Sợ minh bạch nguồn thu

(ĐTTCO) - Từ cuối năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận triển khai áp dụng công nghệ thu phí tự động không dừng (ETC) trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây nguyên. 
Sợ minh bạch nguồn thu
Thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT yêu cầu các nhà đầu tư BOT giao thông phải hoàn thành lắp đặt đồng loạt hệ thống ETC đối với 29 trạm thu phí BOT trước ngày 30-6-2016.
Thế nhưng, dù đã gia hạn thực hiện thêm 1 năm, tức đến 30-6-2017, đến nay cũng chỉ 1/3 trong tổng số 29 trạm chấp hành. Đến nỗi Bộ GTVT phải tuyên bố sau ngày 30-10 tới, trạm BOT nào chưa lắp đặt ETC sẽ phải dừng thu phí.

Công nghệ ETC được đánh giá mang lại nhiều lợi ích cho chủ đầu tư dự án BOT giao thông lẫn người lái xe, như giảm chi phí vận hành, giúp nhà đầu tư kiểm soát tốt nhân viên và hạn chế gian lận, tiết kiệm thời gian chờ qua trạm.

 Công nghệ này còn có lợi ích rất lớn đối với cơ quan quản lý nhà nước, đó là minh bạch hiệu quả thật của từng dự án. Bởi lẽ, với nhà đầu tư BOT giao thông, thời gian được phép thu phí là yếu tố rất quan trọng. Nó được xác định dựa trên chi phí đầu tư và vận hành, lợi nhuận Nhà nước cam kết cho chủ đầu tư và số tiền phí thực tế thu được. Theo đó, phí thu càng nhiều, thời gian thu phí càng ngắn lại, công nghệ ETC còn giúp Nhà nước xác định chính xác thời gian được thu phí cho từng dự án. 
Vậy nhưng, đây lại là điều nhiều chủ đầu tư BOT giao thông không hề muốn, bởi sự nhập nhèm sẽ giúp họ dễ dàng che dấu hiệu quả thật để kéo dài thời gian thu phí. Vậy mới có chuyện, cách đây vài tháng, sau đợt kiểm tra 21 dự án BOT, Bộ GTVT đã cắt giảm thời gian thu phí của 13 dự án tới gần 100 năm. Điều đó cho thấy tình trạng này phổ biến đến mức nào và số tiền doanh nghiệp (DN) có được nhờ gian dối rất lớn so với lợi ích công nghệ tự động mang lại cho họ. 
Hay đề án tin học hóa quản lý nhà nước, dù được khởi động hơn 17 năm, đến nay vẫn không thành công. Lực cản chính là một bộ phận cán bộ, nhóm DN - những người sợ minh bạch - sẽ ngay lập tức mất đi những món lợi lớn do sự nhập nhèm mang lại. Cũng vì ngại minh bạch, nên dù được ngành thuế khuyến khích và mạnh tay tuyên truyền, nhưng nhiều DN vẫn không mặn mà với các dịch vụ điện tử công, đặc biệt là hóa đơn điện tử (HĐĐT), với lý do khó khăn về trang thiết bị, công nghệ.

Được biết, dự kiến từ ngày 1-1-2018, DN mới thành lập và DN đang mua hóa đơn của cơ quan thuế sẽ phải chuyển sang sử dụng HĐĐT có mã xác thực của cơ quan thuế, những DN đang sử dụng hóa đơn đặt in và tự in sẽ chuyển đổi dần theo lộ trình. Theo đó, hơn 4,1 tỷ hóa đơn giấy hàng năm được thay bằng HĐĐT sẽ giảm đáng kể chi phí cho khoảng 600.000 DN, giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí cho xã hội, đồng thời giảm thời gian làm thủ tục hành chính thuế. Đây cũng là một trong những giải pháp hỗ trợ DN, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo mục tiêu các Nghị quyết 19 của Chính phủ.
Thế nhưng, nhiều DN đang “bán hàng chưa muốn xuất hóa đơn”, hoặc “bán một đằng xuất một nẻo” lại không muốn sử dụng HĐĐT. Bởi lẽ, sử dụng hóa đơn giấy không có sự kết nối dữ liệu với cơ quan thuế, họ sẽ dễ dàng lợi dụng sự thông thoáng của luật để thành lập nhiều công ty hoặc mua lại DN, từ đó xuất hóa đơn khống, sử dụng hóa đơn lòng vòng để khấu trừ, hoàn khống thuế giá trị gia tăng... kiếm lời bất chính.

Việc ứng dụng công nghệ còn bị cản trở bởi thói quen khó bỏ của người dân. Đó là việc chi lương qua tài khoản đã thực hiện gần 10 năm, nhưng việc thanh toán không dùng tiền mặt vẫn khiêm tốn. Phần lớn công nhân, viên chức và người về hưu nhận lương qua tài khoản rồi dùng thẻ ATM để rút tiền mặt, thay vì cà thẻ trả tiền.
Vì vậy, các chức năng của ATM như chuyển khoản, thanh toán hóa đơn tiền điện, điện thoại... hoàn toàn miễn phí, khách hàng sử dụng rất ít, gây lãng phí lớn cho xã hội. Khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang xồng xộc đến, nếu chúng ta chúng ta không sớm rũ bỏ những tư duy lợi ích nhóm, những suy nghĩ lạc hậu, chắc chắn sẽ lỡ chuyến tàu công nghệ này.

Các tin khác