Tăng giá và niềm tin

Với một nước mà nguồn cung về xăng dầu chủ yếu đến từ nhập khẩu, việc phụ thuộc vào giá thế giới là điều ai cũng hiểu. Tuy nhiên, vấn đề là tại sao dù đã giải thích khá rõ ràng, nhưng việc giá xăng dầu tăng lại không hoàn toàn thuyết phục được nhiều người tiêu dùng lẫn các phương tiện thông tin đại chúng.

Kể từ ngày 7-7 - thời điểm xăng dầu được tăng giá khoảng 130-410 đồng/lít,kg - đến nay câu chuyện về xăng dầu tăng giá vẫn không hề nguội đi. Theo lý giải của liên bộ Công Thương - Tài chính, việc xăng dầu tăng là điều không tránh khỏi do giá xăng dầu thế giới tăng.

Với một nước mà nguồn cung về xăng dầu chủ yếu đến từ nhập khẩu, việc phụ thuộc vào giá thế giới là điều ai cũng hiểu. Tuy nhiên, vấn đề là tại sao dù đã giải thích khá rõ ràng, nhưng việc giá xăng dầu tăng lại không hoàn toàn thuyết phục được nhiều người tiêu dùng lẫn các phương tiện thông tin đại chúng.

Kết quả một khảo sát do Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam, Ngân hàng Thế giới, Đại sứ quán Ireland công bố, cho thấy 87% trong tổng số 1.023 người trả lời cho rằng kinh tế thị trường là ưu việt nhất. Tuy nhiên, với một yếu tố đặc trưng của kinh tế thị trường là giá cả, có đến 68% người trả lời rằng Nhà nước nên can thiệp giá cả để bình ổn thị trường, nhất là những mặt hàng thiết yếu.

Có thể, việc giá cả đang được vận hành theo thị trường, có định hướng của Nhà nước đã dẫn đến các câu trả lời tưởng chừng nghịch lý trên. Nhưng, điều đó cũng cho thấy, việc tăng - giảm giá các mặt hàng thiết yếu tại Việt Nam như điện, xăng dầu… đang bộc lộ những bất ổn và người tiêu dùng không hoàn toàn tin vào tính thị trường của các mặt hàng thiết yếu này.

Thứ nhất, đó là tính công khai, minh bạch. Dù đứng ở góc độ khách hàng nhưng người tiêu dùng rất ít có sự lựa chọn. Mặt hàng điện, xăng dầu hầu như phụ thuộc vào những nhà cung cấp độc quyền, chiếm vị trí thống lĩnh và trở thành người bị dùng hơn là được dùng. Kéo theo đó, sự thiếu minh bạch trong các hoạt động này đã khiến người tiêu dùng trở nên nghi ngờ hơn với những thông tin báo lỗ, chi phí lớn mà các báo cáo hầu như chưa lý giải được.

Như xăng dầu, có thời kỳ báo lỗ nhưng khi kết quả kiểm toán cả giai đoạn lại lãi lớn, hay Quỹ bình ổn giá đặt tại doanh nghiệp này dư lớn, tại doanh nghiệp khác lại âm. Hoặc với điện, người tiêu dùng từ trước đến nay không hề thấy những báo cáo chi tiết về kết quả hoạt động kinh doanh mà chỉ biết đến khi doanh nghiệp kêu lỗ. Dư luận đang chờ đợi việc thực hiện ra sao Chỉ thị 11 của Bộ Công Thương về tăng cường, công khai, minh bạch hoạt động kinh doanh điện, xăng dầu ban hành tháng 4 vừa qua.

Thứ hai, việc tăng giá xăng dầu (phần nào là điện khi hàng ngàn hộ tiêu dùng ở Hà Nội đang đối mặt với hóa đơn tăng gấp nhiều lần so với trước ngày 1-6) đã làm cho sức mua đang gặp khó lại càng khó hơn. Dù có lý giải ra sao, với người tiêu dùng, họ không nhìn thấy sự thông cảm hay chia sẻ khó khăn từ việc quản lý, kinh doanh mặt hàng này.

Theo nhận định của Bộ Công Thương, 6 tháng đầu năm, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ ước tăng 10,73% so với cùng kỳ (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,69%), trong khi cùng kỳ 2013 tăng 11,97%. Số liệu này tiếp tục phản ánh sức mua hồi phục chậm nên việc tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng, nguyên liệu phục vụ sản xuất chưa cao. Giá một số loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có xu hướng giảm.

Còn theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2013 (cao hơn mức tăng 5,3% của cùng kỳ năm trước). Tuy nhiên, tại thời điểm 1-6, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,8% so với cùng thời điểm năm 2013 - cao hơn mức tăng 9,7% của cùng thời điểm năm trước. Như vậy, có thể thấy sản xuất đã có phục hồi nhưng doanh nghiệp vẫn còn đó những khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm do người tiêu dùng co thủ, mất niềm tin thị trường.

Chính vì vậy, việc điều chỉnh bất kỳ một mặt hàng thiết yếu nào, như xăng dầu sẽ trực tiếp đánh thẳng vào nhu cầu của người tiêu dùng cũng như sức khỏe của doanh nghiệp. Việc giá xăng dầu tăng hơn 1.400 đồng sau 5 lần kể từ đầu năm, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới giá cả các mặt hàng khác trong thời gian tới và sẽ ảnh hưởng trực tiếp lên giá thành ngành vận tải, sẽ gây tác động dây chuyền.

Tuy nhiên, do sức mua đang chậm, nên các nhà cung ứng nếu tăng giá cũng chỉ tăng có mức độ. Theo các chuyên gia, việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu trong thời điểm hiện nay là bất lợi, không chỉ với người tiêu dùng mà còn là gánh nặng đối với doanh nghiệp khi sản xuất đang trì trệ. Chi phí đầu vào liên tiếp tăng sẽ khiến doanh nghiệp thêm khó khăn, kéo giãn tốc độ phục hồi nền kinh tế.

Các tin khác