Thách thức thời đại số hóa

(ĐTTCO) - Đồng hành cùng công cuộc đổi mới, báo chí nước ta nói chung, TPHCM nói riêng đã có nhiều đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, tăng hoa chúc mừng báo SGGP nhân kỷ niệm 93 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Ảnh: VIệt Dũng
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, tăng hoa chúc mừng báo SGGP nhân kỷ niệm 93 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Ảnh: VIệt Dũng
 Báo chí cần tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, các tiêu cực, tệ nạn xã hội với tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao. Song song đó, báo chí cũng phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, góp phần tăng thêm niềm tin của nhân dân vào sự nghiệp đổi mới và tương lai của đất nước.
Thời gian qua, lực lượng báo chí và xuất bản thành phố đã tuyên truyền hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết 54, đồng hành, cùng làm rõ vấn đề cơ chế này, tạo điều kiện để thành phố phát triển mạnh hơn, đóng góp nhiều hơn cho cả nước. “Báo chí sáng tạo” sẽ góp phần quan trọng cho xây dựng “Thành phố sáng tạo”.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM NGUYỄN THIỆN NHÂN
(Trích phát biểu tại tọa đàm “Báo chí - Xuất bản sáng tạo, đồng hành cùng thành phố, vì cả nước” trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội diễn ra sáng 19-6-2018)
Vươn lên mạnh mẽ thực hiện tốt chức năng vừa là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, vừa là diễn đàn của nhân dân; kịp thời thông tin, cổ vũ các phong trào, các điển hình tiên tiến trong công cuộc xây dựng đất nước, vừa phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân.
Phần lớn đội ngũ những người làm báo đã thể hiện phẩm chất đạo đức trong sáng hoạt động nghề nghiệp; khẳng định thành quả của công cuộc đổi mới; đồng thời tham gia tích cực cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, xa rời dân, làm khó doanh nghiệp; góp phần tích cực trong việc xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.
Đó là mặt tích cực nổi rõ của giới báo chí nói chung, nhưng trong bối cảnh bùng nổ kỷ nguyên kỹ thuật số, người làm báo cũng đang đứng trước nhiều thách thức. Ngày nay báo chí truyền thống không còn độc quyền trong việc cung cấp thông tin.
Bạn đọc, người dân cùng một lúc tiếp cận, chọn lựa nhiều loại hình tiếp nhận thông tin cho mình, từ báo chí chính thống đến internet, mạng xã hội; đồng thời trở thành nguồn phát tin, bình luận chỉ bằng một công cụ 3-4 trong 1, như điện thoại di động, máy ảnh kỹ thuật số, ipad… Công dân-nhà báo và truyền thông xã hội hình thành từ đây, có xu hướng đánh bạt thông tin báo chí chính thống.
Ưu điểm của truyền thông kỹ thuật số với những tính năng vượt trội trong việc lan tỏa thông tin đã làm cuộc sống chung quanh ta và thế giới xích lại gần nhau, giúp mọi giới nắm bắt các diễn biến diễn ra từng giờ, từng phút trên toàn cầu bằng việc nghe, nhìn, đọc với các phương tiện đơn giản mọi lúc mọi nơi. Bạn đọc bây giờ không còn phải trông chờ vào kỳ phát hành báo, giờ điểm tin như trước đây. Điều này đã làm thay đổi quy trình tác nghiệp của báo chí và xuất bản thông tin.
Truyền thông chính thống (mainstream media) với các thông tin mang tính chất ban phát độc tôn, chậm chạp, không toàn diện, thiếu nhận định… mất dần vị trí trước sức ép của truyền thông xã hội (social media). Với truyền thông xã hội, bất cứ ai cũng có thể trở thành nguồn phát tin, thể hiện qua mạng cá nhân hoặc tập thể (truyền thông nhóm) làm người tiếp nhận thông tin và xác định tính chân thực, tin  cậy trở nên khó khăn hơn.
Mạng xã hội ngày càng phát triển đã đưa báo chí chính thống vào cuộc đua khốc liệt trong việc cạnh tranh đưa thông tin nhanh. Ngoài ưu điểm và lợi ích nêu trên, mặt tiêu cực và hệ lụy của kỷ nguyên số lại là nơi phát tán các thông tin không chính xác, sai sự thật, thông tin vô bổ hoặc thiếu kiểm chứng. Đó là chưa kể thông tin bịa tạc, dựng đứng thiếu căn cứ, đưa ra các vấn đề “nhạy cảm” về tổ chức, đời tư cá nhân mang tính bôi bác, đả phá… vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Tác hại của việc này rất lớn, nhưng loại tin trên lại lan truyền với tốc độ chóng mặt, gây bất an xã hội, tô vẽ cuộc sống tối tăm.
