Tăng lương - lượng và chất

Cứ đến hẹn lại lên, khoảng tháng 8 hàng năm, việc tăng lương tối thiểu vùng lại được đưa ra bàn thảo và lần nào cũng có nhiều ý kiến về mức tăng và thời điểm tăng. Việc lựa chọn tăng lương ở mức bao nhiêu cho hợp lý luôn tồn tại 2 mâu thuẫn.

Mới đây, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã nhất trí đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2015 tối đa 15,1%. Đề xuất này sẽ được Chính phủ xem xét, quyết định trong thời gian tới, nhưng xoay quanh câu chuyện tăng lương, vẫn có nhiều vấn đề cần phải bàn.

Cứ đến hẹn lại lên, khoảng tháng 8 hàng năm, việc tăng lương tối thiểu vùng lại được đưa ra bàn thảo và lần nào cũng có nhiều ý kiến về mức tăng và thời điểm tăng. Việc lựa chọn tăng lương ở mức bao nhiêu cho hợp lý luôn tồn tại 2 mâu thuẫn.

Đó là, nếu tăng mức thấp quá sẽ không đáp ứng đời sống tối thiểu của người lao động. Ngược lại, nếu tăng quá cao sẽ gây áp lực lên doanh nghiệp khi chi phí tăng theo, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tại phiên họp Hội đồng Tiền lương Quốc gia vừa qua, mức lương tối thiểu vùng năm 2015 áp dụng với khu vực 1 được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất 3,4 triệu đồng/người/tháng (tăng 26%).

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra mức 3,05 triệu đồng/tháng/người, trong khi Phòng Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ đưa ra mức 3 triệu đồng/tháng/người (tăng 11%). Thậm chí, một số doanh nghiệp đang gặp khó khăn đề nghị tạm dừng việc tăng lương. Dù cuối cùng Hội đồng Tiền lương quốc gia đã nhất trí phương án mang tính trung hòa (tăng 15,1%), nhưng có lẽ cuộc tranh luận sẽ lại tiếp tục vào năm sau nếu các bên không thống nhất được một số điểm chung.

Chẳng hạn, năm nào Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cũng đưa số liệu rằng mức lương tối thiểu mới đáp ứng 75% mức sống tối thiểu của người lao động là thuyết phục chưa. Khái niệm “mức sống tối thiểu” là thế nào? Tất nhiên, đây là câu hỏi không dễ trả lời, bởi sẽ không thể như nhau về mức sống tối thiểu của một công nhân lao động giản đơn và một kỹ sư, hay một quan chức trong bộ máy công quyền.

Về lý thuyết, có thể tính được số tiền cần có để đáp ứng nhu cầu tối thiểu cho một lao động giản đơn ở từng ngành, nghề, từng địa bàn và cũng có thể đưa ra một mức thu nhập tối thiểu chung. Tuy nhiên, mức sống tối thiểu không phải là hằng số, mà luôn thay đổi theo thời gian. Chẳng hạn, số tiền cần có cho mức sống tối thiểu của lao động giản đơn ở vùng 1 năm 2014 là 3,6 triệu đồng.

Vì vậy lương tối thiểu ở vùng này 2,7 triệu đồng mới đáp ứng 75% nhu cầu của mức sống tối thiểu và phải nâng lương tối thiểu lên 3,4 triệu đồng. Song, đến năm 2015, do nhu cầu của cuộc sống, mặt bằng giá thay đổi, số tiền cần có cho mức sống tối thiểu tới 4,5 triệu đồng. Khi đó, tiền lương tối thiểu 3,4 triệu đồng vẫn chỉ đáp ứng 75% nhu cầu đời sống tối thiểu - một “cuộc rượt đuổi” không có hồi kết.

Trên thực tế ít doanh nghiệp trả lương cho người lao động theo mức lương tối thiểu vùng mà chủ yếu là mức lương thỏa thuận. Người lao động và người sử dụng lao động chỉ căn cứ vào lương tối thiểu vùng để đóng bảo hiểm xã hội (BHXH). Do đó, có thể lương tối thiểu vùng tăng lên nhưng không làm mức lương hiện tại của người lao động nhận được tăng lên, thậm chí giảm vì lương tăng đồng nghĩa với việc đóng các khoản BHXH tăng theo. Một tình huống khác, khi doanh nghiệp buộc phải tăng lương tối thiểu nhưng gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, buộc phải sa thải lao động để cân đối chi phí. Khi đó, người bị thiệt hại chính là người lao động.

Như vậy, để cân đối hài hòa lợi ích giữa giới chủ sử dụng lao động và người lao động, chuyện tăng lương bao nhiêu không có nhiều ý nghĩa. Khi đã thừa nhận sức lao động là hàng hóa trên thị trường lao động, giá cả của hàng hóa này cũng phải tuân thủ quy luật thị trường. Người sử dụng lao động và người lao động có quyền thỏa thuận với nhau về tiền lương, tiền công trên cơ sở chất lượng lao động và hiệu quả công việc. Thực tế cho thấy, với những lao động có trình độ chuyên môn cao, có tính tự giác và kỷ luật tốt, người sử dụng đã trả mức lương cao hơn rất nhiều lần so với mức lương tối thiểu. Ngược lại, không ít người lao động chỉ mong hưởng mức lương tháng vài triệu đồng vẫn không có người tuyển dụng.

Theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về quan hệ giữa tiền lương và năng suất lao động, Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia đang có mức lương, thu nhập cao hơn so với năng suất tạo ra. Các quốc gia cạnh tranh chính của Việt Nam có mức phát triển cao hơn như Thái Lan, Malaysia, Indonesia... đều có mức thu nhập thấp hơn so với năng suất được tạo ra. Vì thế, tăng lương chỉ là phần ngọn, giải quyết bài toán về quan hệ tiền lương và năng suất lao động mới là gốc của vấn đề.

Các tin khác