Tham vọng công nghiệp hỗ trợ

Theo đó, quy hoạch đề ra mục tiêu chung xây dựng và phát triển CNHT đảm bảo thực hiện mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp, với sản phẩm CNHT có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng nội địa và xuất khẩu 25% giá trị sản xuất công nghiệp. Đến năm 2030, sản phẩm CNHT đáp ứng được 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng nội địa.
 

Phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện đổi mới cơ cấu đầu tư, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế. Mới đây, Bộ Công Thương đã chính thức phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển CNHT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đó, quy hoạch đề ra mục tiêu chung xây dựng và phát triển CNHT đảm bảo thực hiện mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp, với sản phẩm CNHT có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng nội địa và xuất khẩu 25% giá trị sản xuất công nghiệp. Đến năm 2030, sản phẩm CNHT đáp ứng được 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng nội địa.

Cũng theo quy hoạch trên, đến năm 2020 Việt Nam có khoảng 1.000 doanh nghiệp (DN) CNHT đủ năng lực cung ứng cho các DN lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam; đến năm 2030 phấn đấu đạt 2.000 DN.

Về giá trị sản xuất công nghiệp, đến năm 2020 giá trị sản xuất của CNHT chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; đến năm 2030 tăng lên 14%. Mục tiêu phát triển CNHT tập trung 3 lĩnh vực chủ yếu: linh kiện phụ tùng, dệt may - da giày và công nghệ cao. Quy hoạch cũng đưa ra các giải pháp và chính sách phát triển. Cụ thể, hoàn thiện cơ chế chính sách, đẩy mạnh thu hút đầu tư; phát triển khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực cho CNHT.

Có thể thấy, Bộ Công Thương đã thể hiện rõ tham vọng phát triển ngành CNHT. Song để thực hiện được những mục tiêu trong quy hoạch cần phải làm rất nhiều việc. Bởi từ nay đến năm 2020 chỉ còn khoảng hơn 5 năm, trong khi ngành CNHT nước ta đến thời điểm này vẫn còn ngổn ngang. Liệu khoảng thời gian ngắn ngủi ấy có đủ để thực hiện mục tiêu có 1.000 DN đủ năng lực cung ứng cho các DN lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.

Thực tế từ nhiều năm qua, Chính phủ đã ban hành một số chính sách ưu đãi đối với ngành CNHT (Quyết định 12/2011/QĐ-TTg ngày 24-2-2011 về chính sách phát triển một số ngành CNHT; Quyết định 1483/QĐ-TTg ngày 26-8-2011 ban hành Danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển...). Mới đây nhất, ngày 9-10 vừa qua, Văn phòng Chính phủ ra Thông báo 404/TB-VPCP ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp về cơ chế, chính sách phát triển CNHT và Khu CNHT Nam Hà Nội.

Theo đó, để khuyến khích đầu tư phát triển hạ tầng và thu hút đầu tư sản xuất sản phẩm CNHT, Khu CNHT Nam Hà Nội, 3 phân khu CNHT tỉnh Đồng Nai và 2 khu công nghiệp chuyên sâu về cơ khí chế tạo và công nghiệp điện tử tại Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu được phép áp dụng một số cơ chế, như được giao đất, cho thuê đất trong thời hạn không quá 70 năm; được miễn tiền thuê đất đến 20 năm kể từ ngày hoàn thành xây dựng, đưa dự án vào hoạt động; được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án, bao gồm các loại hàng hóa theo quy định tại các điểm a, b, c, d và đ Khoản 6 Điều 12 Nghị định 87/2010/NĐ-CP ngày 13-8-2010 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu.

Bên cạnh đó, các dự án sản xuất sản phẩm CNHT trợ ưu tiên phát triển theo quy định được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án (các loại hàng hóa nói trên). Các chính sách ưu đãi về thời gian thuê lại đất; miễn và giảm thuế thu nhập DN; miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu phục vụ sản xuất sẽ được xem xét, cho phép áp dụng đối với từng dự án đầu tư cụ thể.

Những động thái trên cho thấy Chính phủ cũng đang rất sốt ruột về thực trạng ngành CNHT hiện nay, nên đã đưa ra những chính sách ưu đãi, khuyến khích và hỗ trợ ngành CNHT. Song thực tế câu chuyện phát triển ngành CNHT Việt Nam vốn đã được nói đến từ rất lâu. Song cho đến nay vẫn chưa có gì sáng sủa. Rất nhiều hội thảo, hội nghị lấy ý kiến từ Trung ương đến địa phương được tổ chức nhằm tìm ra giải pháp thúc đẩy phát triển ngành CNHT.

Nói như thế không có nghĩa chúng ta không thể thực hiện, bởi đây là một ngành hết sức quan trọng dù muộn vẫn phải phát triển. Hy vọng quy hoạch này sẽ thu hút được sự chung tay và vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, chuyên gia và DN, để mục tiêu và tham vọng phát triển ngành CNHT nước ta sớm thành hiện thực.

Tuy nhiên, trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, các nước công nghiệp hóa đi sau như Việt Nam có thể và không cần phát triển đồng bộ các ngành công nghiệp. Mỗi quốc gia cần dựa trên lợi thế so sánh của đất nước để lựa chọn ngành, sản phẩm ưu tiên, tập trung nguồn lực phát triển để nhanh chóng đạt đến quy mô cần thiết tạo ra giá trị sản phẩm lớn thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Việc xây dựng một chiến lược phát triển ngành đúng đắn, khả thi sẽ quyết định sự thành công của ngành CNHT trong nước.

Các tin khác