“Sống chung” với ô nhiễm không khí

(ĐTTCO) - Trong một cảnh báo được đưa ra gần đây có đến 78/90 ngày, tương đương 86,6% số ngày của quý I-2017, nồng độ bụi trong không khí ở Hà Nội và TPHCM vượt chuẩn WHO.
“Sống chung” với ô nhiễm không khí
Tức nồng độ bụi siêu mịn PM 2.5 (chỉ số chất lượng không khí liên quan tới sức khỏe) vượt quá 5 lần quy chuẩn quốc gia và gấp 10 lần theo khuyến cáo của WHO.  Thực tế trong nhiều năm qua, Việt Nam liên tục bị cảnh báo là quốc gia có mức độ ô nhiễm không khí đặc biệt cao so với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, khi có tới hơn 50% số ngày trong năm có chất lượng không khí kém.
Thậm chí, theo một nghiên cứu được công bố tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia có chất lượng không khí thấp nhất và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. 

Theo đó, trên cơ sở tiêu chuẩn cho phép của thế giới về đánh giá chất lượng không khí (Air Quality Index- AQI), nếu mức độ sạch của không khí từ 150-200 điểm đã bị coi là ô nhiễm, từ 201-300 là cực kỳ cấp bách, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân. Trong khi đó, tại Hà Nội và TPHCM, chỉ số trong ngày lúc nào cũng ở mức 152-156, còn vào giờ giao thông cao điểm lên tới trên 200.

Xe gắn máy đang được coi là “thủ phạm” chính gây ô nhiễm không khí, khi nước ta đứng thứ 4 trên thế giới về số xe máy. Theo thống kê mới nhất, hiện nay trên toàn quốc có gần 45 triệu xe máy và 2,7 triệu ô tô. Tuy nhiên, đó mới là những xe đã đăng ký, còn những xe chưa đăng ký nhưng vẫn lưu hành.
Và với tốc độ tăng số lượng phương tiện giao thông cá nhân hiện nay khoảng 15%/năm đối với xe máy và 10%/ năm đối với ô tô, đồng nghĩa với việc lượng phát thải khí độc từ phương tiện này ở Việt Nam sẽ rất khủng khiếp.
Theo Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia, nồng độ bụi trong không khí trung bình tại các đô thị lớn, đặc biệt tại Hà Nội và TPHCM đã cao hơn tiêu chuẩn cho phép 2-3 lần. Tại các nút giao thông nồng độ bụi vượt tiêu chuẩn 2-5 lần. Đặc biệt mức độ phơi nhiễm của người tham gia giao thông, nhất là người đi xe máy cũng vượt giới hạn cho phép 2-3 lần... 

Bên cạnh đó, việc đô thị hóa diễn ra với quy mô ngày càng nhanh đã kéo theo những hệ lụy như gia tăng ô nhiễm không khí do các công trình xây dựng nhà cửa, sửa chữa nâng cấp hạ tầng giao thông. Ở các khu đang xây dựng trong đô thị, nồng độ bụi vượt quá tiêu chuẩn 10-20 lần.
Dễ nhận thấy nhất là ô nhiễm bụi từ các hoạt động như san ủi, lu đầm mặt bằng, đào đất, đắp nền, vận chuyển vật liệu... Bụi bị cuốn lên từ đường giao thông do phương tiện; gió thổi qua bãi chứa vật liệu xây dựng như xi măng, đất, cát...; khí thải của các phương tiện vận tải, máy móc thi công, đốt nhựa đường... chứa bụi và các khí độc hại như SO2, CO2, CO và hợp chất từ khói xăng dầu...
Điều này có thể cảm nhận rõ tại nhiều khu vực của trung tâm TPHCM - những “đại công trường” xây dựng đang thi công. Nhiều dự án hạ tầng giao thông, nhà ở thi công cả ngày lẫn đêm khiến các trục đường này luôn bị khói, bụi, đất cát bao phủ. Xe bồn, xe tải chở vật liệu xây dựng, đất cát chạy ầm ầm khiến bụi mù mịt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến người đi đường và các khu dân cư xung quanh.

Thực trạng ô nhiễm không khí ngày càng tăng đã đến mức báo động. Trong khi đó chúng ta dường như vẫn loay hoay trong việc đưa ra các giải pháp bảo vệ môi trường không khí. Thí dụ, xác định xe gắn máy là nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm không khí, năm 2010 Chính phủ đã phê duyệt Đề án kiểm soát khí thải xe máy tham gia giao thông tại các tỉnh, TP trên cả nước, với mục tiêu tới năm 2015 kiểm định đạt tiêu chuẩn khí thải 80-90% xe máy ở Hà Nội, TPHCM, và mở rộng cho 60% xe máy tại các TP loại 1, 2.
Song đề án này đã không được thực hiện, nguyên nhân do xe máy liên quan đến nhiều tầng lớp xã hội, được đánh giá là nhạy cảm, phức tạp và dễ đụng chạm. Cuối năm 2016, Bộ GTVT tiếp tục trình Chính phủ dự thảo về quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải với mô tô, xe gắn máy. Nhưng rồi dự thảo này đã bị gác lại cũng với lý do đụng chạm đến một bộ phận lớn người dân nghèo.
Và mới đây nhất, Chính phủ ban hành Quyết định 16, quy định từ ngày 1-1-2018, xe gắn máy, ô tô thuộc diện thải bỏ sẽ bị thu hồi, xử lý nhằm đảm bảo môi trường. Nhưng nếu việc thu hồi xe ô tô hết đát có phần khả thi, việc thu hồi xe máy quá đát vẫn bỏ ngỏ do chưa có quy định niên hạn sử dụng.

Còn vấn nạn xây dựng, dù hệ lụy gây ô nhiễm không khí của việc phát triển thêm nhà cao tầng tại khu vực trung tâm các TP lớn đã được thấy rõ, nhưng dường như những khuyến cáo về việc này vẫn bị bỏ ngoài tai.
Theo dự báo, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam vào năm 2020 sẽ đạt khoảng 40% với hơn 45 triệu dân cư sinh sống. Với tốc độ như vậy, Việt Nam sẽ phải đối mặt ngày càng nhiều vấn đề phức tạp phát sinh từ quá trình đô thị hóa. Trong bối cảnh này, nếu chúng ta không quyết liệt đưa ra và thực hiện những giải pháp khắc phục hiệu quả, người dân tại các TP lớn sẽ tiếp tục phải chấp nhận “sống chung” với ô nhiễm không khí.

Các tin khác