Sau VNCB là ngân hàng nào?

Sau bài viết “VNCB-Hành trình đến đích 0 đồng” và “Cổ đông nhỏ lép vế” đăng trên ĐTTC số ra ngày 5-2-2015, tòa soạn nhận được nhiều ý kiến của các nhà đầu tư và cổ đông chia sẻ từ câu chuyện của VNCB (NHTMCP Xây dựng Việt Nam).
 

Sau bài viết “VNCB-Hành trình đến đích 0 đồng” và “Cổ đông nhỏ lép vế” đăng trên ĐTTC số ra ngày 5-2-2015, tòa soạn nhận được nhiều ý kiến của các nhà đầu tư và cổ đông chia sẻ từ câu chuyện của VNCB (NHTMCP Xây dựng Việt Nam).

Tâm lý chung là lo ngại về hiện tượng kém minh bạch thông tin hiện nay của nhiều doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có nhiều ngân hàng (NH) - là một doanh nghiệp đặc biệt. Theo quy định NH là công ty đại chúng và phải tuân thủ công bố thông tin một cách nghiêm ngặt. Nhưng điều nghịch lý là trước đó VNCB không hề có thông tin nào được công bố về sức khỏe của NH này, thậm chí cho đến khi cổ đông của VNCB mất trắng cũng không hề biết tình trạng thực sự vốn liếng của mình đã mất như thế nào.

Còn nhớ vào giữa năm 2013, Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định 1161 thay đổi tên gọi NHTMCP Đại Tín (TrustBank) thành VNCB. VNCB được coi là NH chuyên ngành trong lĩnh vực xây dựng và đưa ra kế hoạch tăng vốn dự kiến đạt 7.500 tỷ đồng vào cuối năm 2013. Song tại trang web chính thức của VNCB, thông tin về tình hình tài chính mới nhất được công bố vào cuối năm 2011.

Như vậy hầu như không có thông tin nào về tài chính và hoạt động của TrustBank hay VNCB trong suốt hơn 3 năm qua. Đặc biệt, trong suốt thời gian tái cấu trúc, mọi thông tin tài chính của VNCB đều rất ít công bố trước công chúng. Cho đến khi một loạt thành viên HĐQT và lãnh đạo cao cấp của VNCB bị khởi tố, nhà đầu tư và cổ đông mới bắt đầu lo ngại.

Một NH khác cũng được nhiều nhà đầu tư quan tâm trong thời gian qua là NHTMCP Sài Gòn (SCB), đây là NH được hợp nhất bởi 3 NH Đệ Nhất, Sài Gòn và Tín Nghĩa. Trên trang web chính thức của SCB, thông tin về tài chính và tình hình hoạt động NH này cũng rất ít. Báo cáo tài chính mới nhất SCB công bố trên web là năm 2012, tức 1 năm sau khi SCB (mới) ra đời.

Hay trên web chính thức của NH Việt Nam Thương tín (Vietbank) về tình hình tài chính cũng chỉ có đến cuối năm 2012, thậm chí còn không có mục dành cho cổ đông. Đặc biệt, báo cáo tài chính “gốc” của NH này hầu như không thể tìm được trên mạng. Tương tự, đối với NH Dầu khí Toàn cầu (GPBank), thông tin tài chính mới nhất được công bố trên website chính thức cũng chỉ đến cuối năm 2010. Như vậy, nhà đầu tư và công chúng hoàn toàn “trắng tay” về sức khỏe của các định chế tài chính mà họ quan tâm.

Theo quy định trong Thông tư 52/2012/TT-BTC ngày 5-4-2012 của Bộ Tài chính, những công ty đại chúng phải tuân thủ quy định nghiêm ngặt về việc công bố thông tin. Các NH như SCB, VNCB, GPBank, Vietbank… đều là những công ty đại chúng và phải tuân thủ quy định công bố thông tin. Theo đó, phải công bố bảng cân đối kế toán; báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh; báo cáo lưu chuyển tiền tệ; bản thuyết minh báo cáo tài chính định kỳ hàng quý và hàng năm.

Bên cạnh đó, NH cũng phải công bố các báo cáo như báo cáo thường niên, thông tin về tình hình quản trị và nhiều thông tin bất thường khác… Song thực tế những quy định này thường áp dụng đối với những doanh nghiệp niêm yết với chế tài khá mạnh, còn đối với những công ty đại chúng chưa niêm yết rất lỏng lẻo. Điều này đưa đến nhiều hệ quả, đó là sức khỏe của hệ thống NH không minh bạch, làm chậm quá trình tái cấu trúc hệ thống NH, đặc biệt cổ đông nhỏ của NH đến khi mất vốn vẫn không biết sức khỏe thật sự của NH mình đang có cổ phần.

Một hệ quả khác của sự kém minh bạch làm méo mó thông tin, dẫn đến những xáo trộn trong hệ thống NH. Bởi nếu tình hình sức khỏe thật sự của các NH được công bố định kỳ, người gửi tiền sẽ cân nhắc việc gửi tiền vào NH nào đảm bảo an toàn hơn. Như vậy, tình trạng chạy đua lãi suất huy động như từng xảy ra trước đây cũng được hạn chế.

Các tin khác