Quá khó với lãnh đạo ngân hàng

(ĐTTCO) - Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) đã được Quốc hội thông qua ngày 20-11, có hiệu lực từ ngày 15-1-2018 được dư luận đặc biệt quan tâm.
Quá khó với lãnh đạo ngân hàng

 Giới nghiên cứu cho rằng các quy định mới của luật sẽ đóng góp quan trọng trong việc bảo đảm quyền lợi các cổ đông, các chủ sở hữu ngân hàng, bảo đảm an ninh-an toàn của hệ thống tài chính. Các chuyên gia tài chính nhận định, với luật sửa đổi, bổ sung, ngành ngân hàng có thêm công cụ pháp lý để tiếp tục thực hiện đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD, xử lý các ngân hàng yếu kém một cách bài bản.

Luật sửa đổi, bổ sung có nhiều điểm rất mới, là bước tiến mạnh mẽ trong việc quản lý, kiểm soát hoạt động hệ thống ngân hàng, nâng cao vai trò điều hành của NHNN. Tuy nhiên, cũng đã làm phát sinh nhiều hệ quả phức tạp để xử lý các vướng mắc đang tồn tại. Điểm mới nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 34 của Luật các TCTD quy định chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT), chủ tịch hội đồng thành viên (HĐTV), tổng giám đốc của một TCTD không được đồng thời là chủ tịch, thành viên HĐQT; chủ tịch, thành viên HĐTV, chủ tịch công ty, tổng giám đốc hoặc các chức danh tương đương của bất kỳ một doanh nghiệp khác.
Các lãnh đạo tại các vị trí khác trong ban điều hành của ngân hàng như tổng giám đốc, phó tổng giám đốc cũng không được là thành viên HĐQT hay Ban kiểm soát của ngân hàng khác, trừ trường hợp tổ chức đó là công ty con của ngân hàng. Theo quy định mới, một người làm phó tổng giám đốc của một ngân hàng cũng không được làm tổng giám đốc hay phó tổng giám đốc của bất cứ doanh nghiệp nào khác.
Việc các sếp cao nhất của ngân hàng không được kiêm nhiệm các chức vụ khác, giữ vị trí đầu não ở các doanh nghiệp khác - hay cụ thể hơn, chỉ được chọn một - là việc khó của nhiều chủ tịch HĐQT các ngân hàng thương mại hiện nay. Do bối cảnh lịch sử hình thành, thực tế có nhiều tỷ phú là lãnh đạo nhiều doanh nghiệp lớn, các tập đoàn kinh tế, vừa là chủ tịch HĐQT tại một TCTD, như các ngân hàng SHB, ABBank, Sacombank, NamABank, KienLongBank, HDBank, SeaBank, TPBank, Techcombank, VietABank… Điều này sẽ được thực hiện ra sao để thực thi đúng luật thời gian tới?
Không thể phủ nhận điểm tích cực của các quy định mới là nhằm hạn chế sở hữu chéo; tình trạng lợi ích nhóm sân trước-sân sau lũng đoạn ngân hàng, thị trường tài chính; người thâu tóm ngân hàng thực chất thiếu chuyên môn, không có “tiền tươi thóc thật”… Tuy nhiên, áp vào những trường hợp cụ thể, loại bỏ những doanh nhân tốt, có tiềm lực tài chính đứng vào vị trí lãnh đạo ngân hàng cũng phát sinh những hệ lụy và bộc lộ nhiều điểm chưa thỏa đáng.
Kinh doanh ngân hàng, lĩnh vực tài chính là kinh doanh niềm tin. Nếu đại gia bỏ ngân hàng, chọn quay về quản lý doanh nghiệp, thay vị trí chủ tịch HĐQT hoặc tổng giám đốc ngân hàng thương mại bằng những người không tên tuổi, không nổi tiếng, không sở hữu vốn cổ phiếu lớn tại ngân hàng… liệu có thu hút được nguồn vốn đại chúng gửi vào ngân hàng? Trước sự lựa chọn có 1 chức danh quản lý, một số chủ tịch HĐQT cho biết sẵn sàng rời bỏ các công ty, tập đoàn để chuyên tâm thực hiện quản trị, tái cơ cấu ngân hàng nhưng đối với một số người khác, là sự chọn lựa đầy khó khăn do không tìm được người có tầm vóc thay thế mình ở các công ty, tập đoàn riêng đã kinh doanh rất hiệu quả, trở thành các thương hiệu nổi tiếng, hoạt động có bề dày lịch sử trên thương trường.
Quản trị ngân hàng còn do tầm vóc uy tín. Hiện có những chủ tịch HĐQT ngân hàng không có vốn hoặc vốn cổ phần ít tại ngân hàng nhưng vẫn được đại hội cổ đông bầu vào chức danh chủ tịch HĐQT. Vị này còn được một công ty lớn tầm cỡ quốc gia “thuê” kiêm nhiệm chủ tịch HĐQT tại đơn vị mình. Điều này xử lý ra sao? Chẳng lẽ loại bỏ chất xám, kinh nghiệm quản trị và uy tín của một cá nhân được cộng đồng thừa nhận!
Ngoài những mắc mứu nêu trên, một số chuyên gia tài chính cũng bày tỏ lo ngại về tính hiệu quả của quy định “chỉ chọn 1 trong 2 hoặc nhiều hơn”. Bởi trước đây NHNN cũng đã có quy định giới hạn cấp tín dụng giữa các công ty con trong ngân hàng, giữa ngân hàng với các công ty "sân sau" có liên quan với ông chủ nhà băng… Nhưng do việc kiểm soát kém, không minh bạch đã không phát huy hiệu quả.
Với Luật các TCTD sửa đổi, liệu có việc một số lãnh đạo doanh nghiệp sẽ không ngồi vào ghế HĐQT tại các ngân hàng mà thay bằng người thân, hoặc ngược lại, để tiếp tục vay vốn tại ngân hàng. Với quy định mới, ông chủ các ngân hàng nếu đạo đức yếu kém (như nhiều trường hợp đã bị truy tố) cũng có thể lách luật bằng cách thay thế những người thân quen, trên thực tế vẫn điều hành cả doanh nghiệp và ngân hàng, người trong cương vị mới cũng chỉ là những kẻ đóng thế.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định mục tiêu của Luật các TCTD sửa đổi nhằm nâng cao sự minh bạch, an toàn hệ thống, góp phần hạn chế sở hữu chéo và việc thao túng trong hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cần tăng cường hoạt động thanh tra, giám sát hiệu quả để loại trừ, ngăn chặn các yếu tố tiêu cực phát sinh ngay từ gốc, xử lý kịp thời, hơn là kỳ vọng vào đạo đức người quản trị và việc tuân thủ luật nghiêm minh.

Các tin khác