Siết lại bảo lãnh chính phủ

(ĐTTCO) - Đánh giá việc bảo lãnh chính phủ (BLCP) giai đoạn 2011-2015 đóng vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, song trong báo cáo mới đây Bộ Tài chính cũng nhìn nhận cần quản lý chặt chẽ hơn các khoản vay BLCP.

(ĐTTCO) - Đánh giá việc bảo lãnh chính phủ (BLCP) giai đoạn 2011-2015 đóng vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, song trong báo cáo mới đây Bộ Tài chính cũng nhìn nhận cần quản lý chặt chẽ hơn các khoản vay BLCP.

Bộ này đề xuất Chính phủ xem xét kỹ các dự án ngay từ giai đoạn phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh để hạn chế dần BLCP. Bởi lẽ từ năm 2017 tạm dừng phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh cho các dự án mới để đảm bảo an toàn nợ công. Đối với dự án đã có chủ trương cấp bảo lãnh, phải tăng cường công tác thẩm định và tuân thủ các tiêu chí Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và quy định của Luật Quản lý nợ công. Riêng doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh chưa thực hiện việc thế chấp tài sản phải thực hiện thế chấp tài sản. Trường hợp dự án đã hình thành xong tài sản nhưng chủ đầu tư không thực hiện thế chấp, giao Bộ Tài chính yêu cầu chủ đầu tư trả nợ trước hạn để tất toán BLCP.

Sở dĩ Bộ tài chính đưa ra các đề xuất, kiến nghị trên bởi khá nhiều dự án vay vốn theo hình thức BLCP đang có vấn đề. Đó là dự án Nhà máy Giấy Phương Nam gặp khó khăn về tài chính (đầu tư gần 3.000 tỷ đồng nhưng có nguy cơ phải bán thanh lý với giá 0 đồng); một số dự án xi măng đang phải tái cơ cấu cũng như khó khăn về khoản vay (xi măng Sông Thao, Thái Nguyên, Hạ Long)... Ngay với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), số vốn cam kết BLCP lên tới 9,7 tỷ USD - chiếm 61% tổng số nợ vay của lĩnh vực điện - cũng đang gây ra quan ngại. Bởi hiện EVN và các tổng công ty điện lực sẽ tiếp tục phải xử lý lỗ do chênh lệch tỷ giá hàng năm bằng nguồn thu từ bán điện nội tệ, trong khi nhiều khoản vay lớn bằng ngoại tệ.

Trong báo cáo kiến nghị của Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh: “Trường hợp EVN và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tiếp tục triển khai các dự án đầu tư với khối lượng huy động vốn lớn trong nước cần BLCP, Quốc hội cần xem xét, phê duyệt tổng thể việc cấp BLCP cho lĩnh vực này để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Đồng thời, hàng năm Bộ Công Thương cần thực hiện giám sát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ các khoản lỗ này có được coi là lỗ do thực hiện chính sách hay không, để đảm bảo tiêu chí doanh nghiệp không bị lỗ khi xem xét cấp BLCP theo quy định của Luật Quản lý nợ công”.

Tính đến 31-12-2015, tổng dư nợ được BLCP gần 460.000 tỷ đồng (bao gồm cả nợ được bảo lãnh để tái cơ cấu SBIC - Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy), chiếm tới 17,6% dư nợ công và 11,1% GDP. Trong đó, riêng giai đoạn 2011-2015, Bộ Tài chính đã cấp bảo lãnh vay trong và ngoài nước cho 35 chương trình, dự án với vốn cam kết tương đương 15,6 tỷ USD; còn tổng số cam kết bảo lãnh gần 26 tỷ USD (bảo lãnh nước ngoài chiếm gần 84%), dư nợ gốc 13 tỷ USD (dư nợ gốc nước ngoài chiếm gần 87%). Điều đáng nói, năm 2010 dư nợ được BLCP 226.000 tỷ đồng, nhưng hết năm 2015 đã tăng vọt lên 460.000 tỷ đồng, cho thấy nhu cầu vốn cho sự phát triển kinh tế rất lớn, nhưng cũng mang đến không ít lo ngại khi công trình, dự án hoạt động khó khăn, thua lỗ, tạo rủi ro cho việc trả nợ, từ đó gây áp lực lên nợ công. Trường hợp Vinashin (nay là SBIC) là một minh chứng cho những rủi ro có thể mang lại khi nợ doanh nghiệp khiến Chính phủ phải trả nợ thay.

Với tỷ lệ nợ quá cao như vậy, trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Tài chính trình Quốc hội phương án giảm mức rút vốn ròng hàng năm (tổng số rút vốn ròng hàng năm bằng tổng số rút vốn trong năm trừ đi tổng số trả nợ gốc trong năm) của các dự án vay vốn nước ngoài ở mức 1,5 tỷ USD (hiện 2,5 tỷ USD) và trong nước 5.000 tỷ đồng (hiện 12.500 tỷ đồng).

Từ thực tế trên, việc siết lại BLCP trong giai đoạn tới có vẻ là muộn nhưng hết sức cần thiết, đặc biệt khi nợ công đang tiến sát trần cho phép. Sự chặt chẽ hơn trong việc BLCP đối với các khoản vay cũng sẽ tạo áp lực để doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động hiệu quả hơn, để từ đó bằng hệ số tín nhiệm của mình huy động vốn thông qua hình thức khác như phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Điều đó cũng sẽ nắn nguồn vốn BLCP không đến với những doanh nghiệp nhà nước mang nặng tính thân hữu vốn hay dựa vào cơ chế xin - cho để vay.

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2016 của Bộ Công Thương ngày 12-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết “không muốn nhắc lại” một số công trình lớn triển khai chậm cũng như các công trình “đắp chiếu”, nhưng khẳng định Chính phủ sẽ không tiếp tục “ném tiền” vào dự án thép Thái Nguyên dù đã nhận được đề xuất.

Các tin khác