Phục hồi niềm tin, tăng sức mua

Số liệu thống kê cho thấy người tiêu dùng chỉ dành tiền cho những sản phẩm thiết yếu như thực phẩm, trong khi cắt giảm chi tiêu cho những mặt hàng gia dụng và may mặc. Điều này cho thấy hoạt động kinh tế tiếp tục bị ảnh hưởng bởi yếu tố lòng tin của người mua.

Bộ phận nghiên cứu kinh tế của Ngân hàng HSBC vừa công bố bản báo cáo bày tỏ sự lo ngại về tình hình vĩ mô của Việt Nam sau khi lạm phát tháng 2 - tháng Tết Nguyên đán - thấp nhất trong 5 năm qua.

Số liệu thống kê cho thấy người tiêu dùng chỉ dành tiền cho những sản phẩm thiết yếu như thực phẩm, trong khi cắt giảm chi tiêu cho những mặt hàng gia dụng và may mặc. Điều này cho thấy hoạt động kinh tế tiếp tục bị ảnh hưởng bởi yếu tố lòng tin của người mua.

"Điều đáng lo ngại nếu đầu tư và chi tiêu thiếu hiệu quả trong thời gian quá dài, nhiều thiệt hại sẽ giáng vào nền kinh tế gây ra những hậu quả dài hạn" - nhóm nghiên cứu HSBC nhận định.

Tổng cầu suy yếu, hàng tồn kho lớn và sức mua giảm mạnh là những “điểm nghẽn” được nhắc nhiều trong bức tranh kinh tế năm 2013. Nhìn vào diễn biến trong 2 tháng đầu năm nay, có vẻ tình hình này chưa được cải thiện. Theo quy luật thông thường, trong tháng trước và sau Tết Nguyên đán, sức mua thường tăng mạnh kéo theo mức tăng của CPI.

Nhưng diễn biến chỉ số giá cả đầu năm 2014 đã đi ngược xu hướng đó, cho thấy sức mua của thị trường không chỉ yếu mà có thể đã lâm vào tình trạng kiệt quệ. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng CPI của tháng 1 khá thấp (tăng 0,69%), của tháng 2 còn thấp hơn (tăng 0,55%). Tính chung CPI 2 tháng đầu năm 2014 tăng thấp nhất tính từ năm 2002, thấp xa so với CPI bình quân của cùng kỳ trong 12 năm trước (tăng 3,37%).

Nếu so sánh xa hơn, CPI 2 tháng đầu năm nay thấp thứ hai so với CPI cùng kỳ trong hơn 30 năm qua, chỉ thấp thua CPI cùng kỳ năm 2001 (tăng 0,7%), 1 trong 3 năm có CPI cả năm được coi là thiểu phát (năm 1999 tăng 0,1%, năm 2000 giảm 0,6%, năm 2001 tăng 0,8%).

Trong nửa cuối năm 2013, nhiều giải pháp kích cầu tiêu dùng đã được thực hiện để cải thiện sức mua, giải phóng hàng tồn kho. Đặc biệt dịp Tết Nguyên đán, hàng loạt cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại giảm giá mạnh các loại hàng hóa, liên tiếp tổ chức các đợt khuyến mại lớn.

Thậm chí, có nơi như siêu thị Metro chuyên bán sỉ cũng giảm giá tới gần 50% một số nhóm hàng. Tuy nhiên, khác với những năm trước, sức mua dịp tết gần như không tăng. Thực tế này khiến một số chuyên gia nhận định tình trạng sức mua yếu có thể còn kéo dài tới giữa năm 2014. Sức mua yếu sẽ khiến hàng hóa tồn kho lớn. Lúc đó, tổng cầu thị trường kém, có thể dẫn đến nguy cơ kinh tế rơi vào tình trạng thiểu phát.

Nhìn lại các giải pháp kích cầu tiêu dùng thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng muốn tăng tổng cầu, khôi phục sức mua của thị trường, điều quan trọng là phải tăng niềm tin người tiêu dùng. Để làm được điều này, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế cần được thực hiện nhanh và hiệu quả hơn.

Khi người dân và doanh nghiệp có niềm tin vào chính sách, họ mới mạnh dạn chi nhiều tiền hơn cho đầu tư và tiêu dùng. Bên cạnh đó, một việc khác cần phải làm ngay là tổ chức lại hệ thống phân phối nội địa theo hướng bài bản, chuyên nghiệp. Trong đó, thiết lập chuỗi sản xuất phân phối đi thẳng từ sản xuất tới tiêu dùng.

Đó là chuyện trước mắt, về lâu dài chúng ta không thể loay hoay mãi với vòng xoáy lạm phát - cắt giảm - suy giảm - kích cầu - lạm phát. Những năm gần đây, Việt Nam thường xuyên tìm đến các chính sách quản lý tổng cầu, bao gồm kích thích tài khóa và tiền tệ, như là những phương thuốc hữu hiệu nhằm ngăn chặn sự suy giảm tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy việc lạm dụng các biện pháp kích cầu, thay vì giúp nền kinh tế hồi phục từ những cú sốc tạm thời trong ngắn hạn, lại tạo ra những bất ổn lâu dài. Thêm vào đó, việc xem nhẹ hay bỏ qua những biện pháp tập trung cải thiện tổng cung tiềm năng đã khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình ngày càng thấp.

Các lý thuyết kinh tế đã chỉ ra rằng các chính sách kích thích tổng cầu chỉ thực sự phát huy tác dụng khi nền kinh tế đang ở sâu trong suy thoái, hoặc chúng được đi kèm cùng sự cải thiện của tổng cung tiềm năng nhờ các yếu tố như năng suất, cạnh tranh, tiến bộ công nghệ...

Gần đây, một số chuyên gia kinh tế đã đưa ra nhiều phân tích cho thấy các chính sách quản lý tổng cầu ít có tác động đến tăng trưởng kinh tế, mà chủ yếu gây ra lạm phát cao và bất ổn. Những kết quả này gợi ý việc thực hiện các chính sách kích thích tổng cầu (nếu có) trong thời gian tới cần hết sức thận trọng từ khâu thiết kế, thực thi đến giám sát.

Trong bối cảnh dư địa hạn chế của các chính sách quản lý tổng cầu hiện nay, thay vì chú trọng vào kích thích tổng cầu, cần hướng trọng tâm của các chính sách vĩ mô vào nâng cao tổng cung tiềm năng và cải thiện môi trường vĩ mô của nền kinh tế.

Các tin khác