Rối với sửa luật chồng luật

(ĐTTCO) - Ngày 20-2 tới, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sẽ tổ chức hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.

 

Rối với sửa luật chồng luật
VCCI cũng đã có văn bản góp ý về những bất cập xung quanh 2 luật này, nhưng do đây là dự án sửa đổi 2 luật lớn, tác động trực tiếp đến cộng đồng doanh nghiệp, nên cần tổ chức hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp.
Theo quy định của Luật Đầu tư, danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện sẽ được sửa đổi, bổ sung trong từng thời kỳ do Chính phủ rà soát và trình Quốc hội (Điều 8). Thực ra quy định này được thiết kế với mục tiêu, hạn chế tình trạng ban hành mới các ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong các lĩnh vực chuyên ngành một cách không thể kiểm soát. Bởi trên thực tế, nhiều ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được ban hành trong các luật khác sau Luật Đầu tư, vì vậy nằm ngoài danh mục. 
Thường các ngành nghề này được bổ sung vào danh mục với lý do là “đã được quy định trong Luật A…”. Như vậy, với thực trạng này mục tiêu quy định danh mục trong Luật Đầu tư sẽ trở nên ít ý nghĩa. 
Thế nhưng, hiện dự thảo luật lại chưa có quy định để giải quyết tình trạng “gián tiếp vô hiệu hóa” danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư. Về mặt pháp lý, sở dĩ tình trạng này có thể tồn tại do quy định tại Luật Đầu tư chưa làm rõ được mối quan hệ giữa Luật Đầu tư và các luật ban hành sau về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, thể hiện ít nhất là ở các điểm: có độ vênh về thời gian khi sửa đổi danh mục trong Luật Đầu tư với thời điểm ban hành luật có ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mới; chưa có cơ chế kiểm soát hữu hiệu việc ban hành mới các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, để đảm bảo các ngành, nghề này phù hợp với tính chất quy định tại Luật Đầu tư.
Hiện dự thảo bổ sung thêm 3 ngành nghề kinh doanh có điều kiện mới là “tư vấn lập quy hoạch lâm nghiệp”, “đăng kiểm tàu cá”, “kinh doanh sản phẩm báo chí”, với lý do thống nhất với các văn bản pháp luật chuyên ngành. Tuy nhiên, việc bổ sung thêm các ngành, nghề kinh doanh này cần được xem xét ở một số vấn đề.
Chẳng hạn với tư cách là luật gốc quy định về điều kiện kinh doanh, ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thì việc xem xét để bổ sung hay bãi bỏ một ngành, nghề kinh doanh có điều kiện cần được dựa vào tiêu chí quy định hiện tại, chứ không phải là vì các ngành, nghề này đã có trong các văn bản pháp luật chuyên ngành. Vì vậy, lý do để bổ sung các ngành, nghề này cần được đánh giá, giải trình lại theo hướng có phù hợp với Điều 7 Luật Đầu tư hay không.
Lấy đơn cử như “kinh doanh sản phẩm báo chí”, theo quy định tại Khoản 7 Điều 3 Luật Báo chí 2016, “sản phẩm báo chí là ấn phẩm, phụ trương của báo in; nội dung hoàn chỉnh của báo điện tử; bản tin thông tấn; kênh phát thanh, kênh truyền hình; chuyên trang của báo điện tử”. Theo đó, “kinh doanh sản phẩm báo chí” sẽ là hoạt động kinh doanh với phạm vi rất rộng, có sự chồng lấn với các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện khác. Thí dụ “kinh doanh dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền”; “kinh doanh dịch vụ phát hành xuất bản phẩm”; “kinh doanh dịch vụ mạng xã hội”; “kinh doanh dịch vụ thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp”…
Thậm chí có khả năng bao gồm những hoạt động kinh doanh không nhất thiết phải kiểm soát bằng điều kiện kinh doanh (thí dụ buôn bán các loại ấn phẩm…). “Kinh doanh sản phẩm báo chí” là khái niệm không được nhắc đến trong Luật Báo chí, vì vậy không rõ hoạt động kinh doanh này như thế nào? Các điều kiện kinh doanh áp dụng ra sao?
Dự thảo đã có sửa đổi khá quan trọng về việc áp dụng thủ tục đăng ký doanh nghiệp. Theo đó, tất cả các tổ chức kinh tế khi thành lập đều phải thực hiện việc đăng ký doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp. Như vậy với các lĩnh vực mà hiện việc thành lập và hoạt động hoàn toàn theo pháp luật chuyên ngành, (ví dụ: ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm…) có phải đăng ký lại hay không. Rõ ràng quy định mới này của dự thảo sẽ làm thay đổi trình tự, thủ tục thành lập và hoạt động của các doanh nghiệp trong các lĩnh vực này.
Tuy nhiên, trong dự thảo lại chưa có quy định để “xử lý” các vấn đề pháp lý phát sinh từ thay đổi này. Khi đó giá trị, thời điểm hiệu lực của giấy đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp có ảnh hưởng như thế nào tới các giấy phép kinh doanh theo luật chuyên ngành mà doanh nghiệp đang có?
Trong tương lai, quy trình đăng ký kinh doanh theo luật sửa đổi này và xin phép thành lập theo luật chuyên ngành sẽ kết hợp như thế nào? Bởi về mặt pháp lý, nếu doanh nghiệp đã đăng ký thành lập thành công ty theo Luật Doanh nghiệp là chủ thể đã tồn tại, do đó sẽ mâu thuẫn với thủ tục “xin phép thành lập” theo luật chuyên ngành.
Và trong trường hợp này về nguyên tắc các luật chuyên ngành sẽ phải sửa đổi, để chuyển thủ tục “cấp phép thành lập và kinh doanh” hiện tại thành thủ tục cấp phép kinh doanh (giấy phép cho ngành nghề kinh doanh có điều kiện - giấy phép con).

Các tin khác