Thách thức thế giới bất định, khó lường

(ĐTTCO) - Tại cuộc họp của Chính phủ điểm lại tình hình kinh tế-xã hội quý I-2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu những điểm nổi bật và những tồn tại, bất cập cần khắc phục trong thời gian tới.
Thách thức thế giới bất định, khó lường
Điểm nổi bật là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, tăng trưởng tín dụng cao, khu vực dịch vụ và nông nghiệp có mức tăng trưởng khá, số doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục tăng nhanh... Tuy nhiên, tại phiên họp này, người đứng đầu Chính phủ cũng bày tỏ sự lo lắng: GDP quý I chỉ đạt 5,1%, là thấp; giải ngân vốn đầu tư công chậm; cổ phần hóa doanh nghiệp chậm; chưa có doanh nghiệp lớn bán vốn, thoái vốn đạt yêu cầu; nguồn vốn đầu tư xã hội còn thấp...

Trước dự báo của các chuyên gia trong nước và các tổ chức quốc tế, GDP năm nay sẽ đạt thấp hơn so với mục tiêu đề ra 6,7%, Chính phủ không đặt vấn đề hạ thấp chỉ tiêu tăng trưởng, mà “cố gắng thúc đẩy tăng trưởng và kiềm chế lạm phát, mới bảo đảm các cân đối vĩ mô như ngân sách nhà nước, nợ công, đầu tư, giải quyết việc làm và thu nhập, đời sống của người dân”.

Thủ tướng cho rằng mục tiêu này phải là quyết tâm chính trị; cần tìm ra giải pháp căn cơ, linh hoạt thúc đẩy phát triển từng ngành hàng, từng lĩnh vực mới khắc phục được tình trạng tăng trưởng chậm trong quý I.

Để thúc đẩy kinh tế phát triển, điều cấp bách lúc này là phải có giải pháp phù hợp kích cầu tiêu dùng và cầu đầu tư; phân bổ vốn hợp lý xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ hỗ trợ sản xuất; đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp; tăng khả năng cạnh tranh của hàng trong nước với hàng nhập khẩu đang đổ ào ạt vào thị trường Việt Nam...

Đây là những việc khó, nhưng không làm được thì vị thế và khả năng phát triển của Việt Nam vẫn đối mặt với những bất trắc, cản ngại khôn lường - điều thể hiện rõ nhất là sự vỡ trận, thua thiệt của các sản phẩm nông nghiệp, hàng tiêu dùng nước ta hiện nay.

Ta không chỉ đối mặt với những yếu kém nội tại, mà bối cảnh thế giới bất định cũng tạo ra nhiều thử thách khó lường. Sau việc xóa bỏ Hiệp định TPP, nếu Tổng thống D.Trump vẫn thực hiện các cam kết với cử tri, như bảo hộ sản xuất trong nước, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trở về Hoa Kỳ, dựng hàng rào thuế quan cao hàng nhập khẩu các nước... thì các nước thuộc loại yếu thế vùng châu Á-Thái Bình Dương sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.

“Quả đắng” không dừng lại ở đó. Hiện nay thế giới đang mạnh mẽ bước vào cuộc cách mạng 4.0, là sự tích hợp cao độ của hệ thống kết nối số, vật lý, ảo và thực...

Có khả năng sẽ làm thay đổi nền sản xuất thế giới, tác động mạnh mẽ vị thế từng quốc gia. Thế giới sẽ bước vào thời đại tăng trưởng chủ yếu dựa vào công nghệ và sáng tạo; những ngành nghề gắn với lao động giản đơn, giá rẻ sẽ không còn ưu thế, do dễ thay thế bởi robot.

Một số chuyên gia dự báo, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ khiến 75% lao động ngành điện tử, 86% lao động dệt may có nguy cơ thất nghiệp.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần 2, lần 3 ta chưa theo kịp, nay lại đối mặt cuộc cách mạng 4.0 với thách thức lớn hơn, bởi sẽ dẫn đến sự tụt hậu lớn hơn, tác động mạnh mẽ tới nền tảng kinh tế-xã hội những quốc gia yếu thế. Muốn tránh được điều đó, đòi hỏi phải có tầm nhìn, tư duy chiến lược vượt trội.

Trong cuộc cách mạng này không thể vận dụng bài học “đi tắt đón đầu”, cũng không bằng sự hô hào quyết tâm, vì trí tuệ con người, năng lực sáng tạo đóng vai trò quan trọng và quyết định. Vậy việc đào tạo đội ngũ tri thức, nguồn nhân lực mới; xây dựng hệ sinh thái sáng tạo, khởi nghiệp bằng ý tưởng độc đáo... ta đã chuẩn bị đến đâu?

Doanh nghiệp Việt Nam có truyền thống đối đầu với thách thức, nghịch cảnh nhưng đòi hỏi môi trường kinh doanh minh bạch, được tôn trọng và bảo vệ.

Thực tế thời gian qua quyết tâm cải cách của Chính phủ vẫn chưa đến các cấp thực thi. Hệ lụy là doanh nghiệp vẫn tiếp tục than phiền về thủ tục hành chính, tiếp cận vốn và đất đai, vấn nạn thanh tra và kiểm tra, chi phí không chính thức lớn, sự bất bình đẳng trong phân bổ nguồn lực quốc gia giữa doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, cơ chế xin-cho và “quan hệ thân hữu”...

Để thúc đẩy doanh nghiệp nước nhà lớn mạnh và đối đầu được với các thách thức nội tại và môi trường thế giới chuyển biến khó lường, trách nhiệm của Nhà nước và bộ máy viên chức các cơ quan thực thi là vô cùng quan trọng, nếu không nói là tiên đề của công cuộc phát triển, chấn hưng đất nước.

***

Nhân lễ lớn Kỷ niệm 42 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2017), cũng là dịp báo SGGP Đầu tư Tài chính tròn 10 tuổi (tháng 4-2007 – 4-2017).

Với tiêu chí tờ báo “Bạn đồng hành, nhà tư vấn của giới đầu tư, kinh doanh”, thời gian qua toàn thể đội ngũ bản báo không ngừng nỗ lực phấn đấu, đưa đến bạn đọc những thông tin kịp thời, bổ ích; hỗ trợ doanh nghiệp một cách thiết thực bằng cách thông tin về các chủ trương, chính sách mới của Nhà nước, cũng như việc vận hành trong thực tế nếu có bất cập, có nhiều khoảng cách so với mục tiêu đề ra; đăng tải nhiều ý kiến kiến nghị, phản biện tâm huyết, có trách nhiệm của chuyên gia, lãnh đạo các ngành, các giới để xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng hơn...

Để doanh nghiệp nước nhà lớn lên, vững mạnh và tương hợp trong bối cảnh thế giới bất định và đầy biến động, không gì khác hơn là gỡ bỏ các rào cản bất hợp lý, tạo dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch; bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, nhà đầu tư theo quy định pháp luật và được làm những gì pháp luật không cấm...

Đó cũng là mục tiêu hướng đến của báo SGGP Đầu tư Tài chính nhân dịp sinh nhật của mình. Nhân ngày lễ lớn của đất nước, Ban Biên tập kính chúc bạn đọc, các doanh nghiệp hạnh phúc, may mắn, vươn lên đạt được nhiều thắng lợi mới.

Các tin khác