Thúc đẩy đổi mới, sáng tạo

Theo một khảo sát của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) và Ngân hàng Thế giới, chỉ khoảng 6% doanh nghiệp Việt Nam tham gia hoạt động hợp tác về đổi mới công nghệ với đối tác bên ngoài và khoảng 1% hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học. Còn thống kê của Bộ Khoa học - Công nghệ cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam hiện mới dành khoảng 0,4% doanh thu hàng năm cho công tác đổi mới công nghệ, trong khi tại Hàn Quốc, con số này chiếm 10% doanh thu của doanh nghiệp.
 

Tại cuộc tọa đàm về nghiên cứu đầu vào của Chương “Đổi mới sáng tạo - động lực và nguồn lực cho phát triển nhanh và bền vững” - một phần của Báo cáo Việt Nam 2035 - vừa diễn ra ở Hà Nội, nhiều chuyên gia đã thẳng thắn nhìn nhận đến nay chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào thành công nhờ khoa học - công nghệ. Nguyên nhân cơ bản là doanh nghiệp Việt Nam chưa có áp lực phải đổi mới sáng tạo trong hoạt động của mình, thậm chí thờ ơ với đổi mới sáng tạo.

 Theo một khảo sát của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) và Ngân hàng Thế giới, chỉ khoảng 6% doanh nghiệp Việt Nam tham gia hoạt động hợp tác về đổi mới công nghệ với đối tác bên ngoài và khoảng 1% hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học. Còn thống kê của Bộ Khoa học - Công nghệ cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam hiện mới dành khoảng 0,4% doanh thu hàng năm cho công tác đổi mới công nghệ, trong khi tại Hàn Quốc, con số này chiếm 10% doanh thu của doanh nghiệp.

Do không chịu đầu tư đổi mới công nghệ, năng suất lao động của Việt Nam thấp so với nhiều nước trong khu vực, như Thái Lan, Indonesia, Singapore… Hiện nay, ở nước ta trình độ công nghệ tiên tiến trong các doanh nghiệp chủ yếu thuộc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Khối doanh nghiệp trong nước trình độ công nghệ lạc hậu khá cao (chiếm 8,1% số doanh nghiệp được khảo sát so với con số 1,85% ở khối doanh nghiệp FDI).

Nhiều chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến đổi mới sáng tạo tại Việt Nam đang rất yếu kém do Nhà nước chưa khẳng định được vai trò kiến tạo của mình. Theo thống kê, kinh phí chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển kinh doanh chỉ chiếm khoảng 2,8% ngân sách nhà nước dành cho nghiên cứu. Đây là con số rất nhỏ bé trong các hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ của cả nước. Bên cạnh đó, nhận thức và thể chế hóa về đổi mới sáng tạo trong hệ thống quản lý nhà nước còn chậm, ít được quan tâm.

Khái niệm đổi mới sáng tạo lần đầu tiên đưa vào Luật Khoa học - Công nghệ năm 2013, nhưng đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể. Theo ông Lê Đình Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ, trong một thời gian dài, nước ta coi chính sách khoa học, công nghệ là chính sách đổi mới, sáng tạo; chỉ quan tâm đến khoa học, công nghệ, giáo dục - đào tạo ở các viện, trường, ít quan tâm đến đổi mới, sáng tạo ở doanh nghiệp. Chính sách R&D (nghiên cứu và phát triển) chỉ tập trung vào viện, trường, không tạo ra liên kết với doanh nghiệp, đã làm hạn chế hiệu quả đầu tư.

Rõ ràng, Nhà nước chưa thực hiện tốt vai trò nền tảng của mình trong hình thành, phát triển, điều phối, hỗ trợ hệ thống đổi mới, sáng tạo quốc gia. Hậu quả, sự thiếu gắn kết giữa chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với chính sách công nghiệp, nông nghiệp, tài chính, thương mại và các ngành liên quan gây cản trở đổi mới, sáng tạo.

Theo nhóm nghiên cứu, đến năm 2035, khoa học, công nghệ và giáo dục đại học của Việt Nam phải đạt trình độ tiên tiến trong ASEAN; khu vực doanh nghiệp được phát triển mạnh mẽ, liên kết chặt chẽ với khoa học, công nghệ, giáo dục - đào tạo tương tác, hỗ trợ lẫn nhau trong các hệ thống đổi mới sáng tạo năng động, hiệu quả, hoàn chỉnh. Đổi mới, sáng tạo trở thành động lực và nguồn lực cho sự phát triển nhanh, bền vững của quốc gia có thu nhập trung bình ở mức cao (10.000-12.000USD).

Để hiện thực hóa khát vọng này, các chuyên gia cho rằng cần nâng cao năng lực của doanh nghiệp để trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới, sáng tạo. Theo đó, cần hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu và hình thành các chuỗi giá trị nội địa; tìm kiếm cơ hội tham gia vào các khâu trình độ cao. Cùng với đó, phải xây dựng và thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, tạo liên kết giữa doanh nghiệp với viện, trường. Đặc biệt, đổi mới mạnh mẽ về thể chế kinh tế, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, phát triển mạnh mẽ khu vực tư nhân.

Để xây dựng một thể chế phải nâng đỡ đổi mới, khuyến khích đổi mới; phải tôn trọng đổi mới, tôn trọng sáng tạo. Bộ máy nhà nước phải đủ năng lực để hướng tới điều đó. Lâu nay, người dân hay doanh nghiệp được coi là đối tượng để quản lý, là bề dưới. Nay phải quản lý theo kiểu chia sẻ thông tin, rủi ro, chi phí và lợi ích. Quản lý nhà nước không thể coi người dân, doanh nghiệp như đối tượng quản lý mà phải coi đó là khách hàng để phục vụ, là đối tác để giải quyết các vấn đề phát triển.

Điều kiện kinh doanh hiện nay với nhiều ràng buộc, trong đó gần như không khuyến khích, nuôi dưỡng sáng tạo. Và nếu không sáng tạo trong kinh doanh thì không thể có nền khoa học công nghệ hiện đại. Vì vậy, cần cởi trói, mở nút thắt để sáng tạo của mọi người, mọi giới được chấp nhận, nuôi dưỡng, khuyến khích để những ý tưởng mới sớm đi vào thực tiễn.

Các tin khác