Nguy cơ bị thâu tóm

(ĐTTCO) - Hiện đang có xu hướng nhiều thương hiệu bán lẻ ngoại không đầu tư trực tiếp như doanh nghiệp FDI, mà đi một bước khôn ngoan là sử dụng đối tác tại thị trường bán lẻ Việt Nam và tiến hành nhượng quyền để tiếp cận thị trường.
Nguy cơ bị thâu tóm
Hình thức này được ví như “mồi ngon” cho khối ngoại, nhưng lại thiệt thòi cho việc hút dòng vốn ngoại trực tiếp vào ngành bán lẻ. Có thể đơn cử như chuỗi cửa hàng tiện lợi quốc tế Circle K (Hoa Kỳ), một thương hiệu bán lẻ ngoại đang có hoạt động nhượng quyền khá bài bản và thành công tại thị trường bán lẻ Việt Nam với khoảng 200 cửa hàng.
Hoặc một số thương hiệu trong lĩnh vực ăn uống của Hàn Quốc cũng phát triển tốt như BBQ Chicken, hay các thương hiệu lớn như McDonald’s, Burger King hay Domino’s Pizza… Thực tế trên cho thấy, ngành bán lẻ Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ bị thâu tóm bởi các doanh nghiệp ngoại.
Hầu hết các thương vụ M&A trong lĩnh vực bán lẻ diễn ra thời gian qua, Nhật Bản, Hàn Quốc nổi lên với hàng loạt thương vụ mua lại Fivimart hay Diamond Plaza của DN Việt. Các DN nước ngoài có tiềm lực rất mạnh trên mọi phương diện như vốn, kinh nghiệm thương trường, nhân sự và công nghệ quản lý.
Ngoài ra, các DN này còn được sự hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ trong các chương trình, chiến lược tổng thể phát triển mạng lưới phân phối, với hệ thống khép kín toàn diện từ sản xuất đến tiêu dùng. Sản phẩm của họ có chất lượng tốt, giá bán rẻ và dịch vụ cung ứng hoàn hảo.
Trong khi đó, các DN trong nước lại thiếu kinh nghiệm, công nghệ quản lý yếu kém, thiếu hụt chuỗi kinh doanh và áp lực về nhân sự chất lượng cao. Hơn nữa, mạng lưới phân phối chưa đủ mạnh và không khép kín từ sản suất đến tiêu dùng, thiếu chiến lược đầy đủ, chưa có nhiều sản phẩm, hàng hóa có chất lượng cao, giá thành rẻ để có thể cạnh tranh với hàng hóa ngoại nhập.
Trong bối cảnh đó, các đại gia của Thái Lan đã lộ rõ tham vọng thâu tóm thị trường Việt Nam. Trong đó đứng đầu là Central Group, một tập đoàn bán lẻ của Thái Lan, thuộc sở hữu của gia tộc tỷ phú Chirathivat. Cách đây 2 năm, tập đoàn này đã mua lại toàn bộ hệ thống 33 siêu thị, trung tâm thương mại BigC Việt Nam với giá 1,14 tỷ USD, sau đó mua luôn 49% cổ phần của chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim. Đến nay, Central Group đã thiết lập tại Việt Nam 4 trung tâm thương mại, 27 cửa hàng thể thao, 30 cửa hàng thời trang, 21 trung tâm bán lẻ điện máy, 1 kênh thương mại điện tử và 13 siêu thị.
Lâu nay, chúng ta thường nói tới chuyện nhiều DN bán “lúa non”, nhưng đang có tình trạng nhiều thương hiệu Việt bắt đầu lớn mạnh, được người tiêu dùng tin cậy, cũng bắt đầu chuyển nhượng lại cho các đại gia nước ngoài, khi chủ động sáp nhập hoặc bị thâu tóm, giống như chỉ đợi “lúa già là bán”.
Trong khi để xây dựng được một thương hiệu rất lâu và rất khó khăn. Bên cạnh đó, dù thời gian qua Nhà nước đã có một số rào cản kỹ thuật, nhằm giúp DN bán lẻ trong nước có thời gian xây dựng nội lực tốt hơn để có thể cạnh tranh với các thương hiệu bán lẻ ngoại.
Song chính điều này lại được DN bán lẻ ở nước ngoài tận dụng, khi không đầu tư trực tiếp, mà sử dụng đối tác nội địa tại thị trường bán lẻ và nhượng quyền cho đối tác đó để tiếp cận thị trường Việt Nam. Trong khi đó cũng với hình thức này, chính DN, nhà đầu tư Việt Nam lại phải đi mua nhượng quyền thương hiệu nước ngoài để có thể vận hành tại thị trường Việt Nam và trả phí cho họ.
Nhượng quyền là tốt, bởi sự thâu tóm hệ thống các kênh bán lẻ của khối ngoại đã tạo lợi thế rất lớn đối với sự góp mặt, cũng như gia tăng giành thị phần cho sản phẩm. Nói cách khác, sản phẩm có xuất xứ từ các quốc gia thâu tóm đã làm phong phú thêm các hàng hóa chất lượng cao, tức người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi.
Tuy nhiên, về mặt chính sách cũng cần thu hút được đầu tư trực tiếp từ các tập đoàn bán lẻ ngoại nhiều hơn, sẽ tốt hơn cho nền kinh tế. Còn nếu cứ thu hút đầu tư qua nhượng quyền, tức sẽ bị thâu tóm qua M&A, đến lúc nào đó thị trường bán lẻ nội địa sẽ sạch bóng thương hiệu Việt. 

Các tin khác