Điều đáng lo là trước sức ép cạnh tranh về tốc độ đưa tin, một số cơ quan báo và nhà báo đang bị cuốn hút vào cuộc đua này. Không thể phủ nhận mạng xã hội với nguồn thông tin đa dạng, bao phủ khắp nơi là công cụ để báo chí khai thác, phát hiện nhiều vấn đề nóng bạn đọc quan tâm, triển khai các đề tài thích hợp đáp ứng nhu cầu bạn đọc.
Tuy nhiên, điểm “chết người” hiện nay là việc săn tin, đưa tin theo mạng xã hội một cách thiếu kiểm chứng, làm nảy sinh thuật ngữ “làm báo facebook” – nhất là với những người làm báo trẻ mới vào nghề, đang gây rối loạn thông tin. Hiện tượng quay cóp, cắt dán, phát tán thông tin xấu trở nên phổ biến. Hầu như một sự việc gì xảy ra ở đâu, chỉ cần một mạng điện tử đưa tin trước, sau đó các nguồn phát tin khác đều đăng tải với nội dung rất giống nhau. Điều đáng nói là những thông tin không chỉ giới hạn trên mạng xã hội, mà đã trở thành những bản tin được đăng trên báo chí có sự kiểm duyệt, các kênh truyền hình uy tín.
Không thiếu các thí dụ về tin tức không chân thực, thiếu kiểm chứng đăng tải trên các phương tiện truyền thông nước ta, mà hội chứng dễ nhìn nhận nhất là tình trạng “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”.
Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2018 mới đây, Hội Nhà báo Việt Nam đã nhìn nhận những đóng góp to lớn của báo chí nước ta trong hoạt động nghề nghiệp, nhưng cũng chỉ ra các biểu hiện tiêu cực ngày càng phức tạp và rất đáng lo ngại: Tình trạng báo chí bị thương mại hóa không những chưa bị ngăn chặn, đẩy lùi mà có xu hướng nghiêm trọng hơn, như thông tin sai sự thật, thổi phồng hoặc bóp méo sự thật vì mục đích không trong sáng; đăng tải nhiều hình ảnh, bài viết giật gân câu khách, thiếu văn hóa, nhân văn và phản giáo dục. Một số cơ quan báo chí và nhà báo lạm quyền, lợi dụng công việc để vụ lợi và làm trái pháp luật... 
Điều này đã tác động xấu đến vai trò, uy tín của báo chí trong đời sống xã hội, làm suy giảm lòng tin của công chúng, làm tổn hại lợi ích của đất nước và cộng đồng... Nhân kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2018), vấn đề người dân quan tâm, đòi hỏi ở trách nhiệm người làm báo là phải trở lại vấn đề căn cốt của báo chí: trung thực trong thông tin. Bất cứ tờ báo nào cũng phải bảo đảm quy trình xuất bản từ phóng viên đến biên tập viên, thư ký tòa soạn, Ban Biên tập - Tổng Biên tập.
Cần rà soát nguồn mạch của thông tin, thẩm định kỹ, tránh tình trạng cạnh tranh đưa tin nhanh để câu view, hoặc tệ hơn là lợi ích riêng, lợi ích nhóm của nhà báo, tờ báo để đưa tin sai, bộc lộ ý đồ cá nhân. Việc kiểm soát của Ban biên tập chặt chẽ sẽ tránh được tình trạng bôi đen, tô hồng, dựng chuyện không có thật, độc hại… trên mặt báo.
Sự chuyên nghiệp trong thông tin và trách nhiệm công dân của nhà báo là điểm khác biệt của báo chí chính thống với mạng truyền thông. Để có thông tin nhanh, chuẩn xác nhà báo và cơ quan báo cần phải kiểm chứng, xác minh độ chân thực trước khi phát tin. Vì vậy, nhà báo ngoài việc nằm lòng “10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam”, rất cần sự phối hợp, chia sẻ thông tin của cơ quan, cá nhân có liên quan trong tin bài được đề cập.
Điều đáng nói là “cửa” này hiện nay vẫn chưa rộng mở, đợi đến khi người có trách nhiệm phát ngôn của cơ quan này lên tiếng thì vấn đề đã trở nên nguội lạnh hoặc mạng truyền thông tự do, không bị kiểm soát đã đi rất xa, phát tán nguồn tin chưa kiểm chứng rộng rãi ra xã hội. Báo chính thống vô hình trung đã bị tước mất “vũ khí” nhạy bén, kịp thời của mình. 
Một điều chắc chắn rằng mạng xã hội trong tương lai gần vẫn không thể thay thế báo chí chính thống, vì vậy công chúng vẫn luôn cần những tác phẩm báo chí chất lượng, khả tín, định hướng dư luận… chứ không chỉ là những bài viết chỉ để thỏa mãn trí tò mò và hiếu kỳ giật gân, câu khách. Công chúng luôn đòi hỏi người làm báo có trách nhiệm, đưa thông tin hữu ích và chuẩn xác, cũng là đòi hỏi đạo đức người làm báo phải được rèn luyện, xem trọng lợi ích xã hội hơn cá nhân mình.

Các tin khác