Quyết định mang tính bước ngoặt

Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, một nội dung đặc biệt quan trọng của kỳ họp thứ 6 là Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Tại kỳ họp trước, bản dự thảo này đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến và được tiếp thu, chỉnh lý trên cơ sở ý kiến của nhân dân. Thành công của công cuộc đổi mới, nhất là trên lĩnh vực kinh tế, có phần tác động tích cực từ quyền tự do của người dân, đặc biệt tự do kinh doanh và tự do tài sản mà Hiến pháp năm 1992 đã xác lập.

Hôm nay 21-10, kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII chính thức khai mạc tại Hà Nội. Có thể nói đây là kỳ họp của những bước ngoặt, bởi có nhiều nội dung quan trọng, tác động lớn tới sự phát triển của đất nước trong thời gian tới, sẽ được Quốc hội xem xét.

Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, một nội dung đặc biệt quan trọng của kỳ họp thứ 6 là Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Tại kỳ họp trước, bản dự thảo này đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến và được tiếp thu, chỉnh lý trên cơ sở ý kiến của nhân dân. Thành công của công cuộc đổi mới, nhất là trên lĩnh vực kinh tế, có phần tác động tích cực từ quyền tự do của người dân, đặc biệt tự do kinh doanh và tự do tài sản mà Hiến pháp năm 1992 đã xác lập.

Vì vậy, Hiến pháp năm 1992 sửa đổi được kỳ vọng tiếp tục thúc đẩy xu thế này tiến xa hơn, thể hiện rõ và đầy đủ hơn về quyền của người dân. Hy vọng với bản lĩnh, trí tuệ và trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp này, đất nước sẽ có một bản Hiến pháp tiến bộ nhất, thể hiện được ý nguyện của nhân dân.

Một đạo luật quan trọng cũng dự kiến được xem xét thông qua tại kỳ họp này. Đó là Luật Đất đai (sửa đổi), dự luật với kỷ lục được trình tới 3 kỳ họp vẫn chưa được thông qua, bởi có quá nhiều vấn đề phức tạp, đặc biệt là quan điểm về chế độ sở hữu hay vấn đề giá đất, thu hồi đất.

Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan đã dành nhiều thời gian nghiên cứu cẩn thận, kỹ lưỡng và thực hiện các bước đi thận trọng trong việc sửa đổi luật. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp này gồm 14 chương, 212 điều, tăng 2 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.

Tất nhiên, để được Quốc hội thông qua, vấn đề quan trọng là dự luật phải được sự đồng thuận cao với các quy định mới thực sự giải quyết được những bất cập về quản lý đất đai trong thời gian qua. Các đại biểu của dân khi thảo luận và bấm nút thông qua dự luật này chắc sẽ không thể quên số liệu của Thanh tra Chính phủ, rằng hơn 3 năm qua đã nhận được tới 700.000 khiếu kiện và tố cáo về vấn đề đất đai, 70% liên quan đến các quyết định thu hồi và đền bù đất.

Bên cạnh việc xem xét kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2014, một nội dung khá đặc biệt được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp này là tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011-2015).

Đây có thể xem như bước sơ kết giữa nhiệm kỳ để rút ra các bài học, kinh nghiệm của giai đoạn 2011-2013, xác định bước đi trong trung hạn, đề ra phương hướng giải pháp phát triển đất nước giai đoạn 2013-2015. Ngay trước kỳ họp, tại một số diễn đàn kinh tế, nhìn vào kết quả sau 3 năm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm 2011-2015, đại diện Chính phủ và chuyên gia đều nhận định rất khó để đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Tốc độ tăng GDP giai đoạn 2011-2015 được kỳ vọng 6,5-7%, lạm phát 5-7%. Tuy nhiên, tính toán hiện nay cho thấy GDP giai đoạn này chỉ ước tăng 5,8%, lạm phát lên tới 9,2%. Ngay trong năm 2013, có tới 7/15 chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra như tốc độ tăng trưởng GDP, giá trị gia tăng công nghiệp, xây dựng, giải quyết việc làm. Dư địa chính sách cho mô hình tăng trưởng hiện tại không còn nhiều.

Nguyên nhân của kết quả trên được cho là do dự báo kém, không dám nhìn thẳng vào những sai lầm. Và chính những sai lầm chủ quan này đã dẫn đến bất ổn vĩ mô, là nguyên nhân chính khiến nền kinh tế loay hoay trong giai đoạn vừa qua.

Vấn đề đặt ra tại kỳ họp này của Quốc hội là phải xác định được quan điểm phát triển trong trung hạn, chọn chỉ tiêu tiếp tục tăng trưởng ở mức khá cao như kế hoạch, hay giữ ổn định vĩ mô đi kèm mức tăng trưởng phù hợp.

Hiện đã có nhiều ý kiến về việc cần có một chương trình trung hạn (từ nay đến hết năm 2015) để phục hồi kinh tế, khôi phục niềm tin thị trường, chủ đạo là thực hiện chính sách "lạm phát mục tiêu" với mức tăng CPI khoảng 7%/năm cho 3 năm 2013-2015, có thể dưới 5% cho các năm tiếp theo. Cùng với đó, đặt mục tiêu tăng trưởng hợp lý khoảng 6% cho giai đoạn 2014-2015. Đi liền với đó là tập trung quyết liệt thực hiện đề án tái cơ cấu kinh tế với 3 đột phá chiến lược theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 khóa XI.

Nhân dân và cử tri kỳ vọng Quốc hội với trí tuệ và trách nhiệm của mình tại kỳ họp này sẽ sáng suốt tìm được con đường thích hợp, đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển đất nước.

Các tin khác