Ô tô trong nước bị lấn lướt

(ĐTTCO) - Báo cáo thực trạng phát triển ngành công nghiệp ô tô của Bộ Công Thương mới đây thừa nhận, ngành công nghiệp ô tô trong nước chưa đạt tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự, phần lớn lắp ráp ở mức độ đơn giản với 4 công đoạn hàn, sơn, lắp ráp, kiểm tra. Tỷ lệ nội địa hóa xe cá nhân dưới 9 chỗ ngồi rất thấp, đến nay mới đạt bình quân 7-10%. Bên cạnh đó, phần lớn phụ tùng, linh kiện đều phải nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu phụ tùng, linh kiện đạt 2,2 tỷ USD năm 2014, 3 tỷ USD năm 2015 và 3,5 tỷ USD năm 2016.

(ĐTTCO) - Báo cáo thực trạng phát triển ngành công nghiệp ô tô của Bộ Công Thương mới đây thừa nhận, ngành công nghiệp ô tô trong nước chưa đạt tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự, phần lớn lắp ráp ở mức độ đơn giản với 4 công đoạn hàn, sơn, lắp ráp, kiểm tra. Tỷ lệ nội địa hóa xe cá nhân dưới 9 chỗ ngồi rất thấp, đến nay mới đạt bình quân 7-10%. Bên cạnh đó, phần lớn phụ tùng, linh kiện đều phải nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu phụ tùng, linh kiện đạt 2,2 tỷ USD năm 2014, 3 tỷ USD năm 2015 và 3,5 tỷ USD năm 2016.

 

Hai nhà sản xuất, lắp ráp ô tô hàng đầu trong nước là Thaco đạt tỷ lệ nội địa hóa 15-18%, Toyota đạt 37% với riêng dòng xe Innova, thấp hơn mục tiêu đề ra. Các nguyên vật liệu cơ bản như thép chế tạo, cao su, nhựa và chất dẻo phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Điều này làm cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất phụ tùng, linh kiện ô tô ít có lợi thế cạnh tranh vì giá thành sản xuất cao.

Thực tế ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô còn quá yếu kém, chỉ sản xuất được một số ít chủng loại phụ tùng đơn giản, hàm lượng công nghệ thấp. Hiện chỉ có một số ít doanh nghiệp đầu tư dây chuyền dập thân, vỏ xe. Số lượng doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng chưa nhiều. Thời gian qua, ngành công nghiệp ô tô đã thu hút được một số doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện trên thế giới theo hình thức doanh nghiệp chế xuất. Xuất khẩu linh kiện và phụ tùng chủ yếu do khối doanh nghiệp này thực hiện.

Đối với dòng xe từ 10 chỗ trở lên, xe chuyên dụng sản xuất trong nước, tỷ lệ nội địa hóa đạt cao hơn, bước đầu đáp ứng cơ bản thị trường nội địa. Cụ thể, xe tải đến 7 tấn sản xuất, lắp ráp trong nước đáp ứng được 70% nhu cầu, tỷ lệ nội địa hóa trung bình 55%. Xe khách từ 10 chỗ trở lên và một số loại xe chuyên dụng đáp ứng 90% nhu cầu, với tỷ lệ nội địa hóa đạt 45-55%.

Theo số liệu thống kê, thời gian qua quy mô thị trường ô tô Việt Nam không ngừng tăng. Trong giai đoạn 2013-2016 lượng xe ô tô sản xuất và nhập khẩu tăng nhanh, tốc độ tăng sản lượng xe đạt 30%/năm. Riêng trong năm 2016, tổng số xe mới đưa vào lưu thông đạt 459.634 chiếc, trong đó sản xuất trong nước 341.077 chiếc, nhập khẩu 118.557 chiếc. Chất lượng xe lắp ráp trong nước được đánh giá không bằng xe nhập khẩu. Trong khi đó, có một thực tế khác ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phải đối mặt, là lộ trình giảm thuế theo Hiệp định thương mại tự do AFTA khi Việt Nam tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).

Theo cam kết tham gia AEC, Việt Nam sẽ giảm dần thuế nhập khẩu đối với xe nguyên chiếc được sản xuất, lắp ráp trong khu vực 40-60% (năm 2014), xuống 50% (năm 2015), 40% (năm 2016), 30% (năm 2017)  và 0% (năm 2018). Việc hàng rào thuế nhập khẩu giảm xuống 0% kể từ 1-1-2018 chắc chắn tác động đến thị trường ô tô Việt Nam.

Nhìn vào sự phân bổ cơ sở sản xuất tại các nước trong khu vực và công suất lắp ráp của các cơ sở, có thể thấy các hãng xe lớn của Nhật Bản, đặc biệt là Toyota đã có mặt tại các nước trong khu vực, với công suất lắp ráp quy mô lớn. Toyota có tổng công suất lắp ráp tại các nước trong khu vực đạt trên 1 triệu xe/năm, Honda đạt trên 700.000 xe/năm, Nissan, Mitsubishi khoảng 600.000 xe/năm, Mazda gần 300.000 xe/năm.

Riêng công suất lắp ráp xe của Toyota, Honda tại Thái Lan đang dư thừa khoảng 300.000 xe/năm. Hãng xe Ford cũng đang có kế hoạch mở rộng sản xuất, lắp ráp các dòng xe du lịch tại Thái Lan để xuất khẩu sang các nước trong khu vực. Trong khi đó, các tập đoàn sản xuất ô tô lớn đã có kế hoạch tăng sản lượng sản xuất, lắp ráp tại Thái Lan và Indonesia để xuất khẩu sang Việt Nam. Họ chỉ muốn duy trì sản xuất tại Việt Nam ở mức thấp.

Thực tế ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong bối cảnh hội nhập AFTA, cho thấy đã đến lúc ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phải có sự thay đổi chiến lược phát triển. Và mục tiêu phát triển của ngành công nghiệp ô tô được Bộ Công Thương đưa ra trong những năm tới chỉ là duy trì sản xuất trong nước và phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

Vì vậy, đã đến lúc cần xem lại chính sách bảo hộ với ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước có phù hợp và hiệu quả. Bởi hiện nay giá bán ô tô trong nước vẫn ở mức cao, hơn hẳn so với các nước trong khu vực, gây thiệt thòi lớn cho người tiêu dùng.

Các tin khác