Nhìn rộng, hành động nhanh

(ĐTTCO) - Ủy ban Quốc gia về chính phủ điện tử (CPĐT) vừa được thành lập do Thủ tướng làm Chủ tịch. Dự kiến ngày 1-1-2019, Thủ tướng sẽ ấn nút trục liên thông quốc gia kết nối tất cả các bộ ngành, địa phương.

 Với những quyết tâm mới, CPĐT gắn liền với cải cách hành chính, minh bạch và phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn đang dần hiện hữu. Đó là một chính phủ phi giấy tờ, hạn chế tối đa họp hành trực tiếp. 


Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, việc xây dựng CPĐT ở Việt Nam đã diễn ra gần 20 năm và đã có những thành tựu ban đầu. Năm 2016, chỉ số về phát triển CPĐT do Liên hiệp quốc đánh giá thì Việt Nam tăng 10 bậc, đứng thứ 89/193 quốc gia, lãnh thổ.

Và chúng ta có chỉ số dịch vụ công trực tuyến cũng tăng gần 10 bậc, từ 82 lên tới 74/193 quốc gia, lãnh thổ. Năm 2018, chỉ số về CPĐT được nâng thêm một bậc, hiện nay ta đang đứng thứ 88/193 quốc gia, lãnh thổ, chỉ số dịch vụ công trực tuyến tăng 15 bậc.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. 

Chỉ số này cho thấy sự cố gắng, nhưng so với kỳ vọng thì kết quả đạt được còn hạn chế. Những cốt lõi cần có trong xây dựng CPĐT chưa đạt được, như: thể chế pháp lý chưa hoàn thiện, nguồn nhân lực chất lượng cao còn yếu, hạ tầng thông tin có độ an toàn chưa cao.

Nay, với quyết tâm của Thủ tướng là xây dựng chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động phục vụ cho người dân và doanh nghiệp thì việc cải cách là hết sức cần thiết. Việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp tăng tính công khai, minh bạch, hướng tới nền quản trị thông minh trên cơ sở chủ động xây dựng cơ chế, chính sách, chính là sự cụ thể hóa tinh thần này và cũng là xu thế tất yếu của thời đại.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định, xây dựng CPĐT gắn liền với cải cách của Chính phủ và trong giai đoạn hiện nay, ưu tiên số một là quyết liệt cải cách ở các cơ quan hành chính nhà nước. Nếu làm tốt được điều đó sẽ tạo sự công khai, minh bạch, đáp ứng thẳng vào yêu cầu của người dân, doanh nghiệp, từ đó hạn chế tiêu cực, hạn chế tham nhũng về thể chế, chính sách.

Tuy nhiên, muốn làm được thì phải thay đổi nhận thức. Trước hết thay vì làm giấy tờ truyền thống thì hãy chuyển đổi xử lý hồ sơ trên nền điện tử, tiến tới số hóa. Tất cả vấn đề định danh cá nhân, xử lý hồ sơ công việc thực hiện bằng số hóa sẽ tạo ra những thuận lợi, môi trường trong lành, giảm chi phí, tiêu cực, tham nhũng trong thực thi công vụ. Nói cách khác, việc xây dựng CPĐT hiện nay sẽ được thực hiện từ trên xuống.

Chính phủ sẽ ban hành khung kiến trúc tổng thể về CPĐT; thực hiện tích hợp, chia sẻ dữ liệu, tạo ra các dịch vụ nền tảng dùng chung cho toàn hệ thống từ Trung ương đến địa phương và có sự đo lường, đánh giá chất lượng, hiệu quả thực hiện. Các địa phương, bộ ngành trên cơ sở khung kiến trúc đó để thực hiện các nhiệm vụ, phần việc của mình. Trong đó ưu tiên việc triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia, xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, dùng chung, thống nhất… 

Cũng như bất kỳ vấn đề gì, mấu chốt nhất trong vấn đề xây dựng và phát triển CPĐT hiện nay vẫn là yếu tố con người. Đặc biệt là người đứng đầu, lực lượng cán bộ triển khai và vấn đề nhận thức. Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, khi người ta không muốn chuyển đổi từ giấy tờ truyền thống sang sử dụng công nghệ thông tin là bởi họ không muốn thay đổi thói quen và rời bỏ quyền lợi của mình.

Nhưng với nền hành chính hiện đại và quản trị thông minh thì việc đó không thể chấp nhận. Hiện nay, Văn phòng Chính phủ đang thực hiện theo thông điệp của Thủ tướng về xây dựng CPĐT: “Nghĩ lớn, hành động nhanh, bắt đầu từ cái nhỏ nhất”, không làm ồ ạt nhưng cũng không thể chậm trễ, cái gì làm được trước phải làm trước, huy động toàn thể các nguồn lực.

Văn phòng Chính phủ hiện nay đang thực hiện mục tiêu “phi giấy tờ”, quản lý văn bản và giải quyết hồ sơ công việc trên nền điện tử. Đây là những việc làm cấp thiết và cực kỳ quan trọng trong xây dựng CPĐT hiện nay. CPĐT hướng tới chính phủ số với kinh tế số, xã hội số, là xu hướng tất yếu khi quá trình số hóa với cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ.

Các tin khác