Thị trường điện chưa cạnh tranh

(ĐTTCO) -Thực hiện lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thị trường phát điện cạnh tranh (VCGM) chính thức đưa vào vận hành từ ngày 1-7-2012. 
Thị trường điện chưa cạnh tranh
Tính đến hết tháng 6-2017, số lượng nhà máy điện tham gia giao dịch trên VCGM là 76 nhà máy, với tổng công suất đạt 20.728MW, tăng 2,45 lần so với thời điểm mới vận hành, chỉ có 31 nhà máy điện. Công tác vận hành VCGM được đảm bảo an toàn, liên tục. Thông tin về vận hành thị trường điện hàng năm, tháng, tuần đã được công bố cho các thành viên tham gia thị trường.
Các đơn vị phát điện đã nhận thức được tầm quan trọng, chủ động hơn trong công tác vận hành, rút ngắn thời gian sửa chữa bảo dưỡng, cắt giảm chi phí vận hành, chủ động trong chào giá nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất của đơn vị, góp phần nâng cao hiệu quả chung của toàn hệ thống.
Từ ngày 1-1-2016, Bộ Công Thương tiếp tục thí điểm thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Đây là cơ sở để đánh giá tính phù hợp của các cơ chế vận hành thị trường bán buôn điện, tiến tới chính thức triển khai thực hiện trong năm 2019, và từ năm 2021 sẽ bắt đầu thử nghiệm, vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
Khi đó, buộc các nhà cung cấp điện phải cạnh tranh với nhau bằng giá, chất lượng dịch vụ. Thế nhưng Bộ Công Thương đã bất ngờ tạm dừng vận hành VCGM từ đầu tháng 10-2017, với lý do để xử lý tình huống khẩn cấp?
Theo lý giải của Bộ Công Thương, việc tạm ngừng VCGM xuất phát từ cả phía cung và phía cầu. Về phía cầu, trong 8 tháng năm 2017, phụ tải điện chỉ tăng trưởng khoảng 8,5%, thấp hơn so với kế hoạch. Nguyên nhân do thời tiết năm nay diễn biến bất thường.
Về phía cung, trong năm nay các nhà máy thủy điện đều đã được huy động tối đa (do lưu lượng nước về hồ để khá cao), thậm chí nhiều hồ phải thực hiện xả nước để đảm bảo an toàn đập. Với những lý do như vậy, cộng với việc phải khai thác thêm các nguồn điện chạy khí nhằm khai thác hết sản lượng khí bao tiêu và hạn chế quá tải trên đường dây 500kV, Bộ Công Thương đã phải dừng VCGM để ưu tiên mua điện từ các nhà máy điện khí. 
Bỏ VCGM để “giải cứu” các nhà máy điện khí, giải thích này của Bộ Công Thương xem ra chưa thuyết phục. Bởi lẽ, mặt bằng giá khí đang cao hơn giá bán của nhà máy nhiệt, thủy điện. Trong khi đó, theo tính toán của chính bộ này, trường hợp huy động tối đa các nhà máy điện khí trong 3 tháng còn lại của năm 2017, tổng sản lượng các nhà máy điện khí tăng thêm 189 triệu kWh, chỉ chiếm khoảng 0,094% so với tổng nhu cầu phụ tải điện cả nước.
Vậy việc dừng VCGM chỉ để ưu tiên cho một số nhà máy điện khí với tỷ lệ quá nhỏ này liệu có hợp lý? Chưa kể hiện hệ thống thủy điện có thủy văn tốt, nên đây là lúc cần huy động phát điện tối đa, tận dụng giá điện rẻ, không thể nói do diễn biến bất thường. 
Nguyên tắc thị trường là nhà máy điện nào giá rẻ huy động trước, không thể ưu tiên nhà máy giá thành cao chen vào. Nếu anh rẻ không đủ công suất mới huy động anh có giá đắt hơn. Còn nếu nói dừng VCGM để ưu tiên giá cao tham gia thị trường là không theo quy luật cạnh tranh, gây áp lực làm giá điện tăng một cách vô lý và người chịu thiệt thòi vẫn là người tiêu dùng. Thậm chí, trường hợp dừng VCGM sẽ lại quay lại thời kỳ phân phối như trước đây, đi ngược xu thế phát triển.
Vì vậy, trước khi tạm dừng, Bộ Công Thương cần nghiên cứu và phân tích các tác động lợi, hại rất cụ thể, không thể đột ngột với lý do để phục vụ việc huy động tối đa các nhà máy nhiệt điện khí trong các tháng cuối năm. Bởi nếu dừng chỉ để bao tiêu sản lượng của các nhà máy điện sản xuất từ khí, chắc chắn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ phải mua giá điện cao hơn, từ đó ảnh hưởng tới giá điện bán lẻ cho khách hàng, làm méo mó mục tiêu xây dựng thị trường điện cạnh tranh thực sự.

Các tin khác