Nguy cơ vẫn như cũ

Nội dung cơ bản của tái cơ cấu đầu tư giai đoạn 2013-2020 là huy động 30-35% GDP cho đầu tư phát triển, duy trì ở mức hợp lý các cân đối lớn của nền kinh tế; đầu tư nhà nước chiếm 35-40% tổng đầu tư xã hội; đổi mới cơ bản cơ chế phân bổ và quản lý sử dụng vốn, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán và lãng phí, nâng cao hiệu quả đầu tư nhà nước. Ý tưởng cơ bản của tái cơ cấu là giảm đầu tư nhà nước, tăng đầu tư tư nhân, đặt đầu tư xã hội trong mối quan hệ cân đối với các biến số cơ bản khác của nền kinh tế.

Tại một hội thảo về phục hồi tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế tổ chức cuối năm 2013, đã có ý kiến gây sốc khi cho rằng tiến trình tái cơ cấu đầu tư công đã qua 2 năm thực hiện nhưng vẫn trong tình trạng “chưa bắt đầu”, thậm chí có nguy cơ ngừng trệ. Điểm lại những việc đã làm và kết quả tái cơ cấu đầu tư công thời gian qua, có thể thấy ý kiến này rất đáng suy nghĩ.

Nội dung cơ bản của tái cơ cấu đầu tư giai đoạn 2013-2020 là huy động 30-35% GDP cho đầu tư phát triển, duy trì ở mức hợp lý các cân đối lớn của nền kinh tế; đầu tư nhà nước chiếm 35-40% tổng đầu tư xã hội; đổi mới cơ bản cơ chế phân bổ và quản lý sử dụng vốn, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán và lãng phí, nâng cao hiệu quả đầu tư nhà nước. Ý tưởng cơ bản của tái cơ cấu là giảm đầu tư nhà nước, tăng đầu tư tư nhân, đặt đầu tư xã hội trong mối quan hệ cân đối với các biến số cơ bản khác của nền kinh tế.

Kết quả đạt được khá rõ nét trong 2 năm qua là tỷ trọng đầu tư/GDP giảm đáng kể, từ mức bình quân 39% giai đoạn 2006-2010 xuống còn hơn 33% năm 2011, 30,5% năm 2012 và 29% năm 2013. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương đã đình hoãn, cắt giảm số lượng lớn dự án đầu tư.

Phân bố vốn nhờ đó đã tập trung hơn; ý thức trách nhiệm và kỷ cương nhà nước trong quản lý đầu tư công được cải thiện. Tuy nhiên, tái cơ cấu đầu tư công mấy năm qua về cơ bản mang tính tình huống, ngắn hạn; chủ yếu xử lý việc đầu tư vượt quá khả năng cân đối vốn, dàn trải, phân tán, thiếu đồng bộ hơn là thiết lập thể chế mới để quản lý vốn đầu tư nhà nước và hệ thống động lực mới thúc đẩy các bộ, địa phương, tổ chức, cá nhân có liên quan nâng cao hiệu quả trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư nhà nước.

Chỉ thị 1792 được Thủ tướng ban hành cuối năm 2011 cũng chủ yếu giải quyết các vấn đề của quá khứ hơn là tạo khuôn khổ pháp lý nâng cao hiệu lực quản lý và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư nhà nước trong tương lai.

Điều đáng lo ngại, trong khi thể chế mới cho quản lý phân bố và sử dụng vốn đầu tư nhà nước chưa được thiết lập, không ít dấu hiệu cho thấy nguy cơ nới lỏng chính sách tài khóa, gia tăng vốn đầu tư nhà nước và lặp lại tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, kém hiệu quả.

Thậm chí, trước tình trạng suy giảm của nền kinh tế trong 2 năm qua, đã có không ít ý kiến cho rằng cần mở rộng đầu tư nhà nước, tăng cầu khu vực nhà nước, thay thế cho cầu tư nhân đang suy yếu. Thực tế điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ có vẻ thiên về ý kiến loại này. Qua thực hiện Chỉ thị 1792 của Thủ tướng, vốn đầu tư nhà nước đã cắt giảm mạnh, hàng ngàn dự án đầu tư nhà nước bị đình hoãn hoặc hủy bỏ, trong đó có hàng trăm dự án dở dang.

Vì thế, có ý kiến cho rằng cắt giảm đầu tư nhà nước quá mạnh đã gây sốc cho nền kinh tế, là một trong các nguyên nhân làm suy giảm kinh tế; hàng trăm dự án dở dang, không có vốn để hoàn thành gây lãng phí cho xã hội. Ý kiến loại này cũng tạo áp lực để Chính phủ gia tăng đầu tư, ít nhất để hoàn thành các dự án được coi là dở dang. Trên thực tế, một phần vốn trái phiếu chính phủ phát hành thêm có thể sẽ phân bổ để thực hiện các dự án loại này.

Trước thực trạng trên, nói tái cơ cấu đầu tư công “chưa bắt đầu đã có nguy cơ ngưng trệ” không phải không có cơ sở. Để kết quả tái cơ cấu đầu tư công tránh nguy cơ bị đảo ngược, nên chăng thay đổi chính sách phục hồi tăng trưởng theo hướng trọng cung. Bởi nếu không thay đổi cơ bản cách tiếp cận trong chính sách phục hồi tăng trưởng, vẫn tiếp tục ưu tiên các giải pháp quản lý tổng cầu, thì các cải cách, thay đổi phía cung theo hướng giảm chi phí, nâng cao hiệu quả của nền kinh tế bị xem nhẹ, không phát huy tác dụng.

Trong khi đó, áp lực phục hồi tăng trưởng về ngắn hạn vẫn rất lớn, mở rộng đầu tư công chắc chắn vẫn là giải pháp đầu tiên được lựa chọn. Bên cạnh đó, phải thiết lập được quy trình thống nhất thẩm định, lựa chọn, phê duyệt và quyết định đầu tư nhằm lựa chọn dự án có hiệu quả kinh tế - xã hội cao nhất.

Một vấn đề không kém phần quan trọng là cần thay đổi vai trò của chính quyền địa phương, đổi mới phân cấp trung ương - địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội. Với thể chế hành chính chia cắt, phân tán theo địa giới hành chính mỗi tỉnh, thành phố như một nền kinh tế hiện nay, nguy cơ tái diễn đầu tư phân tán, dàn trải và kém hiệu quả vẫn rất lớn. Và hiện tượng đầu tư theo phong trào vẫn sẽ tiếp diễn.

Các tin khác