Thách thức mục tiêu GDP 6,7%

(ĐTTCO) - Trình bày báo cáo tình hình kinh tế xã hội quý I-2017, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nhận định với mức tăng trưởng GDP đạt 5,1% trong quý I, mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,7% là thách thức lớn với nền kinh tế. Với vai trò của cơ quan tính toán số liệu thống kê, cơ quan này đã có những phương án để Bộ KH-ĐT tư vấn cho Chính phủ trong kỳ họp tháng 3 sắp tới nhằm kiến nghị giải pháp kịp thời để đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra và kiềm chế lạm phát ở ngưỡng khoảng 4% trong năm nay.

(ĐTTCO) - Trình bày báo cáo tình hình kinh tế xã hội quý I-2017, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nhận định với mức tăng trưởng GDP đạt 5,1% trong quý I, mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,7% là thách thức lớn với nền kinh tế.
Với vai trò của cơ quan tính toán số liệu thống kê, cơ quan này đã có những phương án để Bộ KH-ĐT tư vấn cho Chính phủ trong kỳ họp tháng 3 sắp tới nhằm kiến nghị giải pháp kịp thời để đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra và kiềm chế lạm phát ở ngưỡng khoảng 4% trong năm nay.

Lý giải về con số tăng trưởng GDP thấp trong quý I, Tổng cục Thống kê cho biết tình hình kinh tế thế giới trong quý I-2017 có xu hướng tăng trưởng tích cực hơn. Thống kế 20 nền kinh tế hàng đầu trong quý này, có 11 nước đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn và 9 nước có tăng trưởng bằng và thấp hơn cùng kỳ năm trước. Điều đó nói lên rằng tăng trưởng 5,1% của Việt Nam trong quý I nằm trong xu thế tăng trưởng không đồng đều của kinh tế thế giới.

Có 3 nguyên nhân khiến nền kinh tế tăng trưởng thấp hơn 2016. Thứ nhất, khô hạn, xâm nhập mặn 2016 tiếp tục ảnh hưởng kết quả trồng trọt quý I năm nay và lúa đông xuân của vùng ĐBSCL bị giảm mạnh. Trong đó, lúa mùa giảm diện tích 55.000ha, lúa đông xuân giảm 17.000ha, tính chung cả 2 vụ này làm cho trồng trọt lúa quý I giảm 72.000ha. Diện tích lúa giảm kéo theo sản lượng lúa quý I giảm so với quý I-2016 hơn 330.000 tấn, dẫn đến kết quả trồng trọt chung giảm khoảng 4%.

Thứ hai, ngành công nghiệp có tăng trưởng thấp, giảm so với cùng kỳ năm 2016. Như tăng trưởng công nghiệp chế biến chế tạo trong quý I tăng khoảng 8,3%, so với quý I-2016 tăng trưởng 8,9%. Nguyên nhân ngành này giảm do 2 ngành con là chế biến thực phẩm quý I tăng 4,4%, thấp hơn gần một nửa so với cùng kỳ năm trước là 8,6%; và ngành công nghiệp điện tử tăng trưởng -1%, trong khi quý I-2016 tăng trưởng 11,3%.

Chèn Ảnh

Tăng trưởng âm của công nghiệp điện tử phụ thuộc vào kết quả sản xuất của Tập đoàn Samsung giảm mạnh trong quý III năm trước do sự cố Note 7 và những thay đổi mẫu mã trong những tháng đầu năm.

Thứ ba do tiếp tục thực hiện tái cơ cấu kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng, chuyển dần sang mô hình tăng trưởng ít dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên. Vì vậy, các ngành khai khoáng như khai thác dầu thô, than đều giảm…, giá trị toàn ngành công nghiệp khai khoáng chỉ đạt 90% so với năm 2016, đạt tốc độ -10% trong quý I.

 Hiện nay tăng trưởng kinh tế của nước ta vẫn dựa chủ yếu vào đầu tư. Nhưng trong những năm gần đây mức đóng góp của đầu tư vào tăng trưởng đang giảm dần, tăng dần sự đóng góp của nhân tố tổng hợp về năng suất và các nhân tố khác. Thí dụ trước đây đóng góp của vốn vào tăng trưởng khoảng 60%, hiện nay giảm còn khoảng 54-55%, nhường lại tỷ lệ cho nhân tố khác. Cũng trong quý I-2017, trong tăng chung 8,6% tổng tăng vốn đầu tư toàn xã hội, khu vực vốn nhà nước tăng 4,9%, vốn ngoài nhà nước tăng trên 13%.

Bên cạnh đó, cũng phải nói thêm rằng hơn 100.000 doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2016 chưa đóng góp nhiều cho tăng trưởng GDP quý I năm nay. Nguyên nhân được chỉ ra dù trong số 110.000 doanh nghiệp thành lập mới có 98.700 doanh nghiệp đi vào hoạt động, chiếm tỷ lệ 89,7%, nhưng nếu xét về cơ cấu ngành, số lượng doanh nghiệp nhiều nhưng đóng góp vào sản xuất vật chất chưa được như kỳ vọng.

Cụ thể, trong số doanh nghiệp đã đi vào hoạt động có tới 35,4% hoạt động bán buôn, bán lẻ, sửa chữa xe máy, ô tô, đây là ngành không tạo ra sản phẩm. Còn lại 13,72% doanh nghiệp mới thành lập đi vào hoạt động trong nông nghiệp nên đóng góp vào quy mô tăng trưởng có mức độ. Ngoài ra, quy mô doanh nghiệp nhỏ, lao động ít, vốn ít nên đóng góp cho nền kinh tế không nhiều.

Điểm sáng của nền kinh tế trong quý I năm nay được ghi nhận từ báo cáo của Nikkei, là chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam đã tăng lên mức cao nhất trong 21 tháng qua và đứng đầu ASEAN. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của 2 tháng đầu năm tăng 7,9%, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 2,2% so với cùng kỳ.

Với những thách thức và thuận lợi như trên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát theo đúng mục tiêu Quốc hội đã thông qua sẽ là một thách thức lớn với Chính phủ trong chính sách điều hành vĩ mô cả năm.

Các tin khác