Nước đã đến chân…

Trong bài viết “Giấc mơ ô tô: Điều chỉnh chính sách, tạo sức bật mới” số ra ngày 24-7-2014, báo ĐTTC đã dẫn nhiều ý kiến cho rằng muốn thành công với công nghiệp ô tô ở Việt Nam, về mặt chính sách cần có sự điều chỉnh ngay để tạo sức bật mới cho ngành công nghiệp quan trọng này, bởi thời gian không còn nhiều.

Cách đây gần 3 tháng, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1168/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Quyết định này đã tạo kỳ vọng mới về giấc mơ công nghiệp ô tô Việt Nam, vốn được xác định thất bại sau những nỗ lực trong suốt 20 năm qua.

Trong bài viết “Giấc mơ ô tô: Điều chỉnh chính sách, tạo sức bật mới” số ra ngày 24-7-2014, báo ĐTTC đã dẫn nhiều ý kiến cho rằng muốn thành công với công nghiệp ô tô ở Việt Nam, về mặt chính sách cần có sự điều chỉnh ngay để tạo sức bật mới cho ngành công nghiệp quan trọng này, bởi thời gian không còn nhiều.

Tuy nhiên, từ thời điểm đó đến nay, vẫn chưa thấy bất cứ động thái nào về thay đổi chính sách từ phía các cơ quan liên quan, ngoài việc Bộ Công Thương đứng ra tổ chức công bố bản chiến lược và quy hoạch mới. Chính sách thuế, được xem là vấn đề cốt lõi để cứu công nghiệp ô tô, đến nay vẫn dậm chân tại chỗ.

Tất nhiên, cơ quan hoạch định chính sách có thể cho rằng vài ba tháng chưa phải là dài, đủ để thay đổi cơ chế phát triển một ngành công nghiệp quan trọng như ô tô. Nhưng thực tế trước khi Thủ tướng phê duyệt chiến lược mới, những cơ quan liên quan đã có hàng năm trời để đóng góp ý kiến, lên kế hoạch thực thi chiến lược. Nay chiến lược đã được ban hành, điều chỉnh chính sách chỉ là khâu thủ tục, liệu có cần quá nhiều thời gian, nhất là khi những cảnh báo trên thị trường ô tô đang có nhiều dấu hiệu tăng cấp.

Trên thực tế, từ khi công nghiệp ô tô tại Việt Nam được xem là thất bại, các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước bắt đầu có sự chuyển hướng khi bên cạnh sản xuất, lắp ráp đã nhập khẩu ô tô về bán. Và đáng lo ngại xu hướng này đang ngày càng gia tăng.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy số ô tô nhập khẩu trong 9 tháng năm 2014 khoảng 44.000 chiếc với kim ngạch ước đạt 938 triệu USD, tăng 74% về lượng và 90,2% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Còn theo thống kê của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tính đến hết tháng 8-2014, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước tăng 27% nhưng xe nhập khẩu tăng 66% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tỷ lệ này liên tục giữ khoảng cách lớn hơn trong suốt nhiều tháng. Chẳng hạn trong tháng 7 tỷ lệ này lần lượt 24% và 62%, tháng 6 là 24% và 60%. Đặc biệt tháng 5 lượng xe trong nước sản xuất chỉ tăng 23%, trong khi xe nhập khẩu tăng 75%. Danh mục xe bán ra hàng tháng của các thành viên VAMA đều có những dòng xe nhập khẩu trực tiếp từ các nước ASEAN do có ưu đãi thuế nhập khẩu.

Với xu hướng như vậy của thị trường, chỉ trong hơn 3 năm tới, sản xuất ô tô trong nước chắc chắn sẽ bị khai tử. Theo lộ trình cắt giảm thuế quan trong khuôn khổ Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), từ năm 2018 thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước ASEAN giảm về 0%.

Trong khi đó, theo khảo sát của Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương), giá xe ở Việt Nam đang cao hơn nhiều so với giá xe của các nước trong khu vực như Thái Lan hoặc Indonesia tới 50-300 triệu đồng/chiếc, tùy từng loại xe. Nguyên nhân do chi phí sản xuất lớn hơn, mức thuế tiêu thụ đặc biệt của Việt Nam với dòng xe dưới 9 chỗ cao hơn so với mức thuế của các nước trong khu vực. Nếu chính sách không sớm thay đổi, tới thời điểm 2018 chắc chắn người tiêu dùng chẳng dại gì mua ô tô sản xuất trong nước.

Còn về phía doanh nghiệp, ông Kazuhiro Yamana, Tổng giám đốc Công ty Vinastar khi được hỏi đã nói thẳng, nếu bản quy hoạch ô tô mới không được triển khai sớm sẽ không kịp, khi đó chẳng doanh nghiệp nào còn cơ hội để gia tăng đầu tư, sản xuất, chỉ cần nhập xe từ các đại bản doanh trong ASEAN như Thái Lan, Indonesia về bán là đã có lợi nhuận.

Trong bài viết mới đây trên báo ĐTTC, chuyên gia về chính sách công nghiệp ô tô, ông Nguyễn Linh Anh nhận xét: “Bản quy hoạch mới được Thủ tướng thông qua được xem là cơ hội cuối cùng cho sự phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra là chính sách có được điều chỉnh kịp thời để nắm bắt cơ hội này?”.

Chúng ta đã mất 20 năm chật vật để gây dựng công nghiệp ô tô, nhưng thất bại cũng một phần do chính sách chưa đúng và thiếu tầm nhìn. Nay chúng ta đã có một bản quy hoạch và chiến lược phát triển dài hơi, nhưng nếu chậm điều chỉnh chính sách cũng sẽ không mang lại nhiều ý nghĩa. Việc cứu công nghiệp ô tô, có thể xem như nước đã đến chân, nhưng tới bao giờ các cơ quan điều hành mới chạy?

Các tin khác