Nhận diện giảm thu

Các cơ quan hành thu đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại với doanh nghiệp ở cấp quốc gia, địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, tình hình vẫn còn căng thẳng khi trong số 450.000 doanh nghiệp đang hoạt động, số doanh nghiệp kinh doanh không có lãi, khó có khả năng đóng thuế vẫn gặp nhiều thách thức. Vì vậy, đòi hỏi ngành tài chính tiếp tục có những sáng kiến giúp doanh nghiệp vượt khó, là điều cộng đồng doanh nghiệp trông đợi.

Sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khó khăn đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động thu ngân sách. Trong bối cảnh đó, ngành tài chính đã có nhiều nỗ lực và được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao trong việc đưa ra các chính sách hỗ trợ, như giãn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), giá trị gia tăng (GTGT), giảm thuế TNDN từ 25% và 20% xuống còn lần lượt 20% và 17% tùy theo loại hình doanh nghiệp...

Các cơ quan hành thu đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại với doanh nghiệp ở cấp quốc gia, địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, tình hình vẫn còn căng thẳng khi trong số 450.000 doanh nghiệp đang hoạt động, số doanh nghiệp kinh doanh không có lãi, khó có khả năng đóng thuế vẫn gặp nhiều thách thức. Vì vậy, đòi hỏi ngành tài chính tiếp tục có những sáng kiến giúp doanh nghiệp vượt khó, là điều cộng đồng doanh nghiệp trông đợi.

Theo Bộ Tài chính, 9 tháng năm 2013 số doanh nghiệp không có lãi, khó có khả năng nộp thuế vẫn còn cao, khoảng 66%, dù thấp hơn cùng kỳ năm 2012 (69%). Như vậy, số doanh nghiệp không có lãi tuy giảm nhưng vẫn chưa thoát khỏi khó khăn.

Đánh giá về tình hình thu ngân sách có thể không hoàn thành, theo bộ này nguyên nhân không phải do việc giãn, giảm thuế. Việc giãn, giảm thuế vẫn hết sức cần thiết trong trước mắt, lâu dài nhằm nâng cao sức khỏe, tính cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như tạo sự cạnh tranh trong thuế gián thu, trực thu với các nước trong khu vực ASEAN, khi thời điểm mở cửa hội nhập với khu vực (năm 2015) đang đến gần.

Trả lời câu hỏi ĐTTC về đánh giá thu ngân sách khó khăn không phải do chính sách giảm, giãn thuế, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn nêu các số liệu: Theo số thu ngân sách 10 tháng đầu năm so với cùng kỳ thì thu thuế từ khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh vẫn tăng 17,8%; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 30%; doanh nghiệp nhà nước nếu không kể số ghi thu, ghi chi chỉ tương đương 98% (giảm 2%).

Còn so với 69 ngân hàng thương mại, số thu năm nay chỉ bằng 86% (giảm 14%). Điều này cho thấy việc miễn, giảm, giãn thuế đối với doanh nghiệp và cá nhân không phải là nguyên nhân khiến số thu năm nay có thể không hoàn thành. Thu ngân sách giảm nhiều có nguyên nhân trực tiếp từ khu vực ngân hàng và các nguồn thu từ bất động sản.

Liên quan đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp vận tải thấp vì thuế, phí, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho biết hiện doanh nghiệp vận tải đang phải chịu khoảng 10 loại thuế, phí khác nhau như: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, phí kiểm định... và đều tăng so với trước đây.

Điều này đã tăng áp lực lên ngành vận tải ô tô khiến giá cước tăng, giảm cạnh tranh khi thực hiện hiệp định vận tải song phương, đa phương với khu vực; năng lực vận tải ô tô giảm sút đến 20-30%, doanh nghiệp buộc phải bán xe. Vì vậy, Bộ Tài chính cần rà soát lại các loại thuế, phí để loại bỏ các mức thu không hợp lý. Chia sẻ với những khó khăn doanh nghiệp vận tải đang gặp phải, song Bộ Tài chính cho rằng các loại, mức thu thuế, phí đã được pháp luật quy định, do vậy doanh nghiệp phải thực hiện.

Hiện nay thuế suất thuế TNDN ở Việt Nam thấp hơn so với khu vực và không thể giảm tiếp được. Còn với thuế GTGT, Nhật Bản vừa tăng từ 7% lên 10%, Trung Quốc 18%, Nga 19%, châu Âu 13-15%... Việt Nam tính bình quân chưa đến 10%; còn thuế thu nhập cá nhân, so với châu Âu, Việt Nam đang thấp hơn vài lần.

Theo ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, ngoại trừ hàng không, trong lĩnh vực vận tải đường sắt, đường bộ... chỉ có doanh nghiệp trong nước cạnh tranh với nhau và năm nào cũng tăng. Việc doanh nghiệp không cạnh tranh được không phải do chính sách mà các doanh nghiệp vận tải phải xem lại chính mình. Thậm chí cơ sở hạ tầng của Việt Nam đang được đầu tư nhiều nên tạo thuận lợi cho hoạt động vận tải.

Vấn đề đáng quan tâm hiện nay là số doanh nghiệp nợ thuế đang gia tăng. Do vậy, Bộ Tài chính sẽ tiến hành phân loại nợ. Khoản nợ mang tính bất khả kháng quá hạn sẽ được thực hiện theo Luật Quản lý thuế để khoanh lại; nợ của doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính thực hiện theo phân kỳ nộp thuế; nợ của doanh nghiệp có điều kiện nhưng không nộp sẽ tiến hành cưỡng chế để góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch ngân sách năm nay.

Các tin khác