Ngổn ngang tái cơ cấu

Quá trình tái cơ cấu nền kinh tế được khởi động từ gần 3 năm trước và liên tục được đề cập tại các diễn đàn kinh tế thường niên do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức. Năm 2012, Diễn đàn kinh tế mùa Xuân thu hút sự hứng khởi với chủ đề “Khởi động mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế”. Nhưng tới năm 2013, cũng tại Diễn đàn kinh tế mùa Xuân với chủ đề “Tái cơ cấu nền kinh tế - Một năm nhìn lại”, kết quả tái cơ cấu kinh tế đã nhận được nhiều lời phàn nàn.

Cuối tuần này, một sự kiện kinh tế được giới chuyên gia cũng như các nhà hoạch định chính sách rất quan tâm sẽ diễn ra tại Ninh Bình. Đó là Diễn đàn kinh tế mùa Thu 2014 do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức, với chủ đề "Tái cơ cấu nền kinh tế: kỳ vọng chuyển biến mạnh mẽ và cơ bản".

 Quá trình tái cơ cấu nền kinh tế được khởi động từ gần 3 năm trước và liên tục được đề cập tại các diễn đàn kinh tế thường niên do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức. Năm 2012, Diễn đàn kinh tế mùa Xuân thu hút sự hứng khởi với chủ đề “Khởi động mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế”. Nhưng tới năm 2013, cũng tại Diễn đàn kinh tế mùa Xuân với chủ đề “Tái cơ cấu nền kinh tế - Một năm nhìn lại”, kết quả tái cơ cấu kinh tế đã nhận được nhiều lời phàn nàn.

Các ý kiến tại diễn đàn cũng cho rằng sau hơn 1 năm triển khai theo Nghị quyết của Quốc hội, việc thực hiện nhiệm vụ được xác định rất cấp bách này mới dừng ở các đề án riêng lẻ, chưa có sự gắn kết với nhau trong một chương trình tổng thể, nhất quán; thậm chí là cách làm ngược khi chưa có đề án tổng thể chung nhưng đã có các đề án thành phần... Năm nay, tái cơ cấu lại trở thành chủ đề của Diễn đàn kinh tế mùa Thu, nhưng ban tổ chức có vẻ thận trọng khi đặt từ “kỳ vọng” trước cụm từ “chuyển biến mạnh mẽ và cơ bản”.

Dừng ở “kỳ vọng” là đúng, bởi trên thực tế tái cơ cấu kinh tế đã có bước chuyển biến nhưng chưa thể gọi là mạnh mẽ. Cả 3 lĩnh vực được xác định trụ cột của tái cơ cấu là đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và các tổ chức tín dụng (TCTD) đều ngổn ngang nhiều vấn đề cần giải quyết. Về kết quả, nói như TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thành tựu nổi bật nhất chỉ mới dừng lại... xây dựng cơ sở pháp lý! Với đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt từ đầu năm 2012. Trên cơ sở đề án này, Ngân hàng Nhà nước bước đầu có các giải pháp tái cơ cấu hệ thống, đến nay đã kiểm soát được tình hình của các ngân hàng yếu kém, từng bước lập lại trật tự, kỷ cương trên thị trường tiền tệ.

Tuy nhiên, một trong những mục tiêu quan trọng của đề án là giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống xuống dưới 3% vẫn đang là bài toán khó. Công ty VAMC đã ra đời để mua nợ xấu từ các ngân hàng, nhưng năng lực cũng như cơ chế xử lý nợ chưa đủ mạnh. Một trở ngại khác là tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống TCTD chưa thể giải quyết trong một sớm, một chiều.

Đối với tái cơ cấu DNNN, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định nhằm nâng cao quản trị của DNNN; nâng cao hiệu quả quản lý vốn nhà nước tại DN. Tuy nhiên, nhiều đạo luật khác có liên quan vẫn đang trong giai đoạn xây dựng, sửa đổi. Còn đầu tư công, về cơ bản lĩnh vực này hiện mới được điều chỉnh bằng Chỉ thị 1792 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu. Bởi Luật Đầu tư công tháng 6-2014 mới được thông qua nên chưa có cơ sở pháp lý đầy đủ để thực hiện tái cơ cấu đầu tư công. Thực tế, số lượng các công trình, dự án đầu tư công đã giảm so với trước năm 2011, nhưng mới dừng lại ở mức "cắt" cơ học.

Sự ngổn ngang của tái cơ cấu kinh tế cũng có thể thấy được từ kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tham gia đoàn giám sát làm việc ở nhiều địa phương, TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, nhận xét: “Về mặt nỗ lực thì có nhưng kết quả cụ thể chưa thực sự rõ nét”.

Theo ông Lịch, nguyên nhân do các địa phương, tập đoàn và tổng công ty vẫn lúng túng về những bước đi cụ thể nhằm tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Vì thế, dù rất nỗ lực nhưng vấn đề khó nhất của các địa phương là làm thế nào để tái cấu trúc toàn bộ cơ cấu kinh tế của mình. Một nguyên nhân sâu xa hơn là từ thể chế kinh tế, trong đó có việc xác định vai trò của kinh tế nhà nước trong hỗ trợ phát triển thị trường như thế nào, đến nay chưa được làm rõ.

Từ khởi động đến kỳ vọng, một lần nữa vấn đề tái cơ cấu lại được các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, các nhà hoạch định chính sách mổ xẻ tại Diễn đàn kinh tế mùa Thu sắp tới. Hy vọng, cùng với chương trình giám sát tối cao về tái cơ cấu tại kỳ họp Quốc hội sắp tới, các kiến nghị tại diễn đàn sẽ mang lại đóng góp thiết thực hơn để tạo sự chuyển biến hiệu quả, mạnh mẽ và cơ bản cho tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế trong thời gian tới.

Các tin khác