Thách thức bản lĩnh doanh nhân Việt

Trong bối cảnh đó, nước ta đã đạt được các thành tựu cơ bản: Kinh tế vĩ mô ổn định; kiểm soát lạm phát ở mức thấp; hoàn thành hầu hết các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội Quốc hội đề ra.
 

Năm 2014 trôi qua không yên ả. Cục diện thế giới vẫn diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Xung đột tiếp tục diễn ra gay gắt ở Trung Đông, Đông Âu, tranh chấp căng thẳng trên biển Hoa Đông, biển Đông... Sự tranh giành ảnh hưởng, đáp trả của các nước lớn trong ván bài địa - chính trị đã kéo tụt khả năng phục hồi, tăng trưởng kinh tế thế giới.

Trong bối cảnh đó, nước ta đã đạt được các thành tựu cơ bản: Kinh tế vĩ mô ổn định; kiểm soát lạm phát ở mức thấp; hoàn thành hầu hết các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội Quốc hội đề ra.

Năm 2015 đang mở ra với xu thế liên kết các nền kinh tế, các khu vực kinh tế với nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đang được thúc đẩy mạnh mẽ trong tiến trình toàn cầu hóa. Riêng Việt Nam có 5 hiệp định thương mại “chắc ăn” đang đàm phán giai đoạn cuối hoặc đã kết thúc đàm phán, sẽ triển khai trong năm mới: 3 FTA với Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc và Liên minh Thuế quan (Nga, Belarus và Kazakhstan); Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và việc thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).

Có thể nói cánh cửa hội nhập đang mở toang, là cơ hội lớn để doanh nghiệp trong nước tiếp cận với thị trường thế giới rộng lớn một cách bình đẳng. Nhưng ở chiều ngược lại cạnh tranh sẽ gay gắt hơn, thương trường thật sự sẽ trở thành chiến trường. Nếu không tỏ rõ bản lĩnh doanh nghiệp Việt, không những ta không thể vươn tầm thế giới, khai thác thị trường toàn cầu mà còn thua ngay trên sân nhà, mất thị trường truyền thống.

Nhìn lại kinh tế nước nhà, để chuẩn bị công cuộc hội nhập, ta cũng nên chỉnh đốn chính mình để bước vào năm mới với cuộc chơi lớn đang mở ra: Nguyên tắc các FTA là cam kết bình đẳng, thực hiện “có đi, có lại”; thể hiện rõ nhất là thuế nhập khẩu sẽ giảm theo lộ trình.

Do đó hàng hóa của các nước chắc chắn sẽ tràn vào thị trường nội địa nếu hàng của họ rẻ hơn, tốt hơn. Ngay cả những ngành được đánh giá có lợi thế khi Việt Nam gia nhập FTA thực chất vẫn yếu, như ngành dệt may, da giày hiện nay đến 90% là sản xuất gia công, giá trị gia tăng thu được chỉ một phần rất nhỏ.

Ngành chăn nuôi trong nước phát triển èo uột, thức ăn chăn nuôi bị khống chế bởi các doanh nghiệp nước ngoài. Tới đây, khi các FTA có hiệu lực, chắc chắn thịt gia súc, gia cầm sẽ ồ ạt đổ bộ vào nước ta.

Thực trạng nền kinh tế nước ta rất đáng xem xét, suy ngẫm. Một “điểm son” năm nay là hoàn thành chỉ tiêu tăng kim ngạch xuất khẩu. Sơ bộ, tính từ đầu năm đến giữa tháng 12-2014, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 142,68 tỷ USD. Tuy nhiên, riêng nhóm doanh nghiệp FDI đã thực hiện trên 89,49 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 62,7% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Điều này cho thấy trong “sân chơi” hội nhập, các doanh nghiệp FDI có sự chuẩn bị tốt hơn, đã tận dụng môi trường ưu đãi đầu tư, chi phí nhân công giá rẻ mở rộng sản xuất kinh doanh; trong khi đó doanh nghiệp trong nước tiếp tục lâm thế bị động, hụt hơi so với doanh nghiệp nước ngoài.

Minh chứng rõ nét nhất là cuộc đổ bộ đã và đang diễn ra trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ. Các nhà đầu tư nước ngoài nhìn thấy thị trường tiềm năng 90,5 triệu dân Việt Nam, đã âm thầm thiết lập hệ thống phân phối một cách hiệu quả và chủ động đón nhận cơ hội hội nhập nước ta.

Đương nhiên mục tiêu lớn nhất của loại hình doanh nghiệp này là khai thác lợi thế để tìm lợi nhuận. “Không có quốc gia nào có thể phát triển nếu dựa hoàn toàn hoặc ỷ lại vào khu vực doanh nghiệp nước ngoài. Chính sách của Chính phủ cần quan tâm nhiều hơn đến kinh tế tư nhân - một khu vực năng động, là đúng hướng và đúng lúc” - bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, khuyến cáo một cách chân thành và thẳng thắn.

Hơn lúc nào hết bản lĩnh doanh nghiệp Việt cần tỏ rõ vào thời điểm nhạy cảm này để tồn tại, không bị diệt vong và hướng tới sự phát triển bền vững, sánh vai các doanh nghiệp nước ngoài một cách sòng phẳng.

Năm 2014 có những diễn biến rất mới và lạ: Các đạo luật kinh tế quan trọng (đầu tư, doanh nghiệp, đất đai, thuế...) đã được Quốc hội thông qua vào kỳ họp cuối năm với tinh thần gỡ bỏ mọi rào cản, khơi dậy sự sáng tạo và khơi thông các nguồn lực để thúc đẩy doanh nghiệp Việt phát triển, đủ khả năng cạnh tranh trong giai đoạn mới. Tốc độ tăng CPI thấp nhất trong hơn 10 năm qua, giá dầu giảm sâu nhất so với nhiều năm gần đây... đang tạo lợi thế cho doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư, mở rộng kinh doanh.

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày Báo cáo của Chính phủ, cam kết “...Tập trung chỉ đạo và có biện pháp cụ thể đối với từng bộ, ngành, địa phương để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cơ chế chính sách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, ứng dụng nhanh công nghệ thông tin, tạo thuận lợi tối đa, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi để hỗ trợ sản xuất kinh doanh theo ngành, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghệ hỗ trợ...”.

Năm mới thật sự mở ra vận hội mới. Chủ trương, chính sách, cơ chế đã có hoặc đang hoàn thiện nhằm tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp đầu tư, khởi nghiệp. Có thể nói vấn đề còn lại là bản lĩnh doanh nghiệp Việt có nắm bắt được thời cơ, thích ứng thời cuộc.

Các tin khác