Thao thức cùng đất nước

Những ngày này, nhân kỷ niệm 89 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 – 21-6-2014), những người làm báo SGGP - Đầu tư Tài chính như nhân đôi niềm vui khi loạt bài về cuộc hội thảo “Hỗ trợ ngư dân phát triển kinh tế biển” của bản báo được Hội Nhà báo TPHCM trao giải nhất giải báo chí năm nay về thể loại xã luận, bình luận, chính luận. Loạt bài “Thư xuân gửi biển đảo” cũng nhận giải nhất nhóm Công trình tập thể.

Những ngày này, nhân kỷ niệm 89 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 – 21-6-2014), những người làm báo SGGP - Đầu tư Tài chính như nhân đôi niềm vui khi loạt bài về cuộc hội thảo “Hỗ trợ ngư dân phát triển kinh tế biển” của bản báo được Hội Nhà báo TPHCM trao giải nhất giải báo chí năm nay về thể loại xã luận, bình luận, chính luận. Loạt bài “Thư xuân gửi biển đảo” cũng nhận giải nhất nhóm Công trình tập thể.

Trước đó, tại lễ tổng kết cuộc thi Phóng sự ảnh báo chí “Những khoảnh khắc của cuộc sống” do báo SGGP và Hội Nhà báo TPHCM tổ chức, tác phẩm “Sức sống Trường Sa” cũng nhận giải nhất.

Mẫu số chung của các tác phẩm này là các nhà báo đã không ngại gian khổ xông xáo đi vào cuộc sống, phát hiện các vấn đề nảy sinh, có những tác phẩm đặc sắc mang tính thời sự chủ lưu của đất nước, là bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc thiêng liêng; góp sức cùng lực lượng chức năng và ngư dân giữ gìn biển đảo, cương thổ quốc gia.

Loạt bài “Hỗ trợ ngư dân phát triển kinh tế biển” (tháng 12-2013) nêu các tồn tại ngành đánh bắt hải sản nước ta trước vụ Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép và dùng tàu thuyền vây ép ngư dân ta. Ngoài việc phản ánh ngư dân phần lớn là đối tượng nghèo, mưu sinh vất vả gian khổ, đối đầu hiểm nguy, tại cuộc hội thảo do báo tổ chức sau đó, nhiều đại biểu đã nêu lên những bất cập trong chính sách hiện nay: Việc vay vốn phát triển kinh tế biển chưa sát thực tế, ngư dân chỉ được vay 50-200 triệu đồng để đóng tàu, mua ngư lưới cụ, trang thiết bị đánh bắt hải sản... theo cơ chế cho vay thương mại nên vốn giải ngân rất hạn chế, ngư dân thiếu vốn hoán cải tàu thuyền đánh bắt ngư trường xa...

Kết quả hội thảo đã được báo cáo các lãnh đạo Trung ương. Và tại phiên họp thường kỳ tháng 2-2014, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các ngành chức năng phải hỗ trợ đủ vốn để ngư dân sản xuất, có chính sách mới hỗ trợ ngư dân đóng tàu công suất lớn bám biển dài ngày, có thể đương đầu với các biến cố trên biển.

Cụ thể hơn, sau khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng lãnh hải nước ta, chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu sắt đã được triển khai mạnh mẽ với nguồn vốn ưu đãi đầu tư lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng...

Các minh chứng trên cho thấy trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực có những diễn biến phức tạp, kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, các nhà báo đã nỗ lực dấn thân, phát hiện kịp thời nhiều vấn đề để phản ánh, đề xuất các giải pháp thiết thực nâng cao quốc kế dân sinh, góp phần ổn định xã hội.

