Quyết tâm cải cách

Đồng thời, đến năm 2015 giảm thời gian làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu ngang bằng với mức bình quân các nước ASEAN-6 (xuất khẩu 14 ngày, nhập khẩu 13 ngày). Đối với thủ tục hành chính thuế, đến cuối năm 2014 giảm thời gian thực hiện thủ tục khai thuế, nộp thuế xuống còn không quá 300 giờ/năm và đến năm 2015 bằng với mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6 (171 giờ/năm); giảm số lần nộp thuế xuống tối thiểu bằng với mức trung bình các nước trong khu vực.

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ngành hải quan đến cuối năm 2014 phải giảm 50% thời gian thực hiện thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu so với hiện nay; giảm số lượng giấy tờ đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, công khai các chỉ số thông quan.

Đồng thời, đến năm 2015 giảm thời gian làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu ngang bằng với mức bình quân các nước ASEAN-6 (xuất khẩu 14 ngày, nhập khẩu 13 ngày). Đối với thủ tục hành chính thuế, đến cuối năm 2014 giảm thời gian thực hiện thủ tục khai thuế, nộp thuế xuống còn không quá 300 giờ/năm và đến năm 2015 bằng với mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6 (171 giờ/năm); giảm số lần nộp thuế xuống tối thiểu bằng với mức trung bình các nước trong khu vực.

Về thu, nộp các khoản bảo hiểm bắt buộc, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan hướng dẫn Bảo hiểm xã hội Việt Nam nghiên cứu, sửa đổi ngay quy trình, thủ tục để đến cuối năm 2014 giảm 1/3 số lần và giảm 50% số giờ thực hiện thủ tục hành chính lĩnh vực này.

Những chỉ đạo trên của Thủ tướng thể hiện quyết tâm cải cách mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh nền kinh tế đang được tái cơ cấu. Xét về khía cạnh giá trị kinh tế, kết quả thu được rất lớn nếu các chỉ đạo của Thủ tướng được thực hiện đầy đủ.

Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB), nếu Việt Nam rút ngắn được thời gian thông quan xuất nhập khẩu 29 ngày sẽ giúp GDP tăng khoảng 27 tỷ USD. Hiện thời gian thông quan hàng hóa nhập khẩu của nước ta là 21 ngày, xuất khẩu 22 ngày. Đến cuối năm nay, nếu rút ngắn 50% thời gian như chỉ đạo của Thủ tướng, GDP có thể tăng thêm khoảng 20 tỷ USD.

Tương tự, việc rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục khai thuế, nộp thuế từ mức 872 giờ/năm (theo đánh giá của WB) xuống còn không quá 300 giờ vào cuối năm nay, số tiền doanh nghiệp tiết kiệm được có thể lên tới hàng tỷ USD. Bên cạnh những giá trị kinh tế có thể tính được, việc giảm bớt thủ tục và thời gian về thuế và hải quan sẽ khiến môi trường kinh doanh Việt Nam hấp dẫn, thu hút nhiều hơn nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia, kích thích tiêu dùng, góp phần phục hồi nền kinh tế.

Hiệu quả đã rõ, nhưng việc triển khai quyết tâm cải cách từ phía các cơ quan liên quan ra sao? Như ĐTTC từng đề cập, những giải pháp và mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã được nêu ra tại Nghị quyết 19 của Chính phủ (ban hành từ tháng 3-2014). Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, dường như cả ngành thuế và hải quan đều chưa thực sự tỏ rõ quyết tâm cải cách.

Những chỉ số như thời gian thông quan nhập khẩu 21 ngày, xuất khẩu 22 ngày; thời gian kê khai và nộp thuế 872 giờ/năm... là kết quả trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu (Doing Business) của WB. Tại một số cuộc hội thảo, đại diện ngành thuế và hải quan cho rằng việc cắt giảm thời gian làm thủ tục không dễ dàng, bởi cách tính thời gian giữa WB và các ngành này có sự khác nhau.

Là một trong những cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị quyết 19, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã nhiều lần tổ chức các cuộc hội thảo để làm rõ vấn đề này. Trong chuỗi hội thảo về Doing Business do viện này tổ chức trong suốt tuần trước, nhiều chuyên gia quốc tế của WB và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã được mời tới để cùng đại diện ngành thuế và hải quan làm rõ kỹ thuật đánh giá và xếp hạng của WB. Qua đó, cùng thống nhất các giải pháp để cắt giảm thời gian làm thủ tục thuế và hải quan theo đúng tiêu chuẩn Doing Business.

Như vậy, hướng cải cách môi trường kinh doanh đã khá rõ ràng, vấn đề còn lại là quyết tâm của ngành thuế và hải quan tới đâu? Chính sách tốt nhưng điều quan trọng là con người thực hiện.

Tại buổi làm việc của Thủ tướng với ngành thuế mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã phê bình ngành thuế khi số giờ kê khai, nộp thuế ở mức cao nhất trong khu vực. Người đứng đầu ngành tài chính cho rằng tác phong, lề lối của cán bộ thuế là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này. Do đó, đây là vấn đề cần cải cách trước nhất.

Cũng tương tự ngành thuế, Thủ tướng yêu cầu ngành hải quan cần chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý cán bộ, nhất là ở cơ sở; nghiêm túc khắc phục tiêu cực, sách nhiễu, gây phiền hà trong quá trình làm thủ tục, đặc biệt trong khâu giám sát, kiểm tra, thông quan hàng hóa ở các cửa khẩu. Chỉ tiêu Thủ tướng giao cho thuế và hải quan rất rõ ràng và nếu không thực hiện được, lãnh đạo 2 ngành này phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, trước cộng đồng doanh nghiệp bởi sự yếu kém, trì trệ của môi trường kinh doanh.

Các tin khác