Tháo gỡ ma trận hành chính

Trong các phiên họp thường kỳ từ đầu năm đến nay của Chính phủ, yêu cầu đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn ngân sách cho xây dựng cơ bản để kích thích đầu tư, thúc đẩy tăng tổng cầu liên tiếp được đề cập tới. Thực tế đến nay dù lãi suất ngân hàng đã giảm khá mạnh nhưng tín dụng tăng rất chậm do cầu đầu tư, cầu tiêu dùng vẫn quá yếu. Trong vòng luẩn quẩn đó, chỉ có tăng tốc giải ngân vốn đầu tư mới là hướng đi có ý nghĩa kích thích tăng trưởng.

Trong các phiên họp thường kỳ từ đầu năm đến nay của Chính phủ, yêu cầu đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn ngân sách cho xây dựng cơ bản để kích thích đầu tư, thúc đẩy tăng tổng cầu liên tiếp được đề cập tới. Thực tế đến nay dù lãi suất ngân hàng đã giảm khá mạnh nhưng tín dụng tăng rất chậm do cầu đầu tư, cầu tiêu dùng vẫn quá yếu. Trong vòng luẩn quẩn đó, chỉ có tăng tốc giải ngân vốn đầu tư mới là hướng đi có ý nghĩa kích thích tăng trưởng.

Đây là vấn đề đã được báo ĐTTC nhiều lần nêu ra. Thế nhưng, theo số liệu của Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 7, lượng vốn đang tồn ở Kho bạc Nhà nước lên tới 90.000 tỷ đồng, trong khi nhiều dự án đầu tư đang đói vốn, nhất là vốn đối ứng tại các dự án ODA.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn thừa nhận, mức độ tồn ngân như trên cao hơn mức bình thường khoảng 15-16%. Nguyên nhân chính do đà dự toán thu ngân sách khá, đạt 63,3% so với dự toán, nhưng chi chỉ đạt 59%, trong đó chi đầu tư cũng đạt khoảng 57%.

 Một nguyên nhân khác khiến giải ngân nguồn vốn ngân sách chậm, theo lãnh đạo Bộ Tài chính, là do giải phóng mặt bằng tại các dự án đầu tư quá chậm. Thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng, đấu thầu vẫn còn kéo dài so với thời gian quy định, cũng như so với yêu cầu cải cách.

Tại phiên họp thường kỳ tháng 7 của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý: “Có một điều nổi lên là nếu chúng ta phấn đấu không quyết liệt sẽ khó đạt được tăng trưởng 5,8% cho cả năm 2014”. Nhìn vào tình hình vĩ mô hiện nay, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản để thúc đẩy tổng cầu vẫn là một trong những giải pháp chính. Tuy nhiên, theo như lý giải của lãnh đạo Bộ Tài chính, có vẻ khó khăn vẫn đang đè lên quyết tâm. Đây là vấn đề cần có sự thay đổi trong bối cảnh Chính phủ kiên quyết giữ nguyên các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội năm nay.

Thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng, dự án, đấu thầu vẫn còn kéo dài so với thời gian quy định, vậy vì mục tiêu lớn nhất của Chính phủ, thủ tục giải ngân có cải cách được không? Nhiều ý kiến cho rằng với quyết tâm cao hơn chắc chắn nút thắt này sẽ được tháo gỡ. Nhìn sang một lĩnh vực khác cũng của ngành tài chính là thuế và hải quan, yêu cầu cắt giảm 50% thủ tục và thời gian nộp thuế, thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu theo Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh cũng được cho là quá cao. Tuy nhiên, khi đích thân Thủ tướng tới làm việc với ngành thuế, hải quan và đưa ra chỉ đạo quyết liệt về vấn đề này, hướng tháo gỡ đã được đưa ra. Tại phiên họp thường kỳ tháng 7 của Chính phủ, Bộ Tài chính đã trình các giải pháp nhằm giảm hơn 50% số giờ nộp thuế và số lần nộp thuế của doanh nghiệp. Còn nhớ, khi chỉ đạo về vấn đề này, Thủ tướng đã nhắc nhở đây là những giải pháp trong tầm tay và nếu giảm sớm hơn sẽ đỡ biết bao nhiêu khó khăn, phiền hà, tốn kém cho người dân và doanh nghiệp.

Tương tự như vậy, giải pháp giảm thủ tục hành chính để tăng tốc giải ngân vốn đầu tư có phải là giải pháp trong tầm tay hay không, lãnh đạo ngành tài chính cần sớm có câu trả lời. Đừng để một chỉ đạo xuyên suốt từ đầu năm của Chính phủ được trả lời bằng nghịch lý “thừa tiền, đói vốn” như hiện nay. Câu hỏi của người đứng đầu Chính phủ “tại sao không làm sớm hơn”, chính là một lời nhắc nhở nghiêm khắc với các cơ quan chức năng, rằng phải luôn luôn trăn trở với những khó khăn của nền kinh tế để chủ động tìm cách hóa giải, đừng phải đợi sự đốc thúc từ cấp trên.

Các tin khác