năm sau khi BTA có hiệu lực, thương mại hai chiều Việt Nam - Mỹ đã tăng từ 1,5 tỷ USD lên hơn 20 tỷ USD và đạt gần 45 tỷ USD vào năm 2015. Tính chung giai đoạn 1995 - 2018, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam - Mỹ tăng gần 120 lần, từ 450 triệu USD lên hơn 60 tỷ USD vào năm 2018.

Nhiều năm liên tục, Mỹ luôn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam là một trong những thị trường xuất khẩu có mức tăng trưởng cao nhất tại Mỹ. Cụ thể, trong năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ đạt 47,5 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ; nhập khẩu từ Mỹ năm 2018 đạt 12,8 tỷ USD, tăng 36,7%. Thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng tới 19,52% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Chỉ riêng tháng 1-2019, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đã đạt gần 5,2 tỷ USD, tăng 42,1% so với cùng kỳ 2018. Trong đó, xuất khẩu hàng dệt may đạt gần 1,5 tỷ USD, tăng 34,1%; điện thoại đạt 473 triệu USD, tăng 121%... Cũng trong tháng 1-2019, Việt Nam đã nhập khẩu gần 1,1 tỷ USD từ thị trường Mỹ. Như vậy, Việt Nam xuất siêu sang thị trường Mỹ 4 tỷ USD trong tháng đầu tiên của năm 2019. Mới nhất, ngày 18-2-2019, trái xoài của Việt Nam đã được cấp “visa” vào Mỹ.

Tuy nhiên, trong tiến trình toàn cầu hóa, phía Mỹ cũng không ngừng đưa ra những hàng rào thương mại, thông qua những tiêu chuẩn, quy định mới nhằm bảo vệ hàng hóa trong nước.

Để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Mỹ, bên cạnh các chương trình và định hướng chung về tăng cường hỗ trợ xây dựng năng lực cạnh tranh quốc gia, Bộ Công thương Việt Nam đã đề nghị Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ, với tư cách là đầu mối trong Hội đồng Thương mại và Đầu tư (TIFA), cần có ý kiến tới các cơ quan hữu quan của Mỹ để sớm công bố quyết định cuối cùng về việc công nhận “Tiêu chuẩn tương đồng” cho cá tra, cá basa xuất khẩu của Việt Nam; cũng như có quyết định khách quan trong các vụ việc tranh chấp thương mại liên quan tới hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Chuyến công du Việt Nam trong 2 ngày 27 và 28-2 của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng là một cơ hội thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa hai nước. Để duy trì và thúc đẩy đà phát triển tốt đẹp của quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nam - Mỹ, tại cuộc hội kiến giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Donald Trump vào trưa 27-2, hai bên nhất trí cần tiếp tục triển khai các cơ chế hợp tác hiện có, đồng thời tiếp tục thảo luận về khả năng nâng cấp, xác lập khuôn khổ quan hệ thương mại - đầu tư, phù hợp với sự phát triển của quan hệ kinh tế - thương mại và tính chất của quan hệ Đối tác toàn diện.

Ngay sau buổi hội đàm sáng 27-2 giữa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Donald Trump, hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến lễ ký một số thỏa thuận hợp tác kinh tế với tổng trị giá hơn 21 tỷ USD giữa các doanh nghiệp hai bên. Sự kiện này một lần nữa khẳng định, quan hệ thương mại Việt Nam - Mỹ đã được đưa lên tầm cao mới.

Các tin khác