Nước đã ngập chân

Và đến nay, hệ quả của vấn đề này đã ngày càng rõ ràng khi lũ lụt đang gây thiệt hại nghiêm trọng tại các tỉnh miền Trung. Không đổ hết lỗi cho thủy điện, nhưng rõ ràng việc phát triển tràn lan công trình thủy điện nhỏ ở miền Trung là một trong những nguyên nhân lớn dẫn tới tình trạng “lũ chồng lũ” hiện nay.

Liên tiếp trên 2 số báo ra ngày 17-10 và 14-11, mục Thời luận Báo ĐTTC đã có bài đề cập tới những bất cập trong công tác quy hoạch thủy điện.

Và đến nay, hệ quả của vấn đề này đã ngày càng rõ ràng khi lũ lụt đang gây thiệt hại nghiêm trọng tại các tỉnh miền Trung. Không đổ hết lỗi cho thủy điện, nhưng rõ ràng việc phát triển tràn lan công trình thủy điện nhỏ ở miền Trung là một trong những nguyên nhân lớn dẫn tới tình trạng “lũ chồng lũ” hiện nay.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong đợt lũ đang diễn ra, không có nhiều thủy điện xả lũ và mức xả không lớn. Thế nhưng phản ánh từ các địa phương cho thấy báo cáo này hoàn toàn khác xa với thực tế. Ngày 16-11, lũ dâng cao gây ngập lụt cả thị xã An Khê của tỉnh Gia Lai mà nguyên nhân chính do thủy điện An Khê - Kanak và hồ thủy lợi Ayun Hạ xả lũ.

Trước đó, hồ thủy điện Hương Điền xả lũ không theo quy trình (nước xả nhiều hơn nước nhận vào hồ) cũng khiến hàng vạn hộ dân ở Thừa Thiên - Huế bị nhấn chìm trong lũ. Tại Quảng Nam, tính đến chiều tối 17-11, nước về hồ thủy điện Sông Tranh 2 là 2.558m3/giây, khiến nước trong lòng hồ dâng cao vượt trên ngưỡng tràn hơn 3,5m, buộc thủy điện này phải tiếp tục xả tràn với lưu lượng lên đến 2.450m3/giây.

Đó chỉ là một vài thí dụ cho thấy thủy điện không thể vô can trong trận lũ lịch sử đang diễn ra tại miền Trung, mà tính đến thời điểm hiện tại đã khiến 46 người chết, hàng chục người mất tích. Trận lũ này khiến vấn đề quy hoạch thủy điện, dù đã được Quốc hội thảo luận tại phiên giám sát tối cao, lại tiếp tục nóng lên trong phiên chất vấn đang diễn ra.

Điều đáng nói, dù hậu quả gây ra đã rất nghiêm trọng và chắc chắn sẽ còn kéo dài, nhưng những người có trách nhiệm dường như vẫn chưa nhận thức được đầy đủ và có phần lảng tránh.

Tuần trước, tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nói: “Quy hoạch thủy điện trải qua nhiều thời kỳ là quy hoạch chung của cả nước, không phải quy hoạch riêng của Chính phủ hay Bộ Công Thương... Chúng ta nói về chúng ta, không phải chúng ta nói về Chính phủ, cũng không phải nói về bộ, ngành này hay bộ, ngành khác”.

Nhiều người đã ngỡ ngàng trước lời giải thích này, thậm chí có đại biểu Quốc hội còn nói thẳng: “Tôi không hiểu bộ trưởng nói gì?”. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng việc rút bỏ trên 400 dự án thủy điện khỏi quy hoạch là chưa đủ. Vấn đề đặt ra là trách nhiệm cần được xác định thế nào? Trách nhiệm quy hoạch tràn lan trước đây, trách nhiệm xử lý những tồn tại của các dự án thủy điện đã xây dựng có tiếp tục gây ra những hậu quả nghiêm trọng trong tương lai, đều cần được tính đến.

Theo số liệu mới nhất được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Cao Đức Phát báo cáo trước Quốc hội, hiện cả nước có tới 1.200 hồ đập chứa nước không an toàn, cần tu bổ, sửa chữa với kinh phí khoảng 3.000 tỷ đồng.

Trong phiên họp hôm qua (20-11), Bộ trưởng Cao Đức Phát giải thích thêm 1.200 hồ đập trên chủ yếu là hồ thủy lợi chứ không phải hồ thủy điện. Nhưng nói như vậy không có nghĩa chúng ta có thể yên tâm với các hồ thủy điện, nhất là các dự án thủy điện nhỏ.

Thực tế việc cho phát triển quá nhiều dự án thủy điện nhỏ là nguyên nhân dẫn tới “lũ chồng lũ”, bởi thủy điện nhỏ hồ chứa cũng nhỏ. Nếu lũ về lớn chắc chắn phải xả lũ để bảo đảm an toàn hồ đập. Trong khi nếu là thủy điện lớn, hồ chứa lớn và đập cao, chức năng phân lũ cho hạ du mới thực sự hiệu quả. Nghĩa là cùng với việc lo cho an toàn các hồ đập thủy lợi, xử lý các dự án thủy điện nhỏ đã đi vào vận hành hiện nay là vấn đề cần được tính đến.

Nếu bây giờ chỉ rà soát quy hoạch, rút bớt mấy trăm dự án nhưng vấn đề gốc là nguyên nhân khiến “lũ chồng lũ” chưa được giải quyết, trong khi như lời Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói về trách nhiệm và hậu quả là “chúng ta nói về chúng ta…”, trong thời gian tới chắc chắn người dân sẽ tiếp tục phải gánh chịu hậu quả.

Đến nay, nước lũ vẫn đang ảnh hưởng tới đời sống hàng triệu người dân miền Trung. Đợt lũ lịch sử này là một minh chứng rằng nước không chỉ “đã đến chân” mà “đã ngập chân”, nhưng tới bao giờ chúng ta “mới nhảy”?

Mới đây một phát biểu gây chấn động của ông Yeb Sano, Trưởng đoàn đàm phán Philippines tại hội nghị Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 19 tổ chức ở Ba Lan, khi nói tới hậu quả nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và hành động để ngăn chặn: “Nếu không phải chúng ta thì là ai? Nếu không phải bây giờ thì bao giờ? Nếu không phải ở đây thì ở đâu?... Chúng ta có thể chấm dứt sự điên rồ ấy. Ngay tại đây!”.

Vậy ở Việt Nam, chúng ta có thể chấm dứt tình trạng “lũ chồng lũ” do “nhân tai thủy điện” bởi ai, bao giờ và ở đâu?

Các tin khác