Nguy cơ thuế suất 0%

Như vậy, cùng với 6.859 dòng thuế (chiếm 72% trong tổng biểu thuế xuất nhập khẩu theo ATIGA) đã được cắt giảm về 0% từ đầu năm 2012 đến cuối năm 2014, tính đến thời điểm này 90% các dòng thuế trong biểu ATIGA đã có thuế suất bằng 0.
 

Theo biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt do Bộ Tài chính ban hành tại Thông tư 165/2014/TT-BTC, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2015, sẽ có thêm 1.715 dòng thuế giảm về 0% (trước đó là 5%). Các nhóm hàng cắt giảm thuế thuộc các ngành nông nghiệp, nông sản, nhiên liệu…

Như vậy, cùng với 6.859 dòng thuế (chiếm 72% trong tổng biểu thuế xuất nhập khẩu theo ATIGA) đã được cắt giảm về 0% từ đầu năm 2012 đến cuối năm 2014, tính đến thời điểm này 90% các dòng thuế trong biểu ATIGA đã có thuế suất bằng 0.

Cũng từ 1-1-2015, hàng loạt mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và New Zealand cũng sẽ được cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu để thực hiện các Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc (ACFTA); ASEAN - Ấn Độ (AIFTA); ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA) và ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA).

Kể từ thời điểm này, thị trường Việt Nam, sân nhà của doanh nghiệp nội sẽ tràn ngập hàng hóa ngoại nhập với cuộc cạnh tranh hứa hẹn rất khốc liệt. Theo đó, hàng hóa trong nước không chỉ cạnh tranh về giá mà còn về chất lượng, mẫu mã sản phẩm.

Và để trụ vững, một giải pháp không mới và đã từng được nói đến ở rất nhiều hội nghị, hội thảo: phải nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm. Vậy nhưng, cho đến nay dường như các doanh nghiệp vẫn loay hoay trong việc tìm ra lời giải cho riêng mình.

Không thể phủ nhận những doanh nghiệp đã đầu tư mạnh cho nghiên cứu - phát triển để sẵn sàng cho cuộc đấu hôm nay, nhưng con số ấy còn quá ít ỏi. Số đông còn lại là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu, lại thêm “sức khỏe” yếu nên khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng để đầu tư trang thiết bị mới.

Nhiều năm qua chúng ta luôn tự hào vì hàng Việt ngày càng chiếm đa số trong nhiều siêu thị. Song trên thực tế câu chuyện đưa hàng vào siêu thị của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ vẫn gian nan hơn bao giờ hết.

Nhiều doanh nghiệp không chịu nổi sức ép từ phía siêu thị đã bị đánh bật khỏi cuộc đua. Gần 90% hàng Việt trong các siêu thị đa số là hàng của các tập đoàn đa quốc gia sản xuất tại Việt Nam, còn hàng thuần Việt chỉ chiếm con số rất khiêm tốn.

Để tìm cho mình những khoảng trống còn lại, hành trình đưa hàng về nông thôn, vào các chợ truyền thống được quan tâm hơn. Song chính ở những nơi tưởng chừng như là “thánh địa” của hàng Trung Quốc cũng đã có những bước chân đến sớm của các tập đoàn tiêu dùng nước ngoài sản xuất tại Việt Nam, mà P&G hay Unilever là những thí dụ điển hình.

Vì thế, chưa ai biết trước khi hàng ngoại giá rẻ tràn ngập thị trường, hàng Việt có còn chỗ đứng ngay cả tại thị trường nông thôn hay không.

Có ý kiến cho rằng năm 2015 là cơ hội để doanh nghiệp hạ giá thành sản phẩm. Bởi trong năm 2014, giá xăng đã 12 lần giảm giá, đầu năm 2015 giảm 1 lần. Nhưng thực tế cho đến nay giá hàng hóa hầu như không giảm. Người tiêu dùng mong ngóng trong khi doanh nghiệp thờ ơ.

Lẽ ra doanh nghiệp phải giảm giá để tạo niềm tin người tiêu dùng, nhưng doanh nghiệp lờ đi và các hiệp hội cũng không lên tiếng. Mới đây, trước sức ép dư luận, Sở Công Thương TPHCM yêu cầu các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn phải giảm giá sản phẩm theo giá xăng dầu. Nhưng nếu chỉ giảm hàng bình ổn thì chưa đủ bởi sức lan tỏa của nhóm hàng bình ổn còn hạn chế.

Từ năm 2015 trở đi sẽ không còn chỗ cho kiểu kinh doanh “ăn sổi ở thì”. Muốn thành công trong thời điểm cánh cửa hội nhập rộng mở, bắt buộc doanh nghiệp phải có tầm nhìn xa, có chiến lược dài hạn.

Đáng tiếc, từ những câu chuyện nhỏ trên cho thấy nhiều doanh nghiệp vẫn loay hoay trong tầm nhìn ngắn hạn. Trong khi đó, nhiều hiệp định quan trọng sẽ được ký kết và có hiệu lực, vai trò hỗ trợ của các cơ quan chức năng sẽ dần giảm đi khi hội nhập sâu.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh đã từng nhìn nhận: “Nguy cơ hàng hóa nước ngoài tràn ngập, bóp chết sản xuất trong nước, khiến chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài là có thật. Một nền kinh tế sản xuất không phát triển, chỉ có tiêu dùng không thể tồn tại. Một nền kinh tế như vậy rất nguy hiểm”. Liệu doanh nghiệp Việt có kịp nhận ra để ứng phó kịp thời?

Các tin khác