Thực tế, báo chí trong xã hội ta là cơ quan ngôn luận của các tổ chức Đảng và xã hội, cơ quan nhà nước, đồng thời là diễn đàn của Nhân dân. Do đó, chức năng của báo chí là đi sâu thông tin nhanh nhạy mọi diễn biến đời sống chính trị, kinh tế, xã hội đất nước, đồng thời ghi nhận hiệu quả thực tế sự vận hành các chủ trương, chính sách trong cuộc sống; tham gia có hiệu quả chống lại cái xấu, cái ác trong xã hội, các hành vi tham ô, nhũng nhiễu trong bộ máy công quyền; đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái của các thế lực xấu; đảm bảo thông tin chính xác, kịp thời để định hướng dư luận xã hội.

Tính đến đầu năm nay, cả nước có 838 cơ quan báo in; 92 báo, tạp chí điện tử; 265 trang thông tin điện tử tổng hợp; 67 đài phát thanh, truyền hình. Có thể nói đây là lực lượng truyền thông hùng hậu, phát triển vượt bậc so với trước, đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng và thụ hưởng văn hóa - giải trí của Nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh các thành quả đạt được, xu hướng thông tin không đúng với tôn chỉ, mục đích và đối tượng phục vụ trong giấy phép được cấp cho các cơ quan báo chí trở nên phổ biến. Tình trạng đưa tin quá nhiều về các vụ án, các hành vi tội ác, trái thuần phong mỹ tục đã gây cảm giác nặng nề, u ám, thậm chí gây tâm lý hoang mang trong đời sống xã hội.

Dạng thông tin sai sự thật, đưa tin thiếu kiểm chứng, xúc phạm uy tín của tổ chức, nhân phẩm công dân cũng bùng phát, nhất là trên các báo điện tử, các trang mạng xã hội. Nguyên nhân do việc xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí chưa kịp thời, thiếu kiên quyết hoặc chưa nghiêm; một số cơ quan báo chạy theo lợi nhuận, dễ dãi đối với phóng viên, nhất là trong bối cảnh kinh tế báo chí có nhiều khó khăn...

Dù còn nhiều vấn đề phải rút kinh nghiệm, chấn chỉnh nhưng thực tế báo chí nước nhà hiện nay vẫn là kênh thông tin chính thống hàng ngày, hàng giờ tiếp cận đại chúng, được người dân tin cậy. Chỉ tính từ tháng 5 đến nay, dòng thông tin chủ lưu trên các báo là tình hình Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng lãnh hải nước ta.

Hàng chục lượt phóng viên, lãnh đạo cơ quan báo chí đã không ngại gian khổ, hiểm nguy đi thực địa, nắm bắt tình hình, có những bài báo chân thực, giá trị phản ánh kịp thời trên các phương tiện truyền thông. Ngoài đề cao tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, báo chí đã góp phần đấu tranh không khoan nhượng các hành vi vi phạm chủ quyền đối với vùng biển đảo, thềm lục địa Việt Nam; phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc về chủ quyền biển đảo nước ta; làm cho bạn bè và dư luận quốc tế hiểu rõ lập trường chính nghĩa của Việt Nam.

Có thể nói các nhà báo đã thao thức cùng đất nước, gắn bó với vận mệnh Tổ quốc, trở thành những chiến sĩ xuất sắc trong binh chủng “thông tin - truyền thông”, góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Những ngày này, với trách nhiệm nặng nề xã hội giao phó và sự kỳ vọng, tin tưởng của Nhân dân, những người làm báo ắt hẳn phải tự vấn, nhớ lại lời phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại lễ tổng kết và trao giải báo chí Quốc gia 2013: “Những người làm báo phải luôn tu dưỡng, rèn luyện để không chỉ giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, nhanh nhạy tiếp cận với thông tin mới, công nghệ làm báo mới, mà còn phải có phẩm chất tốt đẹp, bản lĩnh chính trị vững vàng, nhạy cảm và tỉnh táo trong xử lý thông tin và đưa thông tin.

Mọi thông tin trên báo chí phải xuất phát từ cái tâm trong sáng của nhà báo cách mạng Việt Nam, tất cả vì lợi ích của quốc gia dân tộc, vì quyền lợi chính đáng của người dân và phải nhằm tạo nên sự đồng thuận cao trong xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Các tin khác