Thay đổi tư duy

Bên cạnh đó, thí điểm miễn 50% thuế thu nhập cá nhân so với mức thuế thu nhập cá nhân thông thường áp dụng cho các chuyên gia đào tạo, chuyển giao công nghệ với thời gian tối đa 1 năm; miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định và phục vụ sản xuất sản phẩm CNHT. Đáng chú ý, doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện các hoạt động phát triển CNHT sẽ được hưởng nhiều ưu đãi về tín dụng đầu tư, tiền thuê đất...

Theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) với nhiều chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp. Theo dự thảo, sản xuất sản phẩm CNHT áp dụng thí điểm đến năm 2020 được miễn thuế tối đa 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp tối đa 9 năm tiếp theo được tính từ năm đầu tiên có thu nhập chịu thuế từ dự án đầu tư.

Bên cạnh đó, thí điểm miễn 50% thuế thu nhập cá nhân so với mức thuế thu nhập cá nhân thông thường áp dụng cho các chuyên gia đào tạo, chuyển giao công nghệ với thời gian tối đa 1 năm; miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định và phục vụ sản xuất sản phẩm CNHT. Đáng chú ý, doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện các hoạt động phát triển CNHT sẽ được hưởng nhiều ưu đãi về tín dụng đầu tư, tiền thuê đất...

Đây không phải lần đầu tiên chính sách ưu đãi được đưa ra để phát triển CNHT. Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 12 về chính sách phát triển CNHT, nhưng đến nay những cơ chế ưu đãi được đưa ra chưa thực sự tác động nhiều đến ngành công nghiệp quan trọng này. Một thí dụ dễ thấy là chính sách tín dụng đầu tư.

Trong một hội thảo mới đây, bà Đào Dung Anh, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), tiết lộ trong 4 năm qua chỉ 1 doanh nghiệp được vay vốn từ VDB để đầu tư dự án CNHT theo Quyết định 12. Điều đáng buồn, đó lại là doanh nghiệp FDI. Nguyên nhân được đưa ra do thủ tục vay vốn ưu đãi rất phức tạp và nhiêu khê. Thậm chí, ngay cả ngân hàng cũng đang gặp khó về thủ tục khi cho vay vốn.

Theo Quyết định 12, dự án sản xuất sản phẩm CNHT được xem xét vay một phần vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, để có thể xác định một dự án sản xuất sản phẩm CNHT, chủ đầu tư phải trình qua hội đồng thẩm định dự án phát triển CNHT (do Bộ Công Thương chủ trì) xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Trên cơ sở đó, VDB tiếp nhận, thẩm định dự án để cho vay. Tuy nhiên, từ khi Quyết định 12 được ban hành đến nay, VDB chưa nhận được dự án CNHT nào trong nước đề nghị vay vốn. Rõ ràng, chính sách ưu đãi là có, nhưng thủ tục phức tạp đã làm nản lòng nhà đầu tư trong nước. Đó là chưa nói tới việc chính sách ưu đãi cho CNHT được nhiều doanh nghiệp nhận xét thiếu rõ ràng và không đủ mạnh. Trong thực tế, doanh nghiệp CNHT chỉ được hưởng các ưu đãi ngang với doanh nghiệp cùng loại kinh doanh lĩnh vực khác.

Trong bối cảnh chúng ta đang phấn đấu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát triển ngành CNHT được xem là một trong những hướng đi chủ đạo. Đây cũng là bài toán căn cơ để giải quyết tình trạng nhập siêu, đồng thời tạo ra sức hút đầu tư quốc tế. Vì thế, việc xem xét sửa đổi chính sách để giúp doanh nghiệp có cơ hội đầu tư hiệu quả vào ngành CNHT là yêu cầu cấp thiết được đặt ra.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm từ các nước đã đi trước cũng như thực tế phát triển CNHT thời gian qua, cần có sự thay đổi về tư duy khi xây dựng chính sách cho CNHT. Cơ chế ưu đãi phải thực sự thu hút và có tính khả thi khi thực hiện, không chỉ là ưu đãi trên giấy như vừa qua.

Vấn đề đặt ra lúc này là cần xác định phát triển CNHT theo mô hình thượng nguồn, gồm cơ khí chế tạo chi tiết; sản xuất linh kiện điện tử; linh kiện đồ nhựa; sản phẩm hóa chất... Với mô hình này, sản phẩm CNHT đáp ứng cho nhiều ngành nghề, từ đó tiết kiệm chi phí sản xuất và tập trung được nguồn lực đầu tư. Bên cạnh đó, cần tạo ra được các cụm tổ hợp CNHT để tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho nhau, qua đó áp dụng chính sách của Nhà nước một cách trực tiếp và thống nhất. Đây cũng là cách giúp CNHT Việt Nam đổi mới phương thức đầu tư và sản xuất theo chuỗi giá trị để phát triển bền vững.

Sắp tới Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) sẽ trình Chính phủ kế hoạch xây dựng các cụm liên kết ngành đối với một số sản phẩm chủ lực quốc gia có lợi thế để xuất khẩu nhằm nâng cao giá trị gia tăng. Trong đó, ưu tiên những doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia các cụm liên kết ngành, doanh nghiệp cung cấp sản phẩm tham gia chuỗi liên kết sản phẩm trong và ngoài nước.

Nhiều chuyên gia cho rằng dự thảo nghị định về phát triển CNHT Bộ Công Thương đang xây dựng nên có sự liên kết chính sách với kế hoạch Bộ KH-ĐT để có sự thống nhất, đồng bộ khi triển khai. Về phía doanh nghiệp, để phát triển CNHT không chỉ dừng ở việc cung cấp sản phẩm đối với thị trường nội địa, cần có tầm nhìn xa hơn. Chẳng hạn, phải xác định từ đầu về việc cung cấp sản phẩm vào chuỗi giá trị toàn cầu. Có vậy, phát triển CNHT mới có sự bền vững lâu dài.

Các tin khác