Tăng trưởng xanh, kinh doanh xanh

Bởi trong vòng 30 năm qua, nước này đã tăng trưởng mạnh mẽ ở mức 10% và trở thành nền kinh tế thứ 2 thế giới. Tuy nhiên, kèm theo đó là hệ lụy về môi trường. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Trung Quốc đang xem xét lại chiến lược đã làm nên huyền thoại kinh tế này với hy vọng làm xanh lại quá trình phát triển đất nước.

Một trong những xu hướng mà kinh tế thế giới đang có sự chuyển dịch, đó là tiến đến một nền kinh tế xanh, năng lượng xanh khi đối diện các nguy cơ cạn kiệt các nguồn năng lượng truyền thống. Trung Quốc là nước đang tích cực thực hiện điều này.

Bởi trong vòng 30 năm qua, nước này đã tăng trưởng mạnh mẽ ở mức 10% và trở thành nền kinh tế thứ 2 thế giới. Tuy nhiên, kèm theo đó là hệ lụy về môi trường. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Trung Quốc đang xem xét lại chiến lược đã làm nên huyền thoại kinh tế này với hy vọng làm xanh lại quá trình phát triển đất nước.

Hiện Trung Quốc đang tính toán chi phí suy thoái môi trường ước tính 9% tổng sản phẩm quốc nội đang đe dọa sự cạnh tranh kinh tế và phúc lợi xã hội. Do vậy, nước này đang tìm kiếm các nguồn tăng trưởng mới được hỗ trợ bởi sự sáng tạo nhằm hướng tới các sản phẩm và quy trình sản xuất xanh hơn.

 Việt Nam là một nước bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nên kinh tế xanh là bước đi không thể khác được. Theo báo cáo của Tổng công ty Thép Việt Nam, để luyện được 1 mẻ thép, doanh nghiệp trung bình mất khoảng 90-180 phút (thế giới 45-70 phút) tiêu hao điện 550-690kWh (thế giới 360-430kWh/tấn). Sự lãng phí trong sử dụng năng lượng do công nghệ sản xuất của doanh nghiệp lạc hậu; kinh doanh theo kiểu tàn phá môi trường như xả thải ra sông Thị Vải cách đây 5 năm của Vedan, đã làm mất đi hình ảnh tốt đẹp về sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Vì vậy, khái niệm kinh doanh xanh đang đặt ra bức thiết hơn lúc nào hết. Trước thực trạng trên, năm 2012, Chính phủ đã thông qua Quyết định 1393 phê duyệt Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh. Chiến lược thể hiện quan điểm của Việt Nam hướng tới sự phát triển theo hướng bền vững.

Theo ước tính của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Việt Nam cần hơn 30 tỷ USD cho tăng trưởng xanh từ nay đến 2020, để giảm phát thải khí CO2 trong những lĩnh vực xây dựng, xi măng, sắt thép, giao thông vận tải, giấy và bột giấy…

Thực tế, Việt Nam đã có các chính sách thúc đẩy, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng năng lượng hóa thạch ít hơn, tăng sử dụng năng lượng tái tạo; mua, bán sản phẩm xanh thay vì sản phẩm gây ô nhiễm môi trường.

Mới đây, Bộ Tài nguyên - Môi trường đã làm việc với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và đề xuất đưa chỉ số môi trường trở thành một phần trong báo cáo đánh giá doanh nghiệp. Bộ này cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước có chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có chỉ số môi trường tốt được vay vốn, mở rộng sản xuất kinh doanh, thúc đẩy sử dụng công nghệ sạch, tạo ra sản phẩm xanh, sử dụng ít năng lượng, ít rác thải.

Ngoài ra, tại dự án sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường đang được xây dựng cũng sẽ có những điều chỉnh về khuôn khổ pháp lý để phát triển kinh tế xanh bền vững thông qua các quy định chặt hơn. Doanh nghiệp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.

Dự kiến giai đoạn 2014-2015 sẽ có quy định buộc doanh nghiệp tuân thủ về việc lập báo cáo bền vững, thậm chí đưa báo cáo môi trường xã hội và quản trị doanh nghiệp trở thành một trong các tiêu chuẩn xét niêm yết trên thị trường chứng khoán. Đến giai đoạn 2015-2017, khi Luật Chứng khoán sửa đổi lần 2 được ban hành, báo cáo môi trường xã hội và quản trị có thể trở thành tiêu chuẩn niêm yết bắt buộc.

Còn theo Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này đang phối hợp với Công ty Tài chính quốc tế (IFC) để xây dựng văn bản quy định về quản lý rủi ro môi trường. Trong đó có các quy định, tiêu chí thẩm định rủi ro môi trường xã hội khi cấp tín dụng, đầu tư…

Điều quan trọng là phải thay đổi quan niệm, suy nghĩ, công nghệ sản xuất, kinh doanh để phát triển bền vững. Bên cạnh đó, việc hướng đến tăng trưởng xanh còn tính đến yếu tố hiệu quả khi nguồn lực tài chính còn hạn chế.

Đầu tư của Việt Nam cho nền kinh tế xanh chỉ chiếm 0,2% GDP và Việt Nam chưa xây dựng được mô hình chuẩn, mẫu về chiến lược phát triển kinh doanh xanh. Trong khi kinh doanh hiện đại, để phát triển bền vững kinh doanh xanh là nền tảng, cốt lõi trong quản trị tài chính doanh nghiệp, từ đó tiết kiệm được nhiều chi phí từ việc áp dụng công nghệ hiện đại.

Do vậy, để phát triển kinh doanh xanh bản thân các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp phải thay đổi tư duy. Nhà nước nên có các chính sách khuyến khích phát triển kinh doanh xanh bằng việc xây dựng tiêu chí đánh giá việc tiết kiệm, ứng dụng công nghệ mới, cũng như đàm phán với thế giới bán sản phẩm xanh.

Các tin khác