Sốt ruột với doanh nghiệp nhà nước

(ĐTTCO)-Với tính chất “thế hệ mới” của các hiệp định thương mại tự do - mà điển hình gần đây nhất là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) - những cam kết hội nhập đã không chỉ gói gọn trong phạm vi loại bỏ thuế quan và tạo thuận lợi cho thương mại. Cải cách thể chế và điều chỉnh chính sách trở nên cần thiết hơn bao giờ hết; nhưng đồng thời sự chuẩn bị từ doanh nghiệp cũng là điều kiện sống còn đối với khu vực kinh tế trong nước.

(ĐTTCO)-Với tính chất “thế hệ mới” của các hiệp định thương mại tự do - mà điển hình gần đây nhất là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) - những cam kết hội nhập đã không chỉ gói gọn trong phạm vi loại bỏ thuế quan và tạo thuận lợi cho thương mại. Cải cách thể chế và điều chỉnh chính sách trở nên cần thiết hơn bao giờ hết; nhưng đồng thời sự chuẩn bị từ doanh nghiệp cũng là điều kiện sống còn đối với khu vực kinh tế trong nước.

 

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), lắc đầu: “Tôi có cảm tưởng chúng ta, đặc biệt là khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang thụ động để cho làn sóng hội nhập cuốn mình đi chứ không hề chuẩn bị sức lực và kỹ năng để đón nhận làn sóng ấy một cách chủ động”.

Quả thực, không phải ngẫu nhiên mà một trong những văn bản quan trọng được người đứng đầu Chính phủ ký ban hành ngay trong ngày làm việc đầu tiên mở đầu cho năm Đinh Dậu lại chính là Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 2-2-2017 về việc đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020.

Chỉ thị thể hiện sự sốt ruột của Thủ tướng Chính phủ trước sự chậm trễ của khu vực này, trong đó có lời cảnh báo nghiêm khắc về việc kiên quyết xử lý các doanh nghiệp thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả, hiệu quả thấp theo cơ chế thị trường; xử lý nghiêm lãnh đạo DNNN thực hiện không có kết quả việc thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp…

Lo ngại của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về sự lừng khừng, thậm chí thái độ coi thường các quy định về quản lý kinh tế của các DNNN là hoàn toàn có cơ sở.

Một ví dụ rất điển hình: Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc chỉ có 38,8% doanh nghiệp nhà nước thực hiện công bố thông tin theo quy định của Nghị định số 81/2015/NĐ-CP và ngay cả các doanh nghiệp đã công bố thông tin, cũng không có doanh nghiệp nào thực hiện đầy đủ các báo cáo theo quy định.

Theo các nhà nghiên cứu thuộc CIEM, hiện vẫn tồn tại sự không tương thích về định nghĩa DNNN trong Luật Doanh nghiệp 2014 so với định nghĩa này trong các hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam đã hoặc đang chuẩn bị ký kết.

Đơn cử, với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), trong khi Luật Doanh nghiệp 2014 quy định chỉ các doanh nghiệp mà nhà nước sở hữu 100% mới là DNNN, thì EVFTA quy định, DNNN không chỉ được xác định bằng tỷ lệ vốn sở hữu (hơn 50%), mà còn bao gồm cả cách thức đưa ra quyết định chiến lược của doanh nghiệp hoặc tỷ lệ thành viên trong Hội đồng quản trị doanh nghiệp do Chính phủ bổ nhiệm (hơn một nửa trở lên), nghĩa là rộng hơn nhiều so với Luật Doanh nghiệp. Điều này có liên hệ mật thiết đến rất nhiều lĩnh vực, trong đó có mua bán, đầu tư Chính phủ, bởi lẽ tuy không ngăn cản việc thiết lập hoặc duy trì DNNN, nhưng EVFTA yêu cầu không phân biệt đối xử và xem xét thương mại khi mua/bán hàng hóa, dịch vụ; minh bạch thông tin và đảm bảo cơ quan quản lý không có trách nhiệm trong DNNN; hài hòa hóa quy định pháp lý cho mọi loại hình doanh nghiệp…

Điều này có nghĩa là các DNNN buộc phải hoạt động theo những nguyên tắc thị trường để cạnh tranh bình đẳng với mọi loại hình doanh nghiệp khác nếu muốn “hái được quả ngọt” từ khu vườn EU…

Mặt khác, vẫn còn đó những câu hỏi về quyền sở hữu của DNNN, từ vai trò của Chính phủ trong quản lý DNNN và quản lý hoạt động nội bộ của DNNN cho đến cơ chế quản lý vốn nhà nước tại DNNN…, hướng tới mục tiêu chung là tách bạch quyền sở hữu tại doanh nghiệp với hoạt động quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp. Muốn vậy, cần loại bỏ ưu tiên, hỗ trợ của Chính phủ cho DNNN; hoàn thiện cơ chế người đại diện vốn nhà nước tại DNNN, cơ chế công bố thông tin, đảm bảo DNNN sẽ làm việc bình đẳng với các loại hình DN khác.

Đồng thời, cần có khuôn khổ pháp lý cho giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN thông qua hệ thống chỉ tiêu theo dõi, giám sát đối với các DNNN trong các ngành, lĩnh vực khác nhau (công ty công ích hoặc công ty kinh doanh), có tính tới mức độ lan tỏa và ảnh hưởng tới các doanh nghiệp khác…

Chỉ bằng cách đó mới xóa được tâm lý e ngại “bố bênh con” của các loại hình doanh nghiệp khác trong nền kinh tế cũng như các đối tác kinh doanh ngoài nước.

Các tin